Tiếng Việt | English

09/04/2018 - 18:49

Cần những đề án tranh cử công khai

Hôm nay (09/4), Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) dự kiến công khai danh sách toàn bộ các ứng viên được giới thiệu tham gia ban chấp hành VFF khóa 8. Ngoài danh sách 43 ứng viên đã được giới thiệu lần đầu, lần bổ sung này sẽ có thêm nhiều cái tên mới, có những người vô cùng lạ lẫm với giới bóng đá.

Người hâm mộ chờ đợi các ứng viên chứng minh năng lực quản lý, tiềm lực tài chính qua đề án tranh cử công khai, minh bạch. Ảnh minh họa. Tác giả ảnh: N.K

Trong lịch sử 7 nhiệm kỳ đã qua của bóng đá VN, chưa có một nhiệm kỳ nào mà người đứng đầu tổ chức xã hội nghề nghiệp này không phải là “người nhà nước”. Ông chủ tịch khi là lãnh đạo của ngành thể thao, lúc là quản lý của một bộ ngoài thể thao, có trường hợp là người đứng đầu tổng công ty của Nhà nước.

Ngay như nhiệm kỳ 7 (2014-2018) chuẩn bị kết thúc, lần đầu tiên VFF có một chủ tịch là doanh nhân uy tín: ông Lê Hùng Dũng - nguyên chủ tịch HĐQT Eximbank và SJC - cũng được xem là nhân vật không ngoài nhà nước.

Làm chủ tịch VFF “quyền rơm vạ đá” là điều nhiều người vẫn nói đến chiếc ghế này. Thế nhưng, có một điều lạ là dù nói làm bóng đá chẳng có quyền lợi gì, nhưng rất nhiều người vẫn thích làm lãnh đạo bóng đá VN, dù có người năng lực hạn chế hay tai tiếng đầy mình. Chính vì thích làm lãnh đạo ở VFF mà cứ “đến hẹn lại lên”, trước mỗi kỳ đại hội, người ta lại thấy báo chí liên tục đưa tin tiêu cực về bóng đá, về ứng viên này ứng viên kia xuất phát từ “đòn thế” của các đối thủ trong cuộc đua tranh.

Đua đến ghế chủ tịch VFF chưa bao giờ thiếu khốc liệt ngay từ những đại hội đầu tiên. Đến nay, các nhân chứng vẫn còn kể lại, thậm chí viết thành sách. Trong cuốn sách Trái bóng lăn giữa đời tôi, tác giả Ngô Tử Hà - nguyên phó chủ tịch VFF và mang hàm vụ trưởng Ủy ban TDTT - viết chính ông từng đánh nhau với một lãnh đạo Tổng cục TDTT tại nhà khách Chính phủ trước thềm Đại hội khóa 2 VFF giai đoạn 1993-1997, sâu xa cũng chỉ vì việc giới thiệu người tranh cử ở VFF.

Chuyện về chiếc ghế chủ tịch VFF thật lắm ly kỳ, tại Đại hội 8 chuẩn bị diễn ra vào tháng 5 tới cũng vậy. Chưa bao giờ trong lịch sử các kỳ đại hội VFF mà trước thềm đại hội có nhiều ứng viên được giới thiệu ra ứng cử các chức danh chủ chốt đến vậy. Ở vị trí phó chủ tịch có đến hơn chục ứng viên được giới thiệu và đã sẵn sàng “cuộc đua”.

Trên một số trang báo, mạng xã hội là những cuộc “đấu tố” không ngừng nghỉ, dùng băngrôn bôi nhọ, lập Facebook nói xấu nhau... Người hâm mộ ngao ngán, còn trong giới đều biết đòn này của ông này đánh ông kia, bác này “lobby” cho ứng viên nọ.

Thế nhưng tuyệt nhiên không có ứng viên nào công khai tranh cử, hầu hết đều im ỉm chờ thời. Cũng chẳng có đề án tranh cử nào được xây dựng, công bố trước dư luận về động cơ ra tranh cử là gì, liệu khi lên làm chủ tịch, phó chủ tịch VFF thì ứng viên sẽ đóng góp được gì cho bóng đá nước nhà.

Cạnh tranh là động lực cho sự phát triển, bóng đá là môn thể thao đối kháng mà người mạnh mới có thể chiến thắng. Người hâm mộ, người làm bóng đá mong các ứng viên hãy cạnh tranh bằng năng lực thông qua đề án tranh cử của mình. Thay vì vận động hành lang bốc mùi, chơi trò đánh thắt lưng, các ứng viên hãy phô diễn tình yêu bóng đá, năng lực quản lý, tiềm lực tài chính, ảnh hưởng xã hội thông qua đề án tranh cử công khai, minh bạch. Chiến thắng bằng cách này mới thật vinh quang và vì bóng đá cần người có tài, có tâm./.

Khương Xuân/tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết