Tiếng Việt | English

07/10/2015 - 19:22

Long An: Tiêu chí môi trường ở nông thôn:

Cần lắm ý thức của người dân

 Những túi rác đặt dưới chân bảng pano tuyên truyền an toàn giao thông rất đẹp

Trong 166 xã nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An đã có trên 50% số xã đạt tiêu chí môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo đánh giá, để thực hiện thành công tiêu chí môi trường nông thôn đòi hỏi rất cao ý thức của người dân.

Hiện ở nhiều “điểm đen” về xả rác bừa bãi dọc các tuyến đường đều được các ngành lắp đặt biển cấm đổ rác, biển tuyên truyền, nhắc nhở thực hiện bảo vệ môi trường. Cách làm này đã và đang phát huy, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc bảo vệ môi trường như không vứt, xả rác bừa bãi,…

Tuy nhiên, do ý thức của người dân chưa cao nên vẫn còn tồn tại những đống rác lộ thiên ngay dưới các biển cấm, biển tuyên truyền, pano.

Một đống rác “chình ình” bên đường tỉnh 826 đoạn qua ấp Minh Thiện, xã Long Trạch, huyện Cần Đước

Như huyện Cần Đước, trong quá trình thực hiện huyện điểm điển hình về văn hóa, vấn đề môi trường luôn là một “bài toán” khó nên thời gian qua đã được tập trung thực hiện. Vì thế, có lẽ ở Cần Đước có các biển tuyên truyền nhiều nhất tỉnh về nâng cao ý thức bảo vệ môi trường được gắn ở dọc các trục đường nơi thường có rác vứt bừa bãi. Mặc dù vậy, gần đây ở tuyến đường tỉnh 826 đoạn qua ấp Minh Thiện, xã Long Trạch vẫn có các đống rác tự phát nằm “chình ình” ngay bên các biển tuyên truyền.

 Một đống rác dưới bảng cấm đổ rác trên đường tỉnh 835 đoạn qua ấp Phước Hưng 2, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc

Cách đó không xa là tuyến đường tỉnh 835, đoạn qua ấp Phước Hưng 2, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc cũng có những đống rác lộ thiện bốc mùi nồng nặc nằm dưới chân biển tuyên truyền “không vứt rác ở đây”.

Ngược về đường tỉnh 830, đoạn qua xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa và xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy nhiều chỗ rác thải vứt bừa bãi. Hay tại tỉnh lộ 10 (825) đoạn ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ và ấp 5, xã Đức Hòa Đông, có rất nhiều đống rác lộ thiên bốc mùi hôi thối, 2 bên đường đủ loại từ túi nylon, bao bì, vỏ dừa, vỏ dưa hấu,…

Theo chị Nguyễn Thị Năm, nhà bên tuyến đường tỉnh 825, việc xả rác bên đường đã trở thành thói quen của nhiều người. “Nhiều công nhân sáng sớm đi vào Cty làm việc là mang theo mấy bịch rác. Khi ra đường cứ cầm ném sang bên vệ đường. Vì thế, ở dọc tuyến đường có rất nhiều đống rác tự phát. Nhiều chỗ chính quyền đã cắm bảng cấm đổ rác nhưng dường như nhiều người chẳng quan tâm mà vẫn vô tư vứt rác ngay dưới chân bảng”, chị Năm kể.

Ông Nguyễn Trung Giang - Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn nhìn nhận: “Điều quan trọng trong thực hiện thành công tiêu chí môi trường là nhận thức và hành vi của người dân. Vì thế, các ngành, địa phương phải tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, tập quán, thói quen của người dân. Việc này phải được triển khai từ nhà trường, trong các cuộc hội họp, sinh hoạt, cộng đồng dân cư… Đồng thời, tăng cường xử phạt những ai vứt, xả rác thải không đúng nơi quy định để răn đe”.

Ông Nguyễn Tân Thuấn – Chi Cục trưởng Chi Cục Bảo vệ môi trường (Sở tài nguyên & Môi trường) cho rằng, hiện nay việc thu gom rác chủ yếu thực hiện được ở các vùng trung tâm, còn ở các ấp thì rất ít. Người dân vẫn tự xử lý bằng việc chôn, đốt. Nhưng điều đáng lo là nhiều người lại vứt rác ra đường, ao, hồ gây ô nhiễm. Vì vậy, bên cạnh tuyên truyền, vận động cũng cần xây dựng và nhân rộng các mô hình, hoạt động bảo vệ môi trường./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết