Tiếng Việt | English

22/11/2017 - 08:52

Cần tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong quản lý đất đai, xây dựng

Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, xây dựng và môi trường, nổi lên vấn đề đáng quan ngại, đó là tình trạng buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở ở một số nơi. Chỉ đến khi sự việc “nóng” lên hoặc được báo chí phản ánh, dư luận bức xúc, các cơ quan chức năng vào cuộc thanh, kiểm tra thì chính quyền cơ sở mới “giật mình”, cấp tốc xử lý hậu quả. Lúc đó, mọi việc vỡ lỡ, phải tiến hành truy cứu trách nhiệm, kỷ luật cán bộ, tiến hành cưỡng chế, gây lãng phí tài sản của tổ chức, người dân, làm mất niềm tin trong nhân dân.

Thời gian qua, ở một số xã đang có tốc độ đô thị hóa cao, có nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông đi qua và gần TP.HCM: Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa, Châu Thành,... trở thành điểm nóng về mua bán đất nông nghiệp, tự ý phân lô, lên nền, hình thành các điểm dân cư tự phát hay xây dựng các kho bãi. Đặc biệt, vụ sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc là một bài học về quản lý đất đai của chính quyền cơ sở. Từ năm 2014 đến 2016, xã buông lỏng công tác quản lý, để xảy ra 77 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó có nhiều trường hợp xây nhà ở, rất khó xử lý khôi phục hiện trạng.

Hay hàng chục vụ lên nền, xây dựng nhà kho chứa thanh long trái phép ở huyện Châu Thành cần được mổ xẻ. Nhiều nhà kho có diện tích lớn được xây dựng không phép trên địa bàn nhưng chính quyền cơ sở không phát hiện, cảnh báo, chấn chỉnh. Khi ngành chức năng và chính quyền tổ chức kiểm tra, xử phạt, nếu thấy phù hợp thì cho giữ nguyên hiện trạng, còn không phù hợp quy hoạch thì xử lý trả lại hiện trạng ban đầu. Liệu có công bằng không khi những nhà kho ấy có điểm chung là xây dựng không phép và rất lãng phí khi phá vỡ những nhà kho trị giá hàng tỉ đồng?

Gần đây, một số khu đô thị mới ở phường 6, TP.Tân An, dư luận quan tâm vấn đề có vài chục hộ “mượn tạm” vỉa hè đô thị làm hàng rào tạm. Lý do người dân tự phát làm hàng rào là vì nạn trộm cắp hoành hành, thiếu đèn chiếu sáng ban đêm và để phòng ngừa tội phạm, bảo vệ an toàn tài sản, nhất là những gia đình thường xuyên vắng nhà. Đây là nhu cầu có thật nhưng không đúng quy định pháp luật. Đáng tiếc là nếu chính quyền địa phương, đoàn thể khu phố sâu sát, tuyên truyền, giải thích, ngăn cấm ngay từ đầu thì không có tình trạng gần 40 hộ buộc phải tháo bỏ hàng rào tạm, gây lãng phí hàng trăm triệu đồng của người dân,...

Cán bộ, công chức ở cơ sở có vai trò rất quan trọng, là người gần dân nhất, trực tiếp quản lý địa bàn dân cư, làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Do vậy, bên cạnh việc sắp xếp bộ máy tổ chức, cải tiến chế độ đãi ngộ, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự sâu sát, kịp thời nhằm quản lý tốt xã hội, nhất là trên lĩnh vực đất đai, xây dựng và môi trường./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết