Tiếng Việt | English

21/10/2015 - 15:00

Long An

Cần tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp

Việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là một lĩnh vực quan trọng của chương trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Do đó, công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp cần được tăng cường.

Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nông dân cũng rất quan tâm, bức xúc trước tình trạng vật tư nông nghiệp kém chất lượng. Dưới góc độ người tiêu dùng, một số vấn đề tồn tại đã lâu, gây bức xúc trong dư luận nhưng chậm được giải quyết như: Việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chưa được ngăn chặn; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả; kháng sinh, chất bảo quản trong thịt gia súc, gia cầm nuôi còn ở mức cao, gây bất an cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, hàng nông sản, thủy sản Việt Nam.


Bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp là góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng       Ảnh: Lê Huỳnh

Điều đáng mừng là mới đây, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông - lâm - thủy sản vi phạm. Theo đó, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; rà soát thống kê, kiểm tra, phân loại 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản; công khai kết quả kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng; xử lý dứt điểm các cơ sở bị xếp loại C sau tái kiểm tra,...

Trên địa bàn tỉnh Long An, tính đến nay, ngành chức năng đã kiểm tra, xếp loại 2.666/3.077 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản; trong đó cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp tỷ lệ đạt 87%, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy sản tỷ lệ đạt 85%. Đồng thời, qua thanh tra, kiểm tra 1.805 lượt cơ sở đã xử lý 284 trường hợp vi phạm, phạt tiền 1.056 triệu đồng.

Với nhiều biện pháp tập trung, chỉ đạo xử lý kiên quyết của tỉnh cho thấy quyết tâm cao trong lập lại trật tự, thực thi đúng pháp luật về an toàn thực phẩm. Đây cũng là điều kiện tiên quyết trong bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao uy tín nông sản Việt, bảo vệ và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chủ trương này cần có sự đồng thuận cao từ người sản xuất, thu mua, vận chuyển, bảo quản, chế biến, mua bán, xuất khẩu, tiêu dùng ở tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản.

Do đó, cần có sự tham gia của các ngành, các cấp và nhân dân; chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm để nâng cao ý thức trong xã hội; tăng cường hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt theo hướng VietGAP. Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Làm tốt điều này sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống nông dân, người tiêu dùng và cho nền nông nghiệp tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung./.

Kim Quy
 

Chia sẻ bài viết