Tiếng Việt | English

28/11/2019 - 19:12

Cần Giuộc: Nỗ lực tạo chuyển biến trong bồi thường, giải phóng mặt bằng

Phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương, những năm qua, Cần Giuộc, tỉnh Long An đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển KT-XH. Đặc biệt, huyện đã và đang đẩy mạnh thực hiện nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB).

Huyện Cần Giuộc đang đẩy mạnh thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư
Huyện Cần Giuộc đang đẩy mạnh thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư

Tháng 7/2015, Đại hội Đảng bộ huyện Cần Giuộc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định mục tiêu phấn đấu đưa Cần Giuộc từng bước trở thành huyện công nghiệp thông qua 18 chỉ tiêu phát triển KT-XH cơ bản, 2 chương trình đột phá và 2 công trình trọng điểm.

Sau hơn 4 năm thực hiện, toàn huyện có hơn 960ha ứng dụng đồng bộ hoặc một phần công nghệ mới trong quy trình canh tác rau an toàn. Liên hiệp Hợp tác xã với 26 hợp tác xã, 65 tổ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản được hình thành, từng bước ổn định hoạt động. Bình quân mỗi ngày, các hợp tác xã trong huyện thu mua, tiêu thụ trên 30 tấn rau sạch, rau an toàn theo chuẩn VietGAP.

Chánh Văn phòng UBND huyện - Đỗ Hiếu Trung cho biết: “Hơn 4 năm qua, huyện có thêm 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn của huyện lên 9/16 xã, chiếm 56,3%. Huyện tiếp tục đầu tư để 2 xã Phước Hậu và Mỹ Lộc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, qua thời gian kiên trì mời gọi đầu tư, hầu hết hộ dân thuộc các xã: Long Hậu, Phước Lại, Phước Vĩnh Tây, Long Phụng và gần 80% hộ dân thuộc các xã: Phước Vĩnh Đông, Tân Tập, Đông Thạnh đã có nước hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt”. 

Chương trình đột phá của Huyện ủy về GPMB, tái định cư (TĐC), ổn định cuộc sống người dân thuộc vùng thu hồi đất được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Trong bối cảnh giá cả đất đai biến động tăng nhanh, huyện nỗ lực vận động và bàn giao mặt bằng sạch cho các chủ đầu tư 11 công trình với tổng diện tích hơn 140ha, trong đó có các công trình trọng điểm quốc gia và của tỉnh đi qua như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đường tỉnh 830, đường Tân Tập - Long Hậu. 

Bên cạnh đó, huyện còn GPMB, tổ chức TĐC cho người dân thuộc diện thu hồi đất đầu tư dự án với tổng diện tích hơn 300ha. Đến nay, huyện bàn giao được hơn 4.600/5.130 nền TĐC, chiếm trên 90% và đã cấp được hơn 3.400 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có 5 khu công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút được 350 nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 170 doanh nghiệp, tỷ lệ lấp đầy trên 95%. 
Đặc biệt, Cảng Quốc tế Long An - cầu Cảng số 1, tiếp nhận tàu lớn với chiều dài 176,7m, trọng tải 13.462DWT; khởi công, xây dựng cầu Cảng số 2, chiều dài 210m, chuẩn bị hoạt động, có thể tiếp nhận được tàu có tải trọng trên 50.000DWT. Khi đó, sẽ nâng tổng chiều dài cầu Cảng số 1 và số 2 là 420m, mở ra những sự phát triển mạnh mẽ hơn. 

Ngoài ra, theo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Cần Giuộc được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2726/QĐ-UBND, ngày 10/8/2018, chỉ tiêu đất khu công nghiệp là 2.102ha, đất cụm công nghiệp là 487ha, đất ở 7.428ha (trong đó đất ở đô thị là 174ha).

Tính đến tháng 11/2019, trên địa bàn huyện đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 91 dự án khu, cụm công nghiệp, đô thị, dân cư, TĐC, dân cư - TĐC - thương mại và dịch vụ, nghĩa trang,… với tổng diện tích khoảng 3.781,44ha (đã trừ 30 dự án, diện tích 1.822,4ha do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát xúc tiến đầu tư đang thực hiện tái cấu trúc; không tính các dự án nhỏ, lẻ). Trong đó, có 7 khu công nghiệp, diện tích 1.938,66ha; 5 cụm công nghiệp, diện tích 219ha và đưa vào quy hoạch 5 cụm công nghiệp mới trên địa bàn các xã: Phước Vĩnh Đông, Tân Tập với diện tích 226,6ha; 3 dự án nghĩa trang, diện tích 47ha; 76 dự án dân cư, TĐC, thương mại, dịch vụ, diện tích 1.576,78ha. Ngoài ra, hiện nay UBND tỉnh có chủ trương ghi nhận cho các công ty lập quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 11 dự án, diện tích 3.348ha. 

Theo Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Tuấn Thanh, để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn, huyện tiếp tục thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" hướng đến sự hài lòng của tổ chức và cá nhân, triển khai mở rộng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN: ISO 9001:2008. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Huyện sẽ thực hiện tốt quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, rà soát các dự án khu, cụm công nghiệp để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án theo cam kết. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, xây dựng. Kiểm soát thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, gắn thực hiện phát triển nhà ở xã hội. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xây dựng ngay từ đầu; thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân chặt chẽ, khách quan, đúng đối tượng theo quy định pháp luật.

Huyện sẽ tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm. Tiếp tục nhân rộng mô hình camera giám sát an ninh, trật tự trong phòng, chống tội phạm tại các xã, thị trấn. Quan tâm thực hiện tốt công tác ngăn ngừa, giải quyết đình công, lãn công; khiếu nại, khiếu kiện của quần chúng nhân dân, kịp thời giải quyết ngay tại cơ sở không để hình thành các “điểm nóng”.

Huyện tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện TĐC của các dự án trọng điểm, phấn đấu không để người dân ở tạm cư, sống trong vùng dự án. Thực hiện tốt công tác TĐC cho người dân bị thu hồi đất theo đúng chủ trương, chính sách, bảo đảm quyền lợi cho các hộ bị giải tỏa. Tập trung triển khai bồi thường, GPMB và xây dựng các dự án dân cư, khu TĐC, nghĩa trang đã phê duyệt. Phối hợp kiểm tra, rà soát và kiến nghị UBND tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư đối với các chủ đầu tư kéo dài thời gian thực hiện dự án, kiên quyết kiến nghị tỉnh không đồng ý gia hạn đối với những dự án chậm triển khai gây bức xúc trong nhân dân. 

“Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về bồi thường, GPMB, TĐC. Đồng thời, rà soát, phân loại các trường hợp còn lại chưa đồng ý nhận bồi thường ở các dự án để có phương án tập trung vận động hỗ trợ, xử lý cụ thể đối với từng trường hợp nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác bồi thường, GPMB, TĐC, trong đó tập trung các công trình, dự án trọng điểm. Huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời nắm chắc tình hình để chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc không để xảy ra bức xúc, khiếu kiện phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ GPMB” - ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết./.

Vũ Quang 

Chia sẻ bài viết