Tiếng Việt | English

07/06/2017 - 20:43

Cần Đước dạy nghề gắn với giải quyết việc làm

Tổ chức được hàng chục lớp dạy nghề, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động mỗi năm, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống người dân,... đó là cố gắng của các ngành chức năng huyện Cần Đước, tỉnh Long An và là cách làm thiết thực, hiệu quả trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm.


Lớp dạy nghề đan giỏ bẹ

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Cần Đước - Nguyễn Minh Vương cho biết: Để công tác dạy nghề đạt hiệu quả, hàng năm, phòng căn cứ chỉ tiêu phân bổ của tỉnh, phối hợp lãnh đạo các xã, thị trấn, các ngành, đoàn thể khảo sát nhu cầu học nghề, xác định ngành nghề người lao động cần, nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện, từ đó tổ chức cho hội viên, đoàn viên các đoàn thể, xã viên các hợp tác xã và người dân đăng ký, tập hợp danh sách trước khi mở lớp dạy nghề.

Đặc biệt, huyện luôn gắn công tác dạy nghề với giải quyết việc làm. Hàng năm, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức các lớp dạy nghề: May công nghiệp, đan giỏ bẹ, kết cườm, làm giày da,... Sau khi thạo nghề, người lao động có thể làm việc tại các công ty, doanh nghiệp này. Mô hình khai thác tốt cơ sở vật chất, đội ngũ lao động kỹ thuật của doanh nghiệp, giúp người học nghề được thực hành, vững tay nghề.

Điển hình như Cơ sở May Đức Ngọc tại xã Phước Đông phối hợp Phòng LĐ-TB&XH huyện mở nhiều lớp dạy may và giải quyết việc làm cho trên 70% người học nghề. Hay cơ sở kết cườm xã Long Trạch, cơ sở đan giỏ bẹ ở xã Phước Đông,... đều nhận người học nghề vào làm sau khi hoàn thành lớp học.

Anh Nguyễn Minh Khôi - chủ Cơ sở May Đức Ngọc, cho biết: Thời gian qua, cơ sở tổ chức 8 lớp dạy nghề cho trên 200 người và nhận vào làm việc tại cơ sở. Còn cơ sở đan giỏ nhựa ở xã Phước Đông cũng tổ chức được 14 lớp dạy nghề cho 443 lao động, giúp người lao động có thu nhập ổn định, nâng cao kinh tế gia đình.

Ngoài việc phối hợp các cơ sở, doanh nghiệp tổ chức các lớp dạy nghề, Cần Đước còn chú trọng dạy nghề theo nhu cầu, trang bị kiến thức cho nông dân về cách chọn con giống, xử lý ao, hồ, cách thức chăm sóc, quan sát phát hiện các loại bệnh trên rau, lúa, con giống và cách xử lý, giúp người lao động áp dụng vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng và thu nhập cho người lao động.

Bên cạnh đó, thông qua các dự án hỗ trợ vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, các đoàn thể mở nhiều lớp dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm hội viên. Các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cũng chủ động mở các lớp dạy nghề cho xã viên, hướng tới việc tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cũng là hình thức dạy nghề thiết thực, hiệu quả.

Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, dạy nghề để tự tạo việc làm là cách làm hay của huyện Cần Đước. Cách làm này không chỉ đáp ứng nhu cầu của người lao động mà còn góp phần nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, hạn chế sự lãng phí do dạy nghề tràn lan, kém hiệu quả.

Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cần Đước - Nguyễn Minh Vương cho biết thêm: Thời gian tới, Cần Đước tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về hiệu quả của việc học nghề, phối hợp các trường dạy nghề, các cơ sở, doanh nghiệp mở lớp dạy nghề, nhất là tại các xã có khu, cụm công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; triển khai hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giải quyết việc làm - giảm nghèo./.

Kim Thoa-Kim Khánh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích