Tiếng Việt | English

15/07/2015 - 10:18

Cần Giuộc: Thế mạnh từ vùng kinh tế trọng điểm

Sáng nay, ngày 15-7-2015, Đại hội Đảng bộ huyện Cần Giuộc (Long An), nhiệm kỳ 2015-2020 được khai mạc trong niềm phấn khởi của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân khi nhiệm kỳ qua, Cần Giuộc đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu nghị quyết (NQ). Đây chính là tiền đề, động lực để địa phương tiếp tục đạt những thắng lợi trong nhiệm kỳ mới.

Diện mạo đô thị loại IV - thị trấn Cần GiuộcẢnh: hữu Lý

Những tín hiệu vui

Việc xác định chính xác và phù hợp quy hoạch 2 vùng kinh tế của huyện (vùng thượng và vùng hạ) trong nhiệm kỳ 2010-2015 đã phát huy thế mạnh của từng vùng trong phát triển KT-XH địa phương. Những ai về Cần Giuộc trong thời gian này đều không khỏi ngạc nhiên trước sự vươn mình của địa phương. Những thay đổi ấy bắt nguồn từ sự quan tâm của tỉnh, nỗ lực của huyện trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Có thể nói, đây là một trong những thành tựu nổi bật của huyện trong nhiệm kỳ qua.

Sau khi Đường tỉnh 835B, 826C, 830, Quốc lộ 50 được mở rộng, nâng cấp và nhựa hóa cùng với Đường tỉnh 835A đã kết nối các xã, thị trấn đến trung tâm hành chính huyện một cách thuận tiện. Không những vậy, những cung đường này còn tạo điều kiện cho việc đi lại, trao đổi, mua bán giữa huyện với các địa phương lân cận như: Cần Đước, Bến Lức và nhất là TP.HCM dễ dàng hơn trước.

Ông Trần Huyện, một cán bộ hưu trí tại xã Phước Lâm cho biết: "Tôi sinh sống lâu năm tại địa phương, chứng kiến quê hương mình có nhiều đổi mới. Hiện tại, hầu hết các tuyến đường nội ô thị trấn và 15/16 xã có đường giao thông đến trung tâm xã được nhựa hóa; 80% ấp, khu phố có đường xe ôtô lưu thông. Cùng với đó, hầu hết các tuyến đường, ngõ xóm đều được nâng cấp, trải đá hoặc tráng bêtông khang trang,... tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa cũng như phương tiện đi lại của người dân được thông suốt. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích người dân trồng rau an toàn theo hướng VietGAP; thu hút các công ty, xí nghiệp đến đầu tư trên địa bàn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động,... đời sống người dân vì thế tăng lên đáng kể".

Rau màu đem lại thu nhập cao cho người trồng

5 năm qua, hệ thống giao thông, điện, nước được chỉnh trang, nâng cấp, làm mới với tổng kinh phí đầu tư 1.080 tỉ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Huyện đã chủ động liên kết, hợp tác với các huyện: Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ thuộc TP.HCM để đầu tư kết nối cầu, đường giao thông thủy, bộ như xây dựng kế hoạch nâng cấp cầu Rạch Dơi, đường Long Phú với Hương lộ 14, xây dựng bến phà Tân Tập-Lý Nhơn,... Ngoài ra, một số công trình quan trọng như: Đường Tân Tập-Long Hậu (giai đoạn 1), đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, đường Đức Hòa-Tân Tập được tỉnh và Trung ương đầu tư đã và đang triển khai, mở ra triển vọng kết nối các khu, cụm công nghiệp trong huyện với TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Không những vậy, huyện đã phốihợp, huy động nhiều nguồn kinh phí để đầu tư, cải tạo, sửa chữa, làm mới các công trình điện hạ thế, trung thế và hệ thống chiếu sáng với tổng nguồn vốn 104,3 tỉ đồng. Từ đó, bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân. Đến nay, 100% hộ dân có điện sử dụng và 86,4% hộ nông thôn, 100% hộ khu vực thị trấn sử dụng nước hợp vệ sinh. Ngoài ra, huyện xây mới trường học, trạm y tế, công viên, chợ, hệ thống chiếu sáng các tuyến giao thông chính với tổng số vốn 594 tỉ đồng; lắp đèn tín hiệu giao thông tại các giao lộ thuộc khu vực nội ô thị trấn và các xã.

Nhiều công ty, xí nghiệp trên địa bàn huyện tạo việc làm cho người dân

Việc đầu tư kết cấu hạ tầng góp phần thúc đẩy KT-XH huyện phát triển. Nhiệm kỳ qua, kinh tế huyện tiếp tục chuyển dịch đúng hướng theo cơ cấu “công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp”. Từ đó, góp phần giúp huyện xóa được 1 trong 2 xã nghèo vào năm 2013 (Tân Tập).

Thành quả từ sự đồng lòng

Kinh tế phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Nhân dân cùng với Đảng, chính quyền xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Điều đó được minh chứng qua việc ngày càng có nhiều người hưởng ứng những chủ trương, chính sách đúng đắn bằng việc hiến đất, góp tiền, ngày công lao động để làm các công trình. 5 năm qua, ngoài nguồn vốn được Nhà nước hỗ trợ để đầu tư kết cấu hạ tầng, còn có sự đóng góp của nhiều cá nhân, tổ chức, trong đó, vốn doanh nghiệp 14 tỉ đồng và nhân dân 52 tỉ đồng.

Hệ thống trường lớp học được đầu tư xây dựng

Một điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ đó là huyện đã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và thị trấn Cần Giuộc được công nhận đô thị loại IV trước thời hạn. Hiện nay, huyện có 3 xã: Mỹ Lộc, Phước Lý, Long Phụng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến, đến cuối năm 2015, có thêm 3 xã nữa gồm: Phước Hậu, Long Thượng và Phước Lâm. Như vậy, Cần Giuộc sẽ vượt chỉ tiêu NQ đề ra về xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Cần Giuộc - Nguyễn Anh Đức thông tin, không có niềm vui nào bằng khi trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, thị trấn không chỉ được công nhận đô thị loại IV mà còn vừa đón nhận danh hiệu thị trấn văn hóa. Thành tựu này là niềm vinh dự xen lẫn trách nhiệm cho một quá trình phấn đấu bền bỉ, lâu dài của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn.

5 năm không phải là thời gian dài nhưng huyện Cần Giuộc đã đạt nhiều kết quả không chỉ về kinh tế mà còn cả các lĩnh vực khác: Văn hóa-xãhội, quốc phòng-an ninh, nội chính, xây dựng Đảng,... Phải nói rằng, đây là nhiệm kỳ huyện xây dựng được nhiều xã, thị trấn văn hóa, các công trình văn hóa, thể thao, di tích lịch sử được trùng tu, tôn tạo, xây mới. Đồng thời, nhiệm kỳ này để lại nhiều dấu ấn trên lĩnh vực giáo dục. 5 năm qua, huyện xây dựng được 33/61 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 54%), tăng 32 trường so với cùng kỳ. Đặc biệt, huyện huy động xã hội hóa chăm lo sự nghiệp giáo dục-đào tạo trên 20 tỉ đồng. Trong đó, Trường THCS Phước Vĩnh Tây được xây dựng và đưa vào hoạt động, lần đầu tiên sau nhiều năm địa phương miền hạ này mới có được một ngôi trường THCS khang trang, sạch đẹp, thỏa lòng mong đợi của đông đảo học sinh và phụ huynh nơi đây.

Cũng trong nhiệm kỳ này, công tác chăm lo sức khỏe nhân dân được chú trọng. Cùng với việc bệnh viện huyện được mở rộng, nâng cấp thành bệnh viện đa khoa khu vực, nhiều trang thiết bị mới, hiện đại bảo đảm nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân cũng được đầu tư, 100% trạm y tế đều có bác sĩ phục vụ. Công tác an sinh xã hội đạt nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo từ 8,81% vào năm 2010 giảm còn 2,68% vào cuối năm 2014. Đồng thời, huyện đã hoàn thành trước thời hạn NQ số 13 của Ban Thường vụ Huyện ủy về xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách khó khăn về nhà ở.

Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Nguyễn Văn Thiệp khẳng định, nhiệm kỳ qua, với nhiều khó khăn, thách thức song huyện vẫn đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thực hiện 4 chương trình đột phá theo NQ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X. Theo ông, thành quả đó trước hết là nhờ nội bộ đoàn kết, thống nhất; nắm chắc NQ, dự báo sát đúng tình hình, kịp thời quán triệt, cụ thể hóa NQ phù hợp với điều kiện cụ thể của huyện và cơ sở. Trong thực thi nhiệm vụ phải sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chịu trách nhiệm. Không những vậy, việc đổi mới tư duy, tìm giải pháp đột phá, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, quan tâm công tác xây dựng Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên,... là một trong những yếu tố có tính quyết định để đi đến thành công./.

Một số thành tựu nổi bật của huyện nhiệm kỳ 2010-2015:

Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm trên từng lĩnh vực đều vượt chỉ tiêu NQ: Công nghiệp 42,92%/năm (NQ 35%); thương mại - dịch vụ 60% (NQ 25%). Thu nhập bình quân đầu người 49,934 triệu đồng/năm. Giải quyết việc làm cho 30.000 lao động (tăng gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước). Đào tạo nghề đạt 178%. Cải cách hành chính năm 2010 xếp thứ 5, đến năm 2012 xếp thứ 2 và năm 2013, 2014 xếp nhất tỉnh. Kết nạp được 658/500 đảng viên,...

 Thanh Nga

Chia sẻ bài viết