Tiếng Việt | English

24/09/2018 - 11:11

Cần sớm hoàn thiện hạ tầng các khu tái định cư

Nhiều khu tái định cư (TĐC) trên địa bàn tỉnh Long An được triển khai chậm so với tiến độ, hạ tầng kỹ thuật yếu kém,... dẫn đến đời sống người dân vô cùng khó khăn.

Chậm tiến độ

Sau đợt giám sát của HĐND tỉnh cách đây gần 1 năm, ngày 08/12/2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 77 về kết quả giám sát và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc xây dựng các khu TĐC của các dự án (DA) đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Đợt tái giám sát của HĐND tỉnh vừa qua ghi nhận, tiến độ triển khai hạ tầng kỹ thuật ở một vài khu dân cư (KDC), TĐC có chuyển biến. Đó là khu TĐC của Công ty (Cty) TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xây dựng và Đầu tư Phát Hải (xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc); Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng Phú An (giai đoạn 1, huyện Bến Lức); Cty TNHH Hải Sơn (huyện Đức Hòa),... Bên cạnh đó, các khu TĐC của Cty Cổ phần Thương mại - Xây dựng Thành Hiếu, Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hồng Lĩnh, Cty TNHH Nhựa Phước Thành (huyện Cần Giuộc), Cty TNHH Hoa viên Gò Đen (huyện Bến Lức), tiến độ triển khai chậm so với kế hoạch; còn 3 khu TĐC: Cty Cổ phần Đại Lộc Long An, Cty Cổ phần Ngọc Phong (huyện Đức Hòa), Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng Phú An (giai đoạn 2, 3) không có chuyển biến.

Đường sá tại Khu tái định cư Xuyên Á còn “ê hề”

Theo đánh giá của Đoàn tái giám sát, mặc dù chủ đầu tư cam kết nhiều lần trong thời gian dài nhưng thực tế qua kiểm tra, hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa hoàn chỉnh: Đường chưa thảm nhựa, vỉa hè, cây xanh, hệ thống cấp điện, cấp nước, chiếu sáng,... chưa được thực hiện đầy đủ theo quy hoạch phê duyệt, chưa thực hiện đúng quy chế quản lý kiến trúc. Đặc biệt, hệ thống xử lý nước thải tại các KDC, TĐC chưa được đầu tư với lý do tỷ lệ lấp đầy các hộ dân còn thấp.

Tại Khu TĐC Xuyên Á, xã Mỹ Hạnh Nam, do Cty Cổ phần Ngọc Phong làm chủ đầu tư, DA được thực hiện từ năm 2009 nhưng đến nay, khu TĐC này vẫn chưa hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội. Đặc biệt, hệ thống giao thông nội ô chưa được thảm nhựa dẫn đến đường hư hỏng, xuống cấp; chưa có hệ thống chiếu sáng; cây xanh, trường mẫu giáo, công viên chưa được đầu tư xây dựng.

Ông Nguyễn Văn Đông - người dân sinh sống tại đây, chia sẻ: “Mỗi lần trời mưa là đường sá sình lầy, đi lại rất khó khăn. Đa số người dân sống tại khu TĐC này tự bỏ tiền khoan giếng để kéo nước về sinh hoạt. Chúng tôi hy vọng có đèn đường chiếu sáng vào ban đêm để bảo đảm an ninh, trật tự nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy”.

Tương tự, KDC, TĐC Nam Thuận của Cty Cổ phần Đại Lộc Long An, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, kéo dài đến nay gần 10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến những hộ dân trong DA phải sống cảnh “tạm bợ”.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Hạnh Nam - Nguyễn Văn Phước thông tin, cả 2 DA này khiến địa phương phải “đau đầu”. Riêng DA TDC Xuyên Á, không chỉ chậm về hạ tầng kỹ thuật mà còn kéo dài việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho người dân (482/546 số nền được cấp GCNQSDĐ). DA KDC, TĐC Nam Thuận “treo” nhiều năm, nhiều nhà dân xuống cấp nhưng không được sửa chữa, làm hạn chế nhu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất vì vướng quy hoạch,... Địa phương nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay, tình trạng này vẫn không có chuyển biến.

Người dân bức xúc

Chấp nhận giao đất cho nhà đầu tư, người dân trong những DA TĐC hy vọng về một ngôi nhà mới với đầy đủ điều kiện sinh hoạt để họ an cư, lạc nghiệp. Thế nhưng, nhiều DA TĐC kéo dài, hạ tầng dang dở, nhếch nhác khiến họ rơi vào khó khăn.

Phản ánh với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Sơn, ngụ xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, cho rằng: “Gia đình tôi vào ở TĐC của Cty Hải Sơn được khoảng 6 năm. So với những năm trước, cuộc sống chúng tôi đỡ hơn do nhà đầu tư thảm nhựa đường, nhưng đoạn đường được xây dựng khá ngắn, còn lại các tuyến đường lân cận thì vẫn như cũ. Mùa mưa này, chúng tôi đi lại rất gian nan. Hơn nữa, khu TĐC này giáp ranh chợ Hưng Long, TP.HCM, có nhiều dân nhập cư đến sinh sống, buổi tối không có hệ thống chiếu sáng nên tình hình an ninh, trật tự khá phức tạp”.

Đoàn tái giám sát lắng nghe ý kiến, phản ánh của người dân sống tại tái định cư

Đoàn tái giám sát lắng nghe ý kiến, phản ánh của người dân sống tại tái định cư

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Thượng - Ngô Thanh Tuấn, địa phương có 2 DA TĐC do Cty TNHH Hải Sơn làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1, DA gần 5ha với 127 nền, hoàn thành cấp GCNQSDĐ. Cty cam kết cuối năm 2018 sẽ hoàn thiện vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh,... Riêng khu TĐC mở rộng 8,5ha, tiến độ rất chậm, còn nhiều vướng mắc, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Một số hạ tầng kỹ thuật có triển khai nhưng chưa đạt tiến độ. Người dân trong vùng DA nhiều lần kiến nghị với chính quyền. Địa phương cũng làm việc với chủ đầu tư nhưng họ hứa nhiều lần và đến nay vẫn chưa có tiến triển.

Tình trạng “thiếu đủ thứ” trong các khu TĐC hiện nay khiến cuộc sống của người dân ở TĐC chẳng những không được cải thiện mà còn khốn khổ hơn trước. Tại KDC, TĐC Thành Hiếu (xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc), người dân bức xúc, sau nhiều năm họ nhận nền, xây dựng nhà ở nhưng hạ tầng kỹ thuật còn rất hạn chế. Đường sá chưa được thảm nhựa, xuống cấp, thường xuyên ngập nước. An ninh, trật tự khu vực này không bảo đảm, cỏ mọc kín khu TĐC. Trong khi đó, dù hứa rất nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn không hoàn thiện được một tuyến đường nào trong khu TĐC đúng như cam kết trước đó.

Bà Trần Thị Tiếp ở khu TĐC này phản ánh: “Ở đây cái gì cũng thiếu. Đường sá bất tiện, GCNQSDĐ cũng chưa có,... Khổ nhất là không có nước sinh hoạt để sử dụng, chúng tôi phải đổi nước với giá đắt đỏ, 150.000 đồng/m3”.

Nhiều dự án tái định cư tại huyện Cần Giuộc chưa hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang cho biết, sau đợt tái giám sát này, HĐND tỉnh sẽ có cuộc làm việc với các sở, ngành liên quan và UBND tỉnh để đề xuất một số giải pháp đối với những DA TĐC kéo dài nhiều năm nhưng chưa hoàn thiện, gây lãng phí, bức xúc. Rút kinh nghiệm về những hạn chế từ những DA TĐC trước đây, với những DA TĐC mới, tỉnh sẽ xem xét năng lực thật sự của các nhà đầu tư cũng như có cam kết ràng buộc để không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư cũng như cuộc sống người dân./.

Hiện nay, toàn tỉnh có 47 DA có bố trí nền cho người dân TĐC với tổng diện tích gần 1.200ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Tân Trụ, Thủ Thừa và TP.Tân An. Trong đó, có 17 DA cơ bản hoàn thành việc giao nền và cấp GCNQSDĐ cho người dân TĐC; 4 DA hoàn thành toàn bộ việc giao nền và cấp GCNQSDĐ cho chủ đầu tư nhưng chưa hoàn thành cấp GCNQSDĐ cho người dân; 20 DA đang thực hiện giao nền và cấp GCNQSDĐ cho người dân TĐC; 6 DA đang trong giai đoạn kê biên, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tổng số nền bố trí TĐC trên địa bàn tỉnh hơn 18.600 nền, trong đó giao cho người dân hơn 16.800 nền. Tỉnh cấp trên 15.400 GCNQSDĐ cho chủ đầu tư và hơn 13.800 GCNQSDĐ cho người dân. Số nền người dân xây dựng nhà ở trên 4.000 nền.

So với thời điểm HĐND tỉnh giám sát vào cuối năm 2017 có sự thay đổi: Tổng số DA cơ bản hoàn thành việc giao nền và cấp GCNQSDĐ cho người dân TĐC tăng 7 DA, tổng số nền TĐC giảm 657 nền (chủ yếu do người dân chuyển sang nhận TĐC bằng tiền), số nền giao cho người dân tăng 1.067 nền, số GCNQSDĐ cấp cho chủ đầu tư tăng 1.061 giấy, số GCNQSDĐ cấp cho người dân tăng 2.057 giấy, số nền xây dựng nhà ở tăng 662 nền.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích