Tiếng Việt | English

22/06/2018 - 14:32

Cần phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở

So với các quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì đa số trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng (VH-TT&HTCĐ) cấp xã, nhà văn hóa (NVH) ấp trong tỉnh Long An chưa đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn về cơ sở vật chất lẫn hiệu quả hoạt động. Hành trình “vươn tới” những tiêu chuẩn đó không đơn giản!

Khi trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng cấp xã, nhà văn hóa ấp có khuôn viên rộng, khu thể thao, đồ chơi cho trẻ em, thiết bị âm thanh,… và được mở cửa thường xuyên thì sẽ thu hút được người dân đến vui chơi, tập thể thao

Khi trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng cấp xã, nhà văn hóa ấp có khuôn viên rộng, khu thể thao, đồ chơi cho trẻ em, thiết bị âm thanh,… và được mở cửa thường xuyên thì sẽ thu hút được người dân đến vui chơi, tập thể thao

Những điểm sáng

Chiều nào cũng vậy, Trung tâm VH-TT&HTCĐ (trung tâm) xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành lại nhộn nhịp vì nhiều thanh niên đến chơi bóng chuyền. Ngoài khu hội trường, trung tâm còn có sân bóng chuyền được tráng bêtông và khu vực sân cỏ dành cho bóng đá.

Anh Toàn Thịnh, ngụ thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, cho biết: “Chiều nào, chúng tôi cũng tập trung ở đây chơi bóng chuyền, có hôm đến 30 người. Không chỉ thanh niên trong xã mà các xã, thị trấn lân cận cũng đến đây chơi”.

Trung tâm còn là nơi tổ chức hội họp hội diễn văn nghệ, thể thao, hội thảo, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&HTCĐ xã Dương Xuân Hội - Nguyễn Văn Tiết cho biết: Hàng năm, có trên 30 cuộc hội nghị, hội thảo, hội diễn văn nghệ, thể dục - thể thao được tổ chức tại đây.

Trung tâm VH-TT&HTCĐ xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa nằm trong khuôn viên trụ sở UBND xã. Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Văn Thiết cho biết: Hàng năm, trung tâm có trên 30 hoạt động hội họp, học tập và văn nghệ. Trung tâm và UBND xã có chung khuôn viên sân được thiết kế thành sân bóng chuyền và bóng đá mini phục vụ người dân sau giờ làm việc.

Không chỉ trung tâm cấp xã, một số NVH ấp cũng là nơi người dân tập trung tổ chức các hoạt động thể dục - thể thao, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ. Như NVH ấp Hồi Xuân, xã Dương Xuân Hội là nơi thanh niên tập hợp chơi bóng chuyền. Tận dụng cơ sở vật chất trường mẫu giáo cũ có sẵn sân bêtông, NVH cải tiến thành sân bóng chuyền. NVH ấp 2, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức thì thu hút người dân và trẻ em đến vui chơi nhờ được trang bị sân bóng đá mini, đồ chơi cho trẻ,... từ nguồn xã hội hóa. Đó là minh chứng về những trung tâm, NVH ấp được xem là phát huy tốt hiệu quả.

Chưa phát huy hết công năng

Nếu so sánh với những quy định của Thông tư 06/2011/TT-BVHTTDL quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của NVH, khu thể thao thôn; Thông tư 12/2010/TT-BVHTTDL quy định về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của trung tâm VH-TT xã và Thông tư 05/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Thông tư số 12 và Thông tư số 06), thì hầu như các trung tâm, NVH ấp trong tỉnh đều chưa đạt yêu cầu về diện tích, trang thiết bị, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, vui chơi, giải trí cho trẻ em.

Hầu hết trung tâm, NVH ấp chỉ phát huy hiệu quả của hội trường. Đó là nơi tổ chức hội họp, diễn ra các hoạt động của bộ máy chính trị địa phương, nơi học tập, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân hoặc tổ chức văn nghệ, hội diễn,...

Bí thư kiêm Trưởng ấp Bình Lợi, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa - Nguyễn Văn Sửa cho biết: NVH ấp rất cần thiết cho các hoạt động hội họp, các cuộc hòa giải tại địa phương. Không có NVH ấp, các hoạt động trên phải mượn nhà dân rất bất tiện.

Phó Trưởng khu phố Bình Đông 3, phường 3, TP.Tân An - Huỳnh Tấn Tú khẳng định: “NVH khu phố rất cần cho các hoạt động hội họp của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là hòa giải. Việc mượn nhà dân rất bất tiện, nhất là hoạt động hòa giải”.

Thư viện, phòng đọc sách và việc duy trì hoạt động thường xuyên của các câu lạc bộ,... hầu như không thực hiện được. Phó Chủ tịch UBND phường 3, TP.Tân An - Ngô Thanh Hùng cho biết: Khi người dân có thể dễ dàng tiếp cận với thông tin và hoạt động giải trí bằng điện thoại và Internet thì thư viện tại trung tâm và NVH khu phố không được người dân mặn mà. Ông Nguyễn Văn Tiết thông tin thêm, trước đây, trung tâm từng xây dựng thư viện nhưng không hiệu quả nên sách được trả về thư viện huyện.

Việc duy trì các hoạt động văn hóa - văn nghệ cũng khó thực hiện. Chủ tịch UBND xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ - Trương Phú Sơn cho biết: “Cùng với sự phát triển về kinh tế, đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đa số các gia đình đều trang bị hệ thống âm thanh di động hoặc karaoke gia đình nên việc tập hợp sinh hoạt văn nghệ tại NVH ấp hay trung tâm VH-TT&HTCĐ xã chưa thu hút được người dân.

Từ thực trạng trên, các trung tâm, NVH ấp chỉ có thể phát huy được cao nhất khoảng 2/3 công năng theo quy định. Trong đợt phúc tra công nhận và công nhận lại xã đạt chuẩn văn hóa, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị năm 2017, có 27/30 xã, phường, thị trấn được phúc tra bị trừ điểm do trung tâm VH-TT&HTCĐ chưa phát huy hết công năng hoặc NVH ấp hoạt động chưa hiệu quả! Hình ảnh trung tâm khóa kín cả cửa rào và chỉ mở cửa khi tổ chức hoạt động hoặc NVH ấp xuống cấp, cơ sở vật chất ọp ẹp,... vẫn tồn tại.

Kinh phí - bài toán khó

Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc các trung tâm, NVH ấp hoạt động kém hiệu quả, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thành Thanh cho rằng, có 4 nguyên nhân chính: Vị trí không thuận lợi do thiếu quỹ đất công, bộ máy quản lý kiêm nhiệm nên tổ chức hoạt động còn hạn chế, thiếu kinh phí và thiếu loại hình hoạt động thu hút người dân.

Đó cũng là điều mà nhiều địa phương khẳng định. Ông Trương Phú Sơn cho biết thêm, do thiếu quỹ đất công nên diện tích NVH ấp thường hạn hẹp, chỉ đủ phục vụ sinh hoạt tổ, nhóm, không thể tổ chức văn nghệ hay thể dục - thể thao. Bên cạnh đó, một số nơi còn mượn sân đình làm NVH ấp nên không thể tổ chức các hoạt động văn nghệ hay thể dục - thể thao. Đó cũng là vấn đề mà xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh đang gặp phải.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa - Lê Em, việc xây dựng NVH ấp gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn và quỹ đất. NVH ấp thường không bảo đảm diện tích theo quy định, sân chơi thể thao được “linh động” thiết kế tại một địa điểm khác. Cũng vì kinh phí eo hẹp nên NVH ấp chưa được trang bị đầy đủ theo quy định. Một số NVH ấp không có kinh phí trang bị các phương tiện phục vụ sinh hoạt văn hóa - văn nghệ của người dân.

Nhà văn hóa ấp rất cần thiết cho việc hội họp, đặc biệt là hòa giải tại địa phương. Hầu như các  trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng cấp xã, nhà văn hóa ấp chỉ phát huy cao nhất được khoảng 2/3 công năng. Vẫn còn trung tâm đóng cửa im ỉm và nhà văn hóa ấp xuống cấp, ọp ẹp (Trong ảnh: Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng thường khóa kín cửa rào)

Nhà văn hóa ấp rất cần thiết cho việc hội họp, đặc biệt là hòa giải tại địa phương. Hầu như các  trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng cấp xã, nhà văn hóa ấp chỉ phát huy cao nhất được khoảng 2/3 công năng. Vẫn còn trung tâm đóng cửa im ỉm và nhà văn hóa ấp xuống cấp, ọp ẹp (Trong ảnh: Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng thường khóa kín cửa rào)

Để các trung tâm, NVH ấp hoạt động hiệu quả thì bắt buộc phải có kinh phí đầu tư cơ sở vật chất. Khi một trung tâm, NVH ấp có khuôn viên rộng, có khu thể thao được bêtông hóa (sân bóng chuyền, bóng đá mini), có đồ chơi cho trẻ em, thiết bị âm thanh,... và được mở cửa thường xuyên thì tất nhiên sẽ thu hút được người dân đến vui chơi, tập thể thao sau giờ làm việc mỗi ngày.

Tuy nhiên, để có được những điều đó đòi hỏi phải có kinh phí. Mà kinh phí chính là “bài toán khó”. Ông Nguyễn Thành Thanh khẳng định: Các địa phương phải nỗ lực xã hội hóa để có kinh phí nâng cao chất lượng hoạt động các trung tâm, NVH ấp nhằm thu hút người dân. Tuy nhiên, việc vận động kinh phí không phải là dễ trong giai đoạn hiện nay. Một số địa phương cho rằng, các tổ chức kinh doanh tư nhân chỉ đầu tư vào những hạng mục sinh lợi, còn hoạt động mang tính chất phúc lợi xã hội thì nguồn vận động hết sức hạn hẹp./.

Các địa phương phải nỗ lực xã hội hóa để có kinh phí nâng cao chất lượng hoạt động các trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng, nhà văn hóa ấp nhằm thu hút người dân”.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thành Thanh

Phương Phương

Chia sẻ bài viết