Tiếng Việt | English

23/02/2018 - 15:32

Cần loại bỏ tập tục đốt vàng mã

Về bản chất, đạo Phật không khích lệ tập tục này. Việc ngừng các hoạt động mê tín dị đoan, trong đó có việc đốt vàng mã là điều cần thiết.

Đốt vàng mã  từ lâu đã trở thành một tập tục quen thuộc của người Việt. Với quan niệm "trần sao, âm vậy", nhiều người đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua vàng mã dâng cúng rồi đốt, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tiền của và mất an toàn.

Mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã có công văn số 031/CV-HĐTS nhằm tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Ảnh minh họa

Công văn do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự GHPGVN ký, gửi tới Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố, gồm 3 điểm:

Thứ nhất, các Ban Trị sự hướng dẫn cho tăng ni, Phật tử tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, cần tuyên truyền, vận động trong việc phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo.

Thứ hai, đề nghị tăng ni hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Thứ ba, chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội; lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn.

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ (Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế - Trung ương GHPGVN), tục đốt vàng mã có xuất xứ từ Trung Quốc theo Nho giáo. Tập tục này tin rằng, sau khi chết, con người tồn tại dưới âm phủ vĩnh hằng. Từ đó, người ta có nhu cầu chăm sóc cho người dưới âm phủ như thể đang còn sống trên trần thế.

"Về bản chất, đạo Phật không khích lệ tập tục này. Việc ngừng các hoạt động mê tín dị đoan trong đó có việc đốt vàng mã là điều cần thiết. Đã đến lúc không nên mặc nhiên để tập tục này tiếp tục diễn ra trong các cơ sở thờ tự. Các tăng ni cần nêu cao ý thức vì việc này trái với Phật pháp", Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh.

Tại nhiều ngôi chùa, ngay cả việc đốt nhang hiện cũng đã được hạn chế để không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe những người tu học và khách vãng lai. Số tiền dùng cho việc đốt nhang hoặc đốt vàng mã nên để làm việc nghĩa, việc thiện, Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ.

Theo bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VHTTDL, tập tục đốt vàng mã đã có từ lâu, ăn sâu vào tâm thức người dân Việt Nam nên rất khó từ bỏ trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, hạn chế và loại bỏ việc đốt vàng mã là rất cần thiết, tránh lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn tại các cơ sở thờ tự.

Những năm gần đây, Bộ VHTTDL đều ban hành các công văn gửi các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền vận động việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự tín ngưỡng trong đó có việc hạn chế đốt vàng mã, đồ mã. Nếu người dân muốn đốt thì phải đốt đúng nơi quy định, không đốt bừa bãi. Đối với các vi phạm cũng đã có quy định xử phạt theo Nghị định của Chính phủ. 

Đốt vàng mã tại Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) - Ảnh: NLD

Trước thực trạng nhức nhối về hiện tượng đốt vàng mã tiêu tốn hàng tỷ đồng mỗi năm ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), trong mấy năm qua, Bộ VHTTDL đã nỗ lực phối hợp cùng UBND tỉnh Bắc Ninh  xây dựng một đề án nghiên cứu tập tục đốt vàng mã tại đây, và đưa ra các biện pháp tuyên truyền nhằm hạn chế tập tục này.

Hiện Bộ VHTTDL đã chuyển giao kết quả nghiên cứu cho UBND tỉnh Bắc Ninh thực hiện, tình hình tiến triển theo chiều hướng tích cực, việc đốt vàng mã đã giảm rất nhiều so với trước, bà Trịnh Thị Thủy cho biết./.

Hồng Minh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết