Tiếng Việt | English

23/09/2016 - 20:35

Cần có phương tiện, công cụ để chống buôn lậu

Hiện nay, tình hình buôn lậu, nhất là mặt hàng thuốc lá trên địa bàn tỉnh Long An vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Long An - Nguyễn Anh Việt xung quanh vấn đề này.


Vận chuyển thuốc lá lậu bằng xe máy

PV: Xin ông cho biết tình hình buôn lậu thuốc lá ngoại trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Ông Nguyễn Anh Việt: Long An là một trong những địa bàn nóng về hoạt động buôn lậu thuốc lá ngoại trong cả nước. Tình hình buôn lậu thuốc lá ngoại qua biên giới của tỉnh từ đầu năm đến nay, nhìn chung vẫn diễn ra phức tạp. Địa bàn có nhiều luồng, tuyến buôn lậu hoạt động mạnh hiện nay thuộc huyện Đức Huệ, vì thuốc lá nhập lậu qua biên giới chuyển qua huyện Đức Hòa đưa vào TP.HCM tiêu thụ có cự ly tương đối ngắn (ước hơn 40km) so với các địa bàn khác trong tỉnh.

9 tháng năm 2016, các lực lượng chức năng của tỉnh bắt giữ, xử lý 1.756 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, nhập lậu, xử lý tịch thu 1.862.474 gói thuốc lá ngoại. Riêng lực lượng Quản lý thị trường  phát hiện, xử lý tịch thu 139.299 gói thuốc lá ngoại nhập lậu.

Buôn lậu diễn biến phức tạp, nhưng đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng lậu thì manh động, liều lĩnh và luôn tìm mọi cách né tránh lực lượng chức năng. Cụ thể những năm qua, bọn buôn lậu sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng để cướp lại hàng bị thu giữ. Gần đây nhất là vụ việc diễn ra vào tối ngày 15-9, bọn buôn lậu truy đuổi cướp hàng và đánh chết anh Nguyễn Kim Danh - cán bộ Quản lý thị trường  (Đội số 1). Ngoài ra, bọn buôn lậu còn cử người theo dõi lực lượng chức năng, canh gác ở các tuyến đường vận chuyển hàng để thông báo cho nhau biết nếu có sự xuất hiện của lực lượng này.

Buôn lậu diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở khu vực biên giới vì có nhiều người qua lại biên giới trái phép để buôn lậu, các lực lượng chức năng gặp khó khăn trong tuần tra, kiểm soát; đồng thời, gây mất trật tự, an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường bộ vì các đối tượng vận chuyển hàng lậu chạy trên đường với tốc độ rất nhanh.


Sử dụng xe máy chở thuốc lá lậu qua địa bàn huyện Đức Hòa

PV: Theo ông, lực lượng, phương tiện, công cụ hỗ trợ chống buôn lậu đã đáp ứng được yêu cầu?

Ông Nguyễn Anh Việt: Biên chế lực lượng làm nhiệm vụ chống lậu của các lực lượng chức năng rất mỏng; phần lớn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên không thể thực hiện thường xuyên công tác chống buôn lậu. Chẳng hạn như Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Long An phụ trách 2 địa bàn biên giới huyện Đức Huệ và Đức Hòa nhưng biên chế bố trí chỉ có 9 người; trong khi đó, địa bàn rộng, sông nước và phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ, vừa chống buôn lậu, vừa chống gian lận thương mại và hàng giả. Còn lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, vừa làm nhiệm vụ chống buôn lậu.

Điều kiện vật chất phục vụ công tác chống buôn lậu của lực lượng chức năng còn thiếu nên chưa bảo đảm công tác này đạt hiệu quả cao cũng như bảo đảm an toàn cho người thực thi công vụ. Thực tế hiện nay, một số phương tiện phục vụ công tác chống buôn lậu như ca nô, xe ôtô, công cụ hỗ trợ chưa được trang bị đầy đủ cho các đội Quản lý thị trường, trong khi đó, một số phương tiện được trang bị hiện xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng yêu cầu công tác. Nhân lực, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ thiếu, yếu là những yếu tố dẫn đến khó khăn trong chống buôn lậu.

PV: Vì sao ở Long An, tình hình buôn lậu, trong đó chủ yếu là thuốc lá ngoại vẫn diễn biến rất phức tạp, thậm chí gia tăng, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Việt: Có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan là tỉnh Long An có đường biên giới giáp Campuchia dài 133km, địa hình bằng phẳng và hệ thống kênh, rạch chằng chịt, với nhiều đường mòn, lối mở nên công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý biên giới của các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Về chủ quan, theo tôi, sự phối hợp giữa các lực lượng chống lậu ở biên giới và nội địa; sự phối hợp giữa các lực lượng chống lậu ở các địa bàn giáp ranh của một số tỉnh, thành chưa chặt chẽ và đồng bộ; do đó, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp trong công tác phối hợp chống buôn lậu.

Ngoài ra, việc bắt và xử lý các vụ buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu thường là không có đối tượng vi phạm, vì khi bị phát hiện, các đối tượng buôn lậu đều tìm mọi cách bỏ hàng, chạy trốn để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Song song đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân khu vực biên giới về phòng, chống buôn lậu của một số tổ chức, đoàn thể và chính quyền ở cơ sở còn hạn chế, chưa thường xuyên nên chưa có tác động nâng cao nhận thức của người dân về chủ trương chống buôn lậu của Đảng và Nhà nước. Do đời sống khó khăn, vẫn còn một số người dân vùng biên giới tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển hàng lậu và coi đó là một nghề để kiếm sống.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng thuốc lá ngoại nhập lậu của người dân còn lớn, xu hướng tiêu thụ thuốc lá lậu mỗi năm lại tăng lên. Thuốc lá nhập lậu không có thuế nên nhiều người dân tham gia buôn lậu để kiếm lời. Xu hướng buôn lậu thuốc lá lậu tăng là theo quy luật cung - cầu; có cầu ắt sẽ có cung.


Công an huyện Thạnh Hóa kiểm tra số thuốc lá ngoại nhập lậu bị bắt giữ. Ảnh:C.Huấn

PV: Theo ông, chế tài xử phạt buôn lậu thuốc lá hiện nay đã đủ sức răn đe?

Ông Nguyễn Anh Việt: Theo tôi, chế tài xử lý hành chính đối với hành vi buôn bán, vận chuyển,... thuốc lá nhập lậu theo Nghị định số 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ là đủ mạnh, nhưng về xử lý hình sự thì chưa đồng bộ.

Cụ thể, Nghị định số 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế nhưng, Thông tư liên tịch số 36/2012/BCT-BCA-BYT- VKSNDTC-TANDTC quy định số lượng làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu phải từ 1.500 bao trở lên.

PV: Vào những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu thuốc lá thường có dấu hiệu tăng cao, vậy Chi cục Quản lý thị trường Long An - đơn vị Thường trực của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh có những giải pháp gì để ngăn chặn, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Việt: Đúng là theo quy luật hàng năm, thời điểm cuối năm và trước Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu thuốc lá ngoại có xu hướng tăng mạnh. Theo đó, với vai trò là cơ quan giúp việc Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường xây dựng kế hoạch mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán năm 2017; tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ.

Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, Chi cục ban hành kế hoạch chỉ đạo các đội Quản lý thị trường triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, tập trung tăng cường các giải pháp kiểm tra và phối hợp các lực lượng chức năng đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ khu vực biên giới của tỉnh vào nội địa và khu vực giáp ranh với các tỉnh, thành.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu vào nội địa, đặc biệt là các cơ sở đã ký cam kết không buôn bán thuốc lá nhập lậu, nhằm góp phần thực hiện đồng bộ giải pháp chống buôn lậu thuốc lá ở khu vực biên giới và nội địa. Chi cục Quản lý thị trường sẽ kết hợp công tác kiểm tra, xử lý với công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu. Đồng thời, vận động các cơ sở kinh doanh có bán thuốc lá ký cam kết không buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu.

PV: Thưa ông, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh có kiến nghị, đề xuất gì trong việc phòng, chống buôn lậu thuốc lá?

Ông Nguyễn Anh Việt: Đề nghị các cấp lãnh đạo có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương xem xét cho chủ trương bổ sung biên chế lực lượng Quản lý thị trường cả nước nói chung và Quản lý thị trường Long An nói riêng nhằm bảo đảm đủ biên chế để hoạt động, nhất là bổ sung biên chế cho các đội Quản lý thị trường phụ trách ở các địa bàn biên giới và địa bàn có nhiều luồng, tuyến nóng về buôn lậu. Có cơ chế trang bị bổ sung các điều kiện về vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chống buôn lậu nhằm tạo điều kiện cho lực lượng Quản lý thị trường tổ chức hoạt động hiệu quả, nhất là phải bảo vệ an toàn về con người trong quá trình thực thi công vụ.

Các bộ, ngành chức năng sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLTBCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC quy định về số lượng thuốc lá lậu làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự cho phù hợp quy định tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ là từ 500 bao thuốc lá lậu trở lên thay cho quy định là 1.500 bao trở lên.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lê Đức

Chia sẻ bài viết