Tiếng Việt | English

24/01/2018 - 13:48

Cận Tết Nguyên đán, ngăn ngừa xảy ra đình công, lãn công

Trong cuộc họp đánh giá giải quyết đình công, lãn công năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ 2018, một số ngành, chính quyền địa phương dự báo: Thời điểm cận Tết Nguyên đán, đình công, lãn công trong doanh nghiệp (DN) có nguy cơ dễ xảy ra. Theo đó, UBND tỉnh Long An yêu cầu các ngành, địa phương kịp thời phát hiện những dấu hiệu đình công, lãn công nhằm ngăn ngừa, đồng thời tìm hiểu rõ nguyên nhân, chủ động giải quyết tốt.

Một vụ công nhân đình công trong tháng 01/2018

Vì không thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người lao động

Tỉnh có 28 khu công nghiệp (16 khu đưa vào hoạt động) thu hút hơn 11.400 dự án đầu tư và 17 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút 512 dự án. Theo thống kê, có 9.510 DN, thu hút 281.000 lao động, trong đó, lao động nhập cư chiếm gần 25%. Từ ngày 15/11/2016 đến 15/11/2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 45 vụ đình công, lãn công tự phát tại 39 DN, hơn 18.300 công nhân tham gia, trong đó, DN đang hoạt động trong khu công nghiệp chiếm 63% (19 DN).

Địa phương xảy ra đình công, lãn công nhiều nhất là Đức Hòa (20 DN), Bến Lức (11 DN), Thủ Thừa (8 DN). đình công, lãn công xảy ra tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 69,23% (27 DN). Lĩnh vực xảy ra đình công, lãn công nhiều nhất là DN sản xuất may mặc, da giày, túi xách với gần 59% (23 DN).

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Hoa Thanh Niên, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đình công, lãn công là vì quyền và lợi ích của người lao động chưa được bảo đảm, một số DN chưa chấp hành tốt quy định pháp luật về lao động, chậm trả lương, phụ cấp; chưa thực hiện tốt quy chế đối thoại tại nơi làm việc; chưa kịp thời điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng; không thực hiện đúng các quy định về hợp đồng lao động, kéo dài thời gian thử việc, chưa thực hiện đúng chế độ nghỉ phép hàng năm, phụ cấp tiền độc hại và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa hợp lý.

Song song đó, trong hoạt động điều hành, một số nhân viên quản lý là người nước ngoài trong DN có vốn đầu tư nước ngoài còn hà khắc với người lao động, tăng ca vượt quy định. Mặt khác, một số DN chưa chăm lo tốt bữa ăn cho công nhân; thực hiện an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm còn hạn chế.

“Ngoài những nguyên nhân trên còn do người lao động so sánh lương giữa DN này với DN khác; sự hiểu biết và nhận thức của người lao động đối với các quy định pháp luật về chính sách lao động còn hạn chế nên có những đòi hỏi không đúng dẫn đến đình công, lãn công” - ông Hoa Thanh Niên cho biết thêm.

Bị động, lúng túng trong giải quyết đình công, lãn công

So với năm 2016, đình công, lãn công giảm 6 vụ, giảm khoảng 4.000 công nhân tham gia. Đa số vụ đình công, lãn công trong năm có quy mô nhỏ, từ vài chục đến vài trăm người tham gia, không có những hành động quá khích đập phá, gây rối, ảnh hưởng tình hình an ninh, trật tự.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, khi xảy ra đình công, lãn công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Thường trực Ban Chỉ đạo giải quyết đình công, lãn công) chủ trì phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế, Công an tỉnh và UBND một số địa phương tham gia giải quyết. Tổ công tác liên ngành cấp huyện cũng có mặt kịp thời để hỗ trợ DN và người lao động, hướng dẫn các bên thương lượng, đối thoại giải quyết các kiến nghị của người lao động; đồng thời, tuyên truyền, vận động công nhân trở lại làm việc.

Trong cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về ngăn ngừa, giải quyết đình công, lãn công do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, nhiều đại biểu nêu một số hạn chế. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Hoa Thanh Niên nói: “Trong giải quyết các vụ đình công, lãn công năm 2017, sự phối hợp giữa các ngành, chính quyền địa phương có lúc còn lúng túng, bị động. Một số cán bộ quản lý của DN giải thích về chế độ, chính sách cho người lao động chưa thỏa đáng, chưa thuyết phục nên người lao động không đồng tình. Một số DN thiếu hợp tác dẫn đến đình công, lãn công kéo dài”.

Còn Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Nguyễn Văn Quí cho rằng: “Công tác phối hợp của Công đoàn cơ sở tại một số DN còn chậm. Khi xảy ra đình công, lãn công, Công đoàn chưa làm tốt vai trò cầu nối giữa chủ DN và người lao động, chậm thông tin đến chính quyền địa phương và ngành chức năng”. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, hoạt động của ban chỉ đạo liên ngành giải quyết đình công trên địa bàn tỉnh hạn chế vì chưa được hỗ trợ kinh phí.

Cận Tết, đình công, lãn công dễ xảy ra

Thời gian tới, đặc biệt là thời điểm cận Tết Nguyên đán, các địa phương có nhiều DN đang hoạt động luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra đình công, lãn công. “Một trong những nguyên nhân dễ xảy ra đình công, lãn công trong thời điểm này là công nhân yêu cầu tăng lương tối thiểu vùng, tiền thưởng. Vì vậy, địa phương chủ động nắm bắt tình hình để kịp thời báo về huyện có giải pháp ngăn ngừa nếu xảy ra đình công, lãn công; đồng thời phối hợp Liên đoàn Lao động, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an huyện nắm tình hình an ninh trong công nhân, tuyên truyền pháp luật về lao động, các chế độ, chính sách cho người lao động trong DN” - Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Hạ - Hồ Thanh Liêm thông tin.

Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho biết: “Huyện chủ động nắm tình hình thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động của các DN, hầu hết DN cam kết thực hiện tốt quy định. Tuy nhiên, qua rà soát, có 2 DN tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đình công, lãn công. Theo đó, huyện đặc biệt quan tâm nắm bắt tình hình ở những DN này nhằm kịp thời phát hiện nếu có dấu hiệu đình công, lãn công”.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Hoa Thanh Niên, thời gian gần đây, đình công, lãn công có dấu hiệu tăng. Chỉ từ tháng 12-2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ đình công ở DN FDI, gần 4.700 công nhân tham gia. “Nổi cộm nhất là từ ngày 02 đến 07-01-2018, khoảng 2.000 công nhân Cty TNHH JS Vina ở Khu công nghiệp Long Hậu Hòa Bình, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa đình công yêu cầu DN thông báo tiền thưởng tết, thời gian nghỉ tết và tăng mức lương tối thiểu vùng”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được yêu cầu, các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật về lao động trong DN; tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách lao động; thực hiện tốt đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước - doanh nghiệp - người lao động; kịp thời nắm bắt, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng xấu, lợi dụng đình công để kích động, chống phá; tiếp tục đổi mới hoạt động công đoàn cơ sở trong DN; tổ chức tốt các hoạt động vui tết trong công nhân; kịp thời nắm bắt những dấu hiệu đình công, lãn công để ngăn ngừa, chủ động giải quyết tốt vụ việc, không để ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa bàn và môi trường đầu tư của tỉnh./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết