Tiếng Việt | English

30/05/2017 - 13:41

Cần Giuộc: Thiếu vốn đầu tư các công trình trọng điểm

Một trong 2 công trình trọng điểm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cần Giuộc nhiệm kỳ 2015-2020 là xây dựng trường THCS ở các xã: Phước Hậu, Long An và Long Phụng. Tuy nhiên, đến nay, công trình vẫn còn “ì ạch” vì gặp nhiều khó khăn.

Cần thiết xây trường

Toàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long A có 12 trường THCS/17 đơn vị hành chính, trong đó có 2 trường THCS&THPT. Do các xã: Phước Hậu, Long An và Long Phụng chưa có trường THCS nên học sinh ở những xã này phải chuyển sang học tại các địa bàn lân cận, gây nên tình trạng quá tải. Cụ thể, tại xã Phước Hậu, học sinh sau khi học xong chương trình tiểu học phải chuyển sang học “nhờ” tại xã Long Thượng. Tương tự, bao năm nay, xã Đông Thạnh phải “gánh” thêm học sinh THCS của xã Long Phụng, xã Thuận Thành phải nhận thêm học sinh ở xã Long An,...

Vì thiếu trường lớp dành cho khối THCS tạo nên áp lực cho một số xã ở huyện Cần Giuộc (Trong ảnh: Nhiều năm nay, Trường THCS Thuận Thành nhận thêm học sinh xã Long An do địa phương này chưa có trường THCS)

Theo Ban Giám hiệu Trường THCS Đông Thạnh, mấy chục năm nay, ngoài học sinh địa phương, trường phải “gánh” thêm học sinh của xã Long Phụng và Phước Vĩnh Tây. Khoảng 2 năm trở lại đây, khi Phước Vĩnh Tây được đầu tư xây mới trường THCS, số học sinh giảm bớt một phần. Mỗi năm học, trường có khoảng 1.500 học sinh. Hiện tại, trường hoàn thiện cơ sở vật chất để đạt chuẩn quốc gia. Hy vọng, xã Long Phụng được đầu tư trường THCS nhằm giảm áp lực cho Trường THCS Đông Thạnh.

Chị Nguyễn Thị Mai Khanh, người dân xã Long Phụng chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi biết địa phương được đầu tư xây trường nhưng chờ lâu quá! Hiện, con tôi chuẩn bị vào lớp 6, nếu có trường mới, con tôi được học gần nhà thì thuận tiện hơn rất nhiều”.

Không chịu nhiều áp lực về số lượng học sinh như Trường THCS Đông Thạnh nhưng việc phải tiếp nhận thêm học sinh từ xã Long An cũng ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của thầy, trò Trường THCS Thuận Thành. Phó Hiệu trưởng trường THCS Thuận Thành - cô Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2015. Năm học vừa qua, toàn trường có 800 học sinh, bao gồm các em thuộc xã Thuận Thành, Long An và một phần của xãTrường Bình. Số lượng học sinh mỗi lớp khá đông, trong khi trường đang thiếu giáo viên. Nếu xã Long An có trường THCS, học sinh sẽ thuận tiện hơn trong học tập”.
Xuất phát từ thực tế trên, có thể thấy được việc xây dựng trường THCS tại những địa phương này rất cần thiết. Hoàn thành công trình trọng điểm này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, học tập của học sinh, giảm áp lực về số lượng học sinh cho các trường lân cận mà còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục của huyện.

“Chờ” vốn 

Tuy nhiên trên thực tế, đến nay, bước vào năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI nhưng tiến độ thực hiện công trình trọng điểm này vẫn rất chậm. Khó khăn lớn nhất chính là thiếu vốn đầu tư.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Giuộc - Lương Bá Tuệ cho biết, theo lộ trình, huyện bố trí địa điểm xây dựng 3 điểm trường này với tổng vốn dự kiến lên đến hơn 25 tỉ đồng. Hiện, huyện tuyên truyền, vận động người dân trong vùng quy hoạch, chuẩn bị mặt bằng xây dựng xong nhưng do vốn đầu tư lớn nên phải chờ ngân sách tỉnh.

Địa điểm dự kiến xây dựng Trường THCS Long An 

Công trình được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thu hồi đất và san lấp mặt bằng; xây dựng các phòng học văn hóa cùng văn phòng, thư viện - thiết bị, phòng ngoại ngữ và tin học, nhà xe, nhà vệ sinh giáo viên và học sinh, hệ thống cấp nước, cổng trường, mua sắm trang thiết bị và đồ dùng dạy học.

Dự kiến, Trường THCS Phước Hậu đưa vào sử dụng từ năm học 2017-2018, các trường: THCS Long An, THCS Long Phụng hoạt động từ năm học 2018-2019.

Riêng giai đoạn 2, huyện phấn đấu xây thêm các phòng chức năng và nhà bảo vệ, mua sắm trang thiết bị và đồ dùng dạy học; xây dựng hệ thống cấp - thoát nước, sân, hàng rào, hoàn thiện cơ sở vật chất theo hướng chuẩn quốc gia vào năm 2020 đối với 3 trường.

Hiện tại, cả 3 công trình này đang “giậm chân tại chỗ”. Giải pháp thực hiện vấn đề này, theo Huyện ủy Cần Giuộc, đưa danh mục 3 trường trên vào danh sách đề xuất các nguồn vốn đầu tư từ tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, huyện chú trọng huy động sự đóng góp của người dân, tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể huyện với địa phương trong vận động người dân tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp với nhiều hình thức trong việc thu hồi đất và xây dựng trường./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết