Tiếng Việt | English

12/12/2018 - 15:03

Cần Đước: Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ và giảm nghèo bền vững

Xác định công tác giảm nghèo (GN) là nhiệm vụ hàng đầu, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể huyện Cần Đước, tỉnh Long An tập trung nguồn lực và đề ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân GN, nâng cao thu nhập.

Đạt hiệu quả

Công tác GN được cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân trong huyện tích cực tham gia thực hiện, tạo sự chuyển biến về nhận thức tự vươn lên. Đa số hộ nghèo, cận nghèo cố gắng tự học nghề, tìm tòi, học tập kinh nghiệm trong sản xuất và tạo việc làm để vươn lên thoát nghèo. Từ một huyện có 2.603 hộ nghèo, chiếm 6,46%; 2.229 hộ cận nghèo, chiếm 5,53% tổng số hộ dân trong toàn huyện vào năm 2011 thì đến năm 2018, số hộ nghèo của huyện giảm còn 725 hộ, chiếm 1,59% và hộ cận nghèo còn 1.071 hộ, chiếm 2,34%.

Hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn trong chăn nuôi

Theo Bí thư Huyện ủy - Nguyễn Việt Cường, để công tác GN hiệu quả, từ năm 2016 đến nay, huyện bố trí trên 12,4 tỉ đồng thực hiện chương trình; cấp trên 12.000 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo không quá 5 năm; hỗ trợ tiền điện cho 2.500 lượt hộ nghèo, hộ bảo trợ xã hội; miễn giảm học phí cho 1.300 em; trợ cấp đột xuất 396 trường hợp; hỗ trợ quà tết trên 2.500 lượt hộ nghèo với tổng kinh phí trên 4 tỉ đồng; hỗ trợ vốn trên 215 tỉ đồng để hộ nghèo sản xuất. Trong 3 năm gần đây, huyện giải quyết việc làm cho trên 18.000 lao động, đào tạo nghề cho 1.300 lao động nông thôn. Riêng năm 2018, tổng dư nợ ngân hàng chính sách cho vay hộ nghèo là 4,9 tỉ đồng, cho vay hộ cận nghèo trên 11 tỉ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo trên 71,2 tỉ đồng, cho vay học sinh, sinh viên 57,9 tỉ đồng.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Tuy - Nguyễn Thế Hùng cho biết: “Thời gian qua, các chính sách, dự án về GN được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phủ rộng trên địa bàn huyện. Người nghèo ngày càng được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội: Y tế, giáo dục, văn hóa, tín dụng,... Bộ mặt nông thôn tiếp tục có nhiều đổi mới về mọi mặt, đặc biệt, xã khó khăn như Phước Tuy được huyện quan tâm nên có sự thay đổi đáng kể, nhất là về kết cấu hạ tầng và việc tổ chức phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Từ đó, góp phần GN, nâng cao thu nhập bình quân cho người dân trên địa bàn xã lên 50 triệu đồng/người/năm”.

Quan tâm phát triển kinh tế hộ nghèo

Việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình GN phù hợp với thực tế đã trao đúng “cần câu” giúp hộ nghèo nâng cao thu nhập. Nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện không chỉ được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ xây nhà ở mà còn tạo điều kiện cho các hộ này vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, được dạy nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật,... Từ đó, đời sống của các hộ nghèo được cải thiện, vươn lên thoát nghèo. 

Gia đình anh Nguyễn Thành Long, ngụ xã Phước Tuy, là một trong những hộ điển hình GN bền vững trên địa bàn. Trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, thu nhập chỉ dựa vào việc làm thuê của 2 vợ chồng nên cuộc sống rất khó khăn. Nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện, năm 2015, anh vay vốn 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua 2 con bò về nuôi. Ngoài việc đi làm thuê, hàng ngày, anh tận dụng thời gian rảnh đi cắt cỏ cho bò ăn. Anh Long chia sẻ: “Sau 2 năm, tôi có được 3 con bò và đã bán bớt 1 con vào cuối năm 2017 với số tiền 24 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Hiện nay, bò mẹ vừa sinh nên gia đình tôi có được 3 con bò. Nhờ địa phương quan tâm, giúp đỡ mà trong vài năm, gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Nhà chị Phan Thị Lương, xã Phước Tuy, được xây dựng năm 2016

Gia đình chị Phan Thị Lương cũng thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Phước Tuy. Nhà không có đất sản xuất nên gánh nặng gia đình (4 nhân khẩu) đè lên vai vợ chồng chị. Sau khi gia đình được UBMTTQ Việt Nam xã tạo điều kiện vay vốn mua bò sinh sản, chị tận dụng diện tích đất xung quanh nhà để trồng cỏ và nuôi bò nhốt. Sau 3 năm tích cực chăn nuôi, đến nay, gia đình chị có 4 con bò. Ngoài ra, vợ chồng chị còn được địa phương giới thiệu việc làm tại công ty trên địa bàn huyện. Hiện gia đình chị có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo. Chị Lương nói: “Thời gian tới, tôi mong chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo sản xuất, nâng cao đời sống và quan tâm giới thiệu việc làm cho hộ nghèo; giúp hộ nghèo am hiểu ngành nghề, cách thức sản xuất hiệu quả; hỗ trợ thêm vốn vay đối với những hộ mới thoát nghèo;...”. 

Bí thư Huyện ủy - Nguyễn Việt Cường cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần vào cuộc tích cực hơn nữa để người dân được tiếp cận các chính sách giảm nghèo, vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, xuất khẩu lao động và dạy nghề, tạo việc làm mới cho lao động; định hướng cụ thể công tác thoát nghèo ở cơ sở, thực hiện các giải pháp thiết thực, phù hợp với địa phương; tiếp tục kiến nghị với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tăng nguồn vốn hỗ trợ, bảo đảm cho toàn bộ hộ nghèo và cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Với những giải pháp thiết thực và đồng bộ, công tác GN trên địa bàn sẽ đạt những chỉ tiêu đặt ra, góp phần nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy KT-XH của huyện ngày càng phát triển”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết