Tiếng Việt | English

23/10/2019 - 19:55

Cần quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân

Hiện nay, toàn tỉnh Long An có khoảng 300.000 công nhân (CN), lao động, trong đó có 144.288 lao động nữ. Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nếu được chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần, nữ CN sẽ gắn bó với doanh nghiệp, tận tụy làm việc, nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, theo khảo sát, tại các khu, cụm công nghiệp, đời sống tinh thần của CN, lao động nữ dường như vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Các hoạt động vui chơi, giải trí như hội thi giọng hát hay, nữ công nhân thanh lịch, hội thao bóng chuyền,... dành cho công nhân, lao động, nhất là lao động nữ hiện nay còn rất ít

Các hoạt động vui chơi, giải trí như hội thi giọng hát hay, nữ công nhân thanh lịch, hội thao bóng chuyền,... dành cho công nhân, lao động, nhất là lao động nữ hiện nay còn rất ít

Công nhân, lao động nữ thiếu thốn nhiều hoạt động vui chơi, giải trí

Gặp chị vào một ngày chủ nhật, căn phòng trọ chỉ tầm 12m2 cho cả gia đình 3 người, gồm 2 vợ chồng và đứa con gái 17 tháng tuổi. Chị Trần Thị Thái cho biết: "Hai vợ chồng tôi quê ở Thanh Hóa, vào đây thuê nhà trọ và cùng làm công nhân ở Công ty (Cty) TNHH May An Đạt, ấp Sò Đo, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa. Bằng cấp, tiền bạc không có, nhờ bạn cùng quê giới thiệu mới xin được vào làm việc tại Cty này. Ngoài giờ làm ở Cty, chúng tôi chỉ quanh quẩn trong căn phòng trọ chật hẹp, nóng bức. Lạ chỗ, không người thân, thu nhập thấp, chúng tôi không biết đi chơi đâu vào ngày nghỉ.

Hơn nữa, con gái còn nhỏ, cũng không thể đi đâu được. Chúng tôi làm việc cho Cty được hơn 2 năm rồi".

Phải lao động cật lực để lo mưu sinh và sống thiếu thốn tình cảm gia đình, không có điều kiện vui chơi, giải trí là hoàn cảnh chung của những nữ CN xa quê, đang sống và làm việc ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Thạch Thị Mai - CN Cty TNHH SX TM Hù Kiệt, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, chia sẻ: "Thu nhập mỗi tháng của 2 vợ chồng tôi được hơn 8 triệu đồng, cũng tạm ổn với mức sống của CN. Nhưng khó khăn nhất cho nữ CN là liên tục chịu áp lực công việc và gò bó về thời gian, không có điều kiện vui chơi, giải trí".

Chị Nguyễn Mai Khanh - CN Cty TNHH Viva Vina, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tâm sự: "Công việc chủ yếu của chúng tôi là làm theo dây chuyền, người này phải phụ thuộc người kia. Nếu người đứng đầu dây chuyền làm nhanh, số lượng cao thì đồng nghiệp phía sau không theo kịp. Nhưng nếu số lượng sản phẩm thấp thì bị quản lý mắng, trừ lương. Công việc cứ "cắm đầu" trong nhà xưởng nên chúng tôi đâu có thời gian nghỉ ngơi, nói gì đến vui chơi, giải trí".

Chúng tôi có mặt tại khu nhà trọ Thiên Lý, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, vào một ngày cuối tuần. Khi hỏi thăm hầu hết CN nữ, các chị em đều chia sẻ: "Những chị em CN nào "sang" lắm thì sắm cái tivi đời mới, còn không thì sử dụng chiếc điện thoại có chức năng truy cập Internet để giải trí là phương tiện duy nhất của hầu hết chị em CN nữ vào những ngày cuối tuần".

"Nghề nào cũng có cái khó, cái khổ riêng, nhưng làm CN, nhất là CN nữ, không có điều kiện sinh hoạt vui chơi, giải trí là khổ nhất. Thi thoảng, vợ chồng tôi cũng nản nhưng vẫn phải động viên nhau vì cuộc sống mà cố gắng mưu sinh, bởi ngoài xã hội còn có nhiều hoàn cảnh khổ hơn mình" - chị Nguyễn Thị Thanh Tâm - CN Cty TNHH Giầy ChingLuh, Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức, thông tin.

Cần nâng cao đời sống tinh thần công nhân nữ

Chị Lê Bích Trâm, 31 tuổi, có gần 10 năm làm CN, tính cả lương thâm niên, chị cũng chỉ được khoảng 6 triệu đồng/tháng. Chi tiêu tiết kiệm cũng đủ trang trải cho cuộc sống, nhưng để đủ sống, chị phải chạy như con thoi nhận thêm việc nọ, việc kia để làm. Ngoài công việc, những hoạt động văn hóa - văn nghệ, vui chơi, giải trí dường như luôn là thứ xa xỉ chị ít nghĩ tới. “Nhìn mọi người cuối tuần được tham gia các hoạt động văn hóa, được đi chơi, đi xem phim,... tôi cũng thèm lắm, nhưng Cty không tổ chức, tôi lại không có điều kiện” - chị Trâm bộc bạch.

Nhu cầu giải trí của công nhân ít được quan tâm, một mặt do thiết chế giải trí trong khu, cụm công nghiệp còn thiếu thốn

Nhu cầu giải trí của công nhân, người lao động ít được quan tâm, một mặt do thiết chế giải trí trong khu, cụm công nghiệp còn thiếu thốn

Những câu chuyện, nhân vật mà chúng tôi gặp trên chỉ là những "lát cắt" rất nhỏ về đời sống văn hóa tinh thần nghèo nàn của CN, lao động, nhất là CN nữ ở các khu, cụm công nghiệp hiện nay. Do thời gian và cường độ làm việc căng thẳng, thu nhập thấp nên đa số CN nữ không đủ điều kiện để mua sắm các phương tiện phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa như tivi, sách, báo. Nếu thiếu các hoạt động văn hóa tinh thần lâu dài sẽ dễ dàng đẩy một bộ phận CN sa vào lối sống không lành mạnh, ảnh hưởng đến năng suất và sức lao động của CN, thậm chí có thể dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Lê Thị Thu Cúc cho rằng: Các hoạt động tinh thần, vui chơi, giải trí là nhu cầu hết sức quan trọng đối với đời sống CN, tạo nên sự cân bằng trong cuộc sống sau những giờ lao động, sản xuất căng thẳng tại Cty. Nhưng thực tế hiện nay, sự đáp ứng của xã hội đối với các nhu cầu giải trí của họ ít được quan tâm, một mặt do thiết chế giải trí trong khu, cụm công nghiệp còn thiếu thốn. Rất cần sự chung tay của các cấp, ngành và doanh nghiệp để cùng chăm lo đời sống tinh thần của CN, lao động, nhất là lao động nữ"./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích