Tiếng Việt | English

25/12/2016 - 14:53

Cân đối quỹ hưu trí: Chọn tăng tuổi nghỉ hưu hay giảm lương hưu?

Nhiều ý kiến phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu để cân đối quỹ hưu trí, nhưng có lẽ việc mất cân đối quỹ là một thực tiễn mà đã đến lúc cần nhìn thẳng vào.

Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam. (Ảnh: Bảo hiểm xã hội Việt Nam)Công thức tính lương hưu đã được duy trì trong suốt mấy chục năm với cách tính toán ban đầu chỉ dành cho khối cán bộ công chức đã không còn phù hợp với tình hình mới khiến nguy cơ vỡ quỹ hưu trí có khả năng trở thành hiện thực.

Trước tình hình đó, tăng tuổi nghỉ hưu hay giảm lương hưu - đâu sẽ là biện pháp tối ưu?

Phóng viên VietnamPlus đã có buổi phỏng vấn với ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để làm rõ hơn về mối liên quan giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và cân đối quỹ hưu trí.

- Xin ông cho biết nguyên nhân tại sao lại liên tục phải tính toán đến việc cân đối quỹ hưu trí?

Ông Trần Đình Liệu: Bất cứ quốc gia nào cũng phải cân đối quỹ hưu trí giữa thời gian đóng, mức đóng với mức hưởng, thời gian hưởng; phải xây dựng chính sách dài hạn, có sự kế tiếp và chuyển tiếp.

Từ khi thực hiện bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc “có đóng, có hưởng” (năm 1995) đến nay, chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện. Với thời gian đóng bảo hiểm xã hội như Việt Nam, các nước chỉ cho hưởng lương hưu với tỷ lệ 40-60% mức đóng nhưng Việt Nam mức hưởng lên tới 75%. Vì vậy, buộc phải điều chỉnh dần để cân bằng mức đóng, mức hưởng.

Nếu vẫn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu nữ 55 và nam 60, với chính sách đóng hưởng như hiện tại, “cán cân” quỹ hưu trí đã được tính rất cụ thể. Dự báo, đến 2037 mức thu bao gồm cả kết dư quỹ sẽ bằng mức chi, sau đó sẽ phải lấy ngân sách bù vào để trả lương hưu. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì dự báo này có thể lùi lại đến năm 2040-2050, tùy vào phương án tăng tuổi nghỉ hưu.

-Tỷ lệ hưởng lương hưu của Việt Nam là 75% và như ông nói là đang khá cao, vậy có phải là cách tính toán lương hưu của Việt Nam “đóng ít, hưởng nhiều” đang gây nên mất cân đối quỹ hưu trí?

Ông Trần Đình Liệu: Theo công thức tính lương hưu được thực hiện trong suốt từ năm 1995 thì thời gian đóng trung bình của Việt Nam là 25 năm và tuổi nghỉ hưu trung bình là 54 tuổi, khi đó tuổi thọ bình quân chỉ là 67, tức là người lao động hưởng lương hưu trong 13 năm. Nhưng hiện nay tuổi thọ tăng lên 73, vậy cần tới 19 năm hưởng lương thì rõ ràng với công thức tính lương hưu cũ đang mất cân đối 6 năm. Khi điều chỉnh tăng thêm tuổi nghỉ hưu như đề xuất thì khoảng hụt sẽ chỉ còn khoảng 1,5- 2 năm thay vì 6 năm.

Thực tế, với số tiền mà người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội trong 30-35 năm và với tỷ lệ hưởng 75% thì chỉ trong vòng sau 13, 14 năm thì mỗi người lao động đã hưởng hết số tiền họ đóng vào bảo hiểm xã hội, mỗi năm họ tiếp tục hưởng lương hưu sẽ tạo nên việc mất cân đối của quỹ hưu trí do mức đóng và mức hưởng không tương ứng.

Nguyên tắc của quỹ hưu trí là “có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp” và tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là khoản để dành, được Nhà nước bảo hộ.

Nhìn ra các nước, Thái Lan quy định lương hưu chỉ bằng 20% mức đóng bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, người lao động ở nước ta được hưởng mức hưởng lương hưu hằng tháng bằng 75% tiền đóng bảo hiểm xã hội. Nếu người đóng không may qua đời, không kịp hưởng thì người thừa kế vẫn được hưởng. Khi giá trị sức mua của tiền lương hưu bị giảm sút do chỉ số giá tiêu dùng tăng, Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng lương hưu để bảo đảm đời sống cho người nghỉ hưu.

Như vậy, hiện nay ở nước ta, những người đang hưởng lương hưu đều có mức hưởng cao hơn mức đóng.


Bảo hiểm xã hội đang thực hiện nhiều biện pháp cải cách để cân đối quỹ hưu trí. (Ảnh minh họa: TTXVN)

- Nhưng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã có nhiều thay đổi về cách tính bảo hiểm xã hội nhưng liệu có phải vẫn chưa “an toàn” với quỹ và phải tính đến thêm việc tăng tuổi nghỉ hưu, thưa ông?

Ông Trần Đình Liệu: Bài toán cân đối quỹ có 3 phương án. Một là, tăng mức đóng giảm quyền lợi. Hai là, tăng số năm đóng tương ứng với tỷ lệ hưởng 75%. Ba là, kéo dài tuổi nghỉ hưu.

Tuổi nghỉ hưu chỉ là một trong những phương pháp được lựa chọn để cân đối quỹ. Thực tế Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã điều chỉnh điều kiện đóng hưởng, tăng dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với mức lương hưu 75% và điều chỉnh mức đóng. Tuy nhiên, việc tăng mức đóng và giảm quyền lợi để cân đối quỹ phải có lộ trình hài hòa giữa người lao động, chủ sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội.

Hiện nay, công thức tính toán của chúng ta là phù hợp với điều kiện người lao động tuổi thọ trung bình là 67 tuổi, hưởng lương hưu 13-14 năm nhưng thực tế hiện nay tuổi thọ trung bình đã lên tới 73-75 tuổi, người lao động đang hưởng lương hưu 19-21 năm thì rõ ràng quỹ mất cân bằng và cần kéo dài thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động. Nếu không tăng tuổi nghỉ hưu thì chắc chắn sẽ phải xem xét việc giảm tỷ lệ hưởng lương hưu từ 75% xuống 50-60% để tương ứng với mức đóng, hưởng thực tế của người lao động.

-Vậy Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị điều chỉnh tuổi nghỉ hưu như thế nào thưa ông?

Ông Trần Đình Liệu: Đời sống vật chất, công tác chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng được cải thiện, tuổi thọ bình quân của người dân đã lên tới 73 tuổi. Việt Nam sắp qua giai đoạn “dân số vàng” và bước vào thời kỳ già hóa dân số. Nếu không có bước chuẩn bị, sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực cung ứng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, hiện tại chúng ta đang thiếu lực lượng lao động có chất lượng cao. Do đó, nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn tới lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tất nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể sẽ ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của một bộ phận lao động trẻ. Nhưng chúng tôi cho rằng, cũng chỉ một vài năm giai đoạn đầu, sau đó khi đã cân bằng người tham gia vào và người ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội thì sẽ không còn tình trạng đó.

Đối với người lao động, khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, người lao động có cơ hội kéo dài thời gian làm việc, cống hiến và tham gia bảo hiểm xã hội, sau này có lương hưu cao hơn, giúp họ tránh gặp khó khăn về tài chính khi bước vào giai đoạn tuổi già.

Theo tôi, có nhiều phương án nâng thời gian đóng bảo hiểm xã hội, tuy nhiên để cân đối hài hòa, nên làm từ từ, tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Chúng tôi cũng đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tùy theo từng nhóm đối tượng, loại hình lao động, sao cho phù hợp với điều kiện lao động và sức khỏe.

-Xin cảm ơn ông!

Một công thức lương hưu "đóng ít, hưởng nhiều" đang tạo áp lực ngày càng lớn lên quỹ hưu trí, đòi hỏi phải tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu. Vậy thì tuổi thọ, tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam so với quốc tế như thế nào? "Bài toán" tăng tuổi nghỉ hưu của các nước trên thế giới được "giải" thế nào?./.

TTXVN

Chia sẻ bài viết