Tiếng Việt | English

03/07/2020 - 13:55

Cần lắm sân chơi mùa hè cho trẻ em nông thôn!

Hè là khoảng thời gian trẻ em được thỏa sức vui chơi, giải trí sau một năm học. Nếu trẻ em ở khu vực thành thị có điều kiện tiếp cận với nhiều dịch vụ giải trí, khu vui chơi phong phú thì đa số trẻ em ở nông thôn còn thiếu sân chơi hè.

Các hoạt động vui chơi, giải trí dịp hè còn ít

Thiếu sân chơi vùng nông thôn

Ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh, sân chơi hè đúng nghĩa dành cho trẻ em hầu như còn thiếu. Một số địa phương tập hợp được những em ở khu vực thị trấn, gần trung tâm huyện để tổ chức sân chơi hè, còn những em ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa chỉ loay hoay ở nhà hoặc tự tìm trò chơi.

Vào dịp hè, trẻ em vùng nông thôn thiếu sân chơi

Bí thư Huyện đoàn Tân Hưng - Nguyễn Cao Đẳng cho biết: “Mỗi dịp hè, Ban Thường vụ Huyện đoàn đều triển khai nhiều hoạt động bổ ích như tổ chức các cuộc thi, buổi lao động, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao cho thanh, thiếu nhi tham gia. Hè năm nay, Huyện đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn triển khai những lớp năng khiếu cho các em tham gia; tổ chức những hoạt động vui chơi, giải trí trên địa bàn dân cư, các hội thi tìm hiểu kiến thức lịch sử; tặng quà, trao học bổng cho trẻ em vượt khó, học giỏi”.

Còn tại huyện Vĩnh Hưng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện - Trần Thị Huệ thông tin: “Nhà Thiếu nhi của huyện đã được xây dựng nhiều năm qua và duy trì đều đặn sinh hoạt hè cho các em. Các lớp năng khiếu như múa, hát, đàn, vẽ, luyện chữ, võ thuật,... được tổ chức thường xuyên. Ngoài ra, Nhà Thiếu nhi huyện cũng được đầu tư trang thiết bị phục vụ vui chơi, giải trí cho các em thiếu nhi”.

Vào mỗi dịp nghỉ hè, các trường học đều có giấy chuyển sinh hoạt Đoàn, Đội cho học sinh về địa phương. Tuy nhiên, tại những vùng nông thôn, việc tổ chức, tập hợp cũng như tạo sân chơi hè rất ít hoặc không đủ sức hút đối với các em. Bí thư Đoàn xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng - Phạm Văn Sum chia sẻ: “Vào mỗi dịp hè, chúng tôi thường tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao nhằm thu hút thiếu niên, nhi đồng tham gia. Tuy nhiên, do là địa bàn vùng biên giới, điều kiện đi lại xa xôi, khó khăn, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, nghỉ hè phải phụ giúp gia đình nên chưa “mặn mà” tham gia sinh hoạt. Hơn nữa, kinh phí ở địa phương còn khiêm tốn nên chưa có điều kiện tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi”.

Tiềm ẩn những rủi ro

Trong khi trẻ em khu vực thành thị có điều kiện đến các khu vui chơi, giải trí hoặc tham gia các lớp năng khiếu, kỹ năng,... thì ở vùng nông thôn, hè đến, các em rủ nhau chơi đá banh, bắn bi, nhảy dây,... trước sân nhà hoặc đi tắm kênh do địa phương thiếu khu vui chơi, giải trí.

Em Trần Thanh Tâm, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An chia sẻ: “Vào dịp hè, em cùng mấy bạn trong xóm thường rủ nhau đi đá bóng. Sân chơi của tụi em là đám ruộng trước nhà. Đá bóng chán thì tụi em đi câu cá, thả diều”.

Tắm sông, nguy cơ đuối nước ở trẻ em rất cao

Chị Nguyễn Thị Oanh, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, cho biết: “Sau thời gian học tập căng thẳng, nghỉ hè là dịp để các em thư giãn, vui chơi thỏa thích. Tuy nhiên, trẻ em sống ở nông thôn không được như thế. Một phần do thiếu sân chơi, một phần do điều kiện, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nghỉ hè, các em chỉ biết làm những công việc lặt vặt phụ giúp cha mẹ, quanh quẩn trong nhà xem tivi hoặc chơi game trên máy tính, điện thoại,... Điều này rất nguy hiểm!”.

Hơn nữa, các gia đình thường tất bật với việc đồng áng, không có nhiều thời gian quan tâm đến con em dẫn tới các em phải tự tìm sân chơi trong những ngày hè. Chính những địa điểm vui chơi không an toàn và không có sự quản lý của người lớn như tắm sông, trèo cây, chơi game online, đá bóng dưới lòng, lề đường,... là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn thương tâm. Nhiều vụ tai nạn, thương tích, đuối nước xảy ra trong thời gian qua khiến dư luận lo ngại. Gần đây, khoảng 17 giờ 30 phút, ngày 30-5-2020, anh Võ Văn Sấu (39 tuổi) và con gái Võ T.T. (7 tuổi), bé Nguyễn T.T.A. (10 tuổi) - hàng xóm của anh Sấu, cùng ngụ ấp 5, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, xuống kênh Hồng Ngự để tắm. 19 giờ cùng ngày, không thấy anh Sấu dẫn con và bé T.A. về nên mọi người đi tìm. Nghi có chuyện chẳng lành, người dân địa phương xuống kênh Hồng Ngự tìm kiếm và phát hiện thi thể bé T.A. Đến hơn 20 giờ cùng ngày, người dân tìm thấy thi thể của anh Sấu cùng con gái bị nước cuốn trôi cách nơi tắm hơn 100m.

Các em chưa nhận thức đầy đủ về những rủi ro tiềm ẩn và cũng chưa có kỹ năng xử lý tình huống khi gặp tai nạn dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Chị Nguyễn Thị Nga, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, nói: “Thời gian nghỉ hè, con tôi và mấy đứa nhỏ gần nhà chơi bắn bi, đá banh rồi xin tắm kênh. Mặc dù tụi nhỏ đều biết bơi nhưng cũng lo lắm!”.

Chung tay mang đến sân chơi hè cho trẻ

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Tuấn Anh, những năm qua, huyện quan tâm chăm lo, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em trên địa bàn. Tuy nhiên, do nguồn lực của huyện có hạn, nhiều địa phương chưa đầu tư được các khu vui chơi, giải trí nên ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt hè. Huyện đang tìm nguồn lực, trong đó đẩy mạnh xã hội hóa tạo sân chơi cho trẻ em. Ngoài tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, huyện còn chú trọng tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, mang tính cộng đồng để trẻ được tham gia, qua đó phát triển toàn diện”.

Bí thư Tỉnh đoàn - Võ Trần Tuấn Thanh cho biết: Với chủ đề Vui khỏe, an toàn, học nhiều điều hay, làm nhiều việc tốt, hè năm nay, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nhằm thu hút thanh, thiếu nhi: Giáo dục thanh, thiếu nhi về truyền thống lịch sử, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, phòng, chống tệ nạn xã hội; vui chơi, giải trí gắn với rèn luyện kỹ năng, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện; chăm lo, hỗ trợ thanh, thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo. Cụ thể, phát động sâu, rộng trong thanh, thiếu nhi phong trào thi đua thực hiện tốt “5 điều Bác hồ dạy”, phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt”, công tác Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu nhi về kỹ năng sống trong sinh hoạt, học tập và lao động; triển khai rộng rãi các hoạt động rèn luyện kỹ năng như chương trình Học làm người hiếu thảo, Học làm người có ích, trải nghiệm Làm người nông dân, kỹ năng tự bảo vệ,... Đặc biệt, điểm mới năm nay, thanh, thiếu nhi được cung cấp kiến thức và kỹ năng về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và dịch sốt xuất huyết,...

Để giải “cơn khát” sân chơi hè cho trẻ em, nhất là trẻ em vùng nông thôn, không chỉ có tổ chức Đoàn, Đội mà phải có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích