Tiếng Việt | English

16/05/2018 - 20:43

Cần Đước: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Năm 2018, Cần Đước tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, triển khai các chương trình đột phá, công trình trọng điểm, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là phát triển nông nghiệp toàn diện, ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) và bền vững, gắn với việc chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Để phát triển nông nghiệp toàn diện, an toàn, bền vững, chất lượng cao, huyện tổ chức các mô hình, áp dụng công nghệ mới, xây dựng quy trình sản xuất hiệu quả để tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng, nâng cao hiệu quả sản xuất. Thời gian qua, huyện triển khai nhiều mô hình trình diễn sản xuất rau ƯDCNC với diện tích khoảng 5ha ở các xã: Long Hòa, Long Trạch, Long Khê, Phước Vân (Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tự động, sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học). Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ thực hiện 3 mô hình và nhân rộng cho 707 hộ với diện tích gần 200ha.

Hiện, toàn huyện có khoảng 85ha trồng rau trong nhà lưới, có hệ thống tưới tự động

Hiện, toàn huyện có khoảng 85ha trồng rau trong nhà lưới, có hệ thống tưới tự động

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện - Nguyễn Hồng Chương, mô hình trồng rau ƯDCNC nhìn chung mang lại hiệu quả cao, lượng phân vô cơ sử dụng giảm từ 10-40kg/ha, năng suất tăng 5-20% so với ruộng không sử dụng phân hữu cơ, ít sâu, bệnh, năng suất cao hơn từ 200-500kg/1.000m2. Qua triển khai mô hình, nhận thức của người dân về sản xuất rau an toàn được nâng lên, từng bước áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Mô hình này giảm chi phí sản xuất và sâu, bệnh, hiệu quả cao hơn so với cách trồng truyền thống. Hiện nay, nông dân tiếp tục mở rộng diện tích. Hiện, toàn huyện có khoảng 85ha trồng rau trong nhà lưới, có hệ thống tưới tự động; có trên 200ha rau màu sử dụng phân hữu cơ, vi sinh thay thế
phân vô cơ, đạt hiệu quả cao.

Giám đốc Hợp tác xã Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) - Lê Văn Giấy chia sẻ: “Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, hợp tác xã chú trọng sản xuất ƯDCNC, dùng phương pháp che phủ lưới và hệ thống tưới tự động. Từ đó, giảm nhiều chi phí, phân bón, ít tốn công lao động và đất đai tăng được độ phì nhiêu, bảo đảm cho cây trồng có độ ẩm tốt, rau phát triển nhanh hơn. Ngoài ra, còn giảm sử dụng thuốc trừ sâu khoảng 50% và rút ngắn thời gian thu hoạch rau từ 5-6 ngày. Lợi nhuận tăng lên khoảng 4 triệu đồng/vụ/1.000m2”.

Đối với các xã vùng hạ, nhất là các xã vùng ngập mặn, với thế mạnh nuôi trồng thủy sản, việc đẩy mạnh ƯDCNC vào sản xuất cũng được thực hiện. Phòng NN&PTNT huyện phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ chọn mô hình điểm nuôi tôm ƯDCNC tại xã Tân Ân và Tân Chánh. Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện - Ngô Hồng Điệp thông tin: “Nuôi tôm ƯDCNC cần vốn đầu tư lớn nhưng bước đầu mô hình mang lại lợi nhuận khá, kiểm soát được dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, sản xuất mang tính bền vững”.

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cần vốn đầu tư lớn nhưng bước đầu mô hình mang lại lợi nhuận khá, kiểm soát được dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, sản xuất mang tính bền vững

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cần vốn đầu tư lớn nhưng bước đầu mô hình mang lại lợi nhuận khá, kiểm soát được dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, sản xuất mang tính bền vững

Ông Nguyễn Văn Sánh (xã Tân Chánh) nói: “Hiện nay, tôm của tôi được 50 ngày, khoảng 160 con/kg. Khi tham gia mô hình nuôi tôm ƯDCNC, chúng tôi được hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn và vật tư. Tôm trong quá trình nuôi, tôi thấy tỷ lệ sống cao, người nuôi không sử dụng kháng sinh, không nhiễm khuẩn”.

Ngoài ra, toàn huyện có gần 150ha nuôi tôm công nghiệp (mật độ 60 con/m2, trang bị máy cho ăn, máy quạt nước, máy thổi oxy, đạt năng suất 4-5 tấn/ha, có hộ đạt
8-10 tấn/ha). Hầu hết nuôi tôm theo mô hình công nghiệp đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, huyện tiếp tục vận động, hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình phù hợp thực tế, khả năng đầu tư; đồng thời,
tổ chức cho nông dân tham quan mô hình, tập huấn kỹ thuật nuôi tiên tiến, hỗ trợ kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Ngoài sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, huyện xây dựng mô hình hiệu quả như chăn nuôi bò ở xã Phước Vân, Long Cang và thành lập tổ hợp tác nuôi bò, dê ở xã Phước Đông, Tân Lân với 93 trang trại có hơn 500.000 con gia súc, gia cầm; cùng một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế: Trồng bưởi da xanh, dưa hấu, mãng cầu xiêm, thơm,... Đặc biệt là cây thanh long, thời gian qua mang lại hiệu quả cao.

Anh Lê Minh Đức (xã Phước Tuy) cho biết: “Vùng đất ở đây trước giờ trồng lúa nhưng năng suất không cao. Do đó, nhiều hộ chuyển từ trồng lúa sang trồng màu và đặc biệt là trồng thanh long trên đất phèn mặn, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, có nhiều hộ làm giàu từ cây trồng này. Hiện, gia đình tôi có 0,6ha đất trồng hơn 1.000 gốc thanh long ruột đỏ trên đất phèn mặn. Cây nhanh chóng thích nghi và phát triển tốt, mỗi năm thu hoạch 2 đợt, với giá bán từ 30.000-45.000 đồng/kg, trừ chi phí, tôi thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm”.

Trồng thanh long bước đầu mang lại hiệu quả

Trồng thanh long bước đầu mang lại hiệu quả

Trưởng trạm Khuyến nông huyện - Huỳnh Văn Đành thông tin: “Hiện nay, diện tích chuyển đổi sang trồng thanh long khoảng 20ha, tập trung ở xã Phước Tuy, Tân Trạch. Mặc dù bước đầu mang lại hiệu quả nhưng việc chuyển đổi cây trồng trên đất phèn mặn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn ban đầu cao, nông dân chưa có kỹ thuật và kinh nghiệm trong việc cải tạo đất, phương pháp trồng, đặc biệt là thời tiết thay đổi thất thường gây bất lợi cho việc chăm sóc và sâu, bệnh xuất hiện nhiều. Để sản xuất hiệu quả, thời gian tới, trạm tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và đề nghị mở lớp nghề trồng thanh long”.

Nhằm tạo điều kiện cho nông dân sản xuất hiệu quả, huyện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, điện, thủy lợi nội đồng, tăng cường hỗ trợ vốn sản xuất, vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã; tiếp tục xây dựng thương hiệu, tổ chức sản xuất theo hướng hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; liên kết sản xuất, tiêu thụ chuỗi giá trị, tạo điều kiện kêu gọi các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, nhằm tạo bước đột phá để đến năm 2020 phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới” - ông Đành cho biết thêm./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết