Tiếng Việt | English

20/09/2017 - 00:20

Cần Đước thực hiện nhiều biện pháp giảm nghèo

Xác định giảm nghèo là một trong những biện pháp hiệu quả góp phần nâng chất huyện điểm điển hình về văn hóa và tiến tới xây dựng thành công huyện nông thôn mới, thời gian qua, UBMTTQ Việt Nam huyện xây dựng nhiều mô hình mới cùng cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Nhằm kịp thời hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến các hộ nghèo, cận nghèo và tạo điều kiện để họ vươn lên thoát nghèo bền vững, ngay từ đầu năm, UBMTTQ Việt Nam huyện Cần Đước, tỉnh Long An phối hợp các cấp, các ngành phân loại hộ nghèo, xác định nguyên nhân nghèo, độ tuổi lao động,... Qua đó, UBMTTQ Việt Nam huyện đề ra biện pháp giảm nghèo phù hợp với từng trường hợp. Đối với hộ nghèo, cận nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo, UBMTTQ Việt Nam huyện phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ vốn cho họ trồng trọt, chăn nuôi,...

Theo Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện - Võ Minh Quang: “Hiện nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ vay vốn chăn nuôi bò cho 40 hộ nghèo và cận nghèo, với số tiền trên 1,4 tỉ đồng. Sau khi giải ngân, UBMTTQ Việt Nam huyện tổ chức cho các hộ vay vốn tham quan một số mô hình chăn nuôi bò ở tỉnh Bến Tre và chọn bò giống có chất lượng tại đây. UBMTTQ Việt Nam huyện phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ thuật phòng, chống bệnh trên trâu, bò cho các hộ vay vốn. Đặc biệt, những hộ được vay vốn chăn nuôi bò lần này sẽ không phải trả lãi trong 5 năm. Bởi, UBMTTQ Việt Nam huyện vận động xã hội hóa và trích quỹ từ nguồn ngân sách của cơ quan đóng lãi cho Ngân hàng Chính sách Xã hội. Từ đó, giúp các hộ nghèo an tâm sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống”.

Ông Trần Công Đượm vui mừng khi được UBMTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ vốn chăn nuôi bò

Là hộ cận nghèo được hỗ trợ 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội thông qua UBMTTQ Việt Nam huyện, ông Trần Công Đượm, ngụ ấp Bình Hòa, xã Tân Lân, chia sẻ: “Trước đây, tôi sống bằng nghề lái sà lan, mẹ tôi thường xuyên đau yếu nên rất cần người chăm sóc. Vì vậy, năm 2012, tôi xin nghỉ, về nhà chăm sóc mẹ. Do không có việc làm ổn định nên kinh tế gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Đầu năm nay, tôi vui mừng khi được UBMTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ vay vốn và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò. Vài ngày nữa, tôi sẽ bán bò con, dự kiến trên 15 triệu đồng”.

Bên cạnh việc trao chiếc “cần câu” cho hộ nghèo, cận nghèo, UBMTTQ Việt Nam huyện còn vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà đồng đội,... Hàng năm, vận động trên 60 căn nhà cho các đối tượng đang gặp khó khăn về nhà ở. Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Tân Lân - Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Việc chăm lo cho hộ nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội được xem là nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng chất xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới. Hiện nay, xã đang hỗ trợ vốn bán vé số cho 3 trường hợp là hộ nghèo, đồng thời vận động xây dựng nhà đại đoàn kết cho các hộ khó khăn về nhà ở”.

Chị Đinh Thị Tuyết Hoa, ngụ ấp Cầu Xây, xã Tân Lân, chia sẻ: “Cách đây 3 năm, chồng tôi bị bệnh qua đời, một mình tôi nuôi 2 đứa con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, tôi được hỗ trợ 3 triệu đồng làm vốn bán vé số. Được biết, chính quyền địa phương cũng đang vận động xây nhà đại đoàn kết cho mẹ con tôi. Tôi rất mừng và cảm ơn chính quyền quan tâm, giúp đỡ gia đình trong lúc khó khăn”.

Có thể nói, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có UBMTTQ Việt Nam các cấp trong huyện tích cực trong công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân; qua đó, góp phần cùng huyện nhà nâng chất huyện điểm điển hình về văn hóa và tiến tới xây dựng thành công huyện nông thôn mới./.

Lê Ngọc 

Chia sẻ bài viết