Tiếng Việt | English

04/08/2020 - 20:07

Cần Đước: Phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội

Chiều 04/8, UBND huyện Cần Đước, tỉnh Long An cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức Tọa đàm khoa học “Phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của huyện". Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An – Nguyễn Văn Được đánh giá cao tinh thần chủ động sáng tạo của Huyện ủy, UBND huyện trong phát huy giá trị văn hóa

Buổi tọa đàm nhằm đánh giá các giá trị văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, đồng thời xây dựng phương hướng, chiến lược phát triển toàn diện cho huyện. Tọa đàm tập trung các nội dung chính: Vai trò của Đảng trong phát triển kinh tế - văn hóa xã hội Việt Nam; mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong hướng phát triển kinh tế huyện; hoạt động du lịch; các mô hình kinh tế và ứng dụng hiện nay; phong trào nông thôn mới, bài học kinh nghiệm.

Các nội dung này được trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) bàn bạc thống nhất nhằm tìm kiếm các kiến giải khoa học, kinh nghiệm thực hiện và bàn luận các ý tưởng nhằm gợi mở những sáng kiến hay, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của huyện.

Cần Đước được biết đến là huyện vốn có giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể khá phong phú. Nhiều di sản văn hoá, di tích lịch sử có giá trị lớn như Nhà Trăm cột, Đồn Rạch Cát, Lăng mộ và Đền thờ Tổng binh Nguyễn Văn Tiến, Đình Tân Chánh và Lăng mộ ông Nguyễn Khắc Tuấn, Đình Vạn Phước gắn với nơi thờ tự Nghệ nhân - Nhạc sư Nguyễn Quang Đại, di tích lịch sử cách mạng Ngã tư Rạch Kiến, Chùa Phước Lâm,… Địa phương cũng có nhiều nghề truyền thống như dệt chiếu, đóng ghe mũi đỏ, chạm khắc gỗ, làm bánh phồng,…, đặc biệt nổi tiếng với địa danh đặc sản “Gạo Nàng Thơm Chợ Đào” và là một trong những chiếc nôi của phong trào Đờn ca tài tử.

Huyện lại có điều kiện phát triển thuận lợi về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – thương mại, dịch vụ và nông nghiệp. Tất cả hình thành các nhân tố cần thiết kết nối với hệ thống giao thông thuận tiện, các trục động lực liên kết trong tỉnh, vùng và kết nối với TP.HCM tạo điều kiện cho huyện Cần Đước có thế mạnh phát triển.

Theo Chủ tịch UBND huyện - Huỳnh Văn Quang Hùng, để phát huy vai trò định hướng của Đảng trong phát triển kinh tế, huyện vận dụng các hoạt động văn hóa như chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước thoát nghèo bền vững; mô hình kể mẫu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; gương làm ăn kinh tế giỏi; phát triển du lịch gắn với kinh nghiệm và thực tiễn; phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, tổ chức, quản lý vận hành phong trào nông thôn mới và các thành tựu đạt được. Tất cả đã đi vào cuộc sống, đời sống văn hóa của người dân càng ngày được nâng cao và đang tiến tới huyện nông thôn mới.

Cần Đước được biết đến là huyện có nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử có giá trị (Ảnh: Kim Khánh)

Bí thư Huyện ủy Cần Đước – Nguyễn Văn Đát cho biết: “Bên cạnh kết quả đạt được, Cần Đước còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Chính vì vậy, được phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức Tọa đàm hôm nay, chúng tôi xem đây là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu thêm về đất và người Cần Đước, đồng thời chia sẻ những khó khăn mà huyện cần phấn đấu khắc phục, đặc biệt là gợi mở những vấn đề mới có giá trị thực tiễn sâu sắc để phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà trong thời gian tới”.

Tại buổi tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Nguyễn Văn Được đánh giá cao tinh thần chủ động, sáng tạo của Huyện ủy, UBND huyện Cần Đước trong phát huy giá trị văn hóa. Ông cho rằng đây là ý tưởng hay, rất kịp thời và ý nghĩa trong phát triển kinh tế xã hội địa phương nói riêng và của tỉnh Long An nói chung. Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, ông đề nghị huyện tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức giá trị văn hóa trong toàn hệ thống chính trị địa phương và trong nhân dân. Đồng thời, địa phương cần quản lý, khai thác hiệu quả các hoạt động di sản văn hóa.

Phát huy vai trò định hướng của Đảng trong phát triển kinh tế - văn hóa xã hội, tại Long An, nhiều địa phương chọn công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ thương mại,… làm mũi đột phá thì huyện cần Đước chọn giá trị văn hóa làm bệ phóng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết