Tiếng Việt | English

12/11/2015 - 19:33

Cần thay đổi tư duy sản xuất, chế biến và thương mại gạo Việt

Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là cần thiết và cấp bách để nâng cao chất lượng, vị thế, giá trị của gạo Việt Nam trên thị trường.

Tại Diễn đàn chính sách nông nghiệp thường niên mới đây, nhiều chuyên gia đặt vấn đề lo lắng về vị thế của hạt gạo Việt trên thị trường, giá trị mà hạt gạo mang lại cho người nông dân. Khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tìm cách xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là cần thiết và cấp bách để nâng cao chất lượng, thương hiệu, vị thế của gạo Việt Nam trên thị trường.

Lượng nhiều, không thương hiệu, giá trị ít

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt câu hỏi: Việt Nam xuất khẩu gạo được 3 tỷ USD, nhưng người dân nước ta cũng chi ra 3 tỷ USD để uống bia. Vậy bao nhiêu công sức của hàng triệu nông dân vật lộn với ruộng đồng làm ra gạo chỉ đáng ngang tiền uống bia, như thế có đáng không?

Nông dân Việt Nam làm ra nhiều lúa gạo nhưng lợi nhuận thu được chưa nhiều (Ảnh minh họa: KT)

Bà Lan dự báo: ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi bước vào hội nhập. Nhưng nhìn lại thực tế, bà Lan thể hiện rõ sự lo lắng và thẳng thắn: Nước ta vẫn đang có tình trạng mải miết sung sướng với thành tích số lượng mà không quan tâm đến chất lượng, giá trị mang lại. Bởi nước ta vẫn tự hào có thứ hạng cao về xuất khẩu một số mặt hàng như gạo, cà phê, điều, hồ tiêu… Nhưng thứ hạng cao đó vẫn chỉ là về số lượng còn vấn đề cần đặt ra là thứ hạng cao nhưng giá trị thực thu về cho nền kinh tế, cho người nông dân là bao nhiêu?

Lo lắng của chuyên gia Phạm Chi Lan rất có cơ sở. Vì nước ta đang là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, chỉ sau Thái Lan và Ấn Độ. Sản lượng xuất khẩu bình quân những năm gần đây từ 6 - 8 triệu tấn/năm, nhưng chủ yếu xuất khẩu dạng thô, giá trị kinh tế thấp; chủ yếu tập trung ở phân khúc thị trường thấp, dòng sản phẩm trung bình, còn phân khúc thị trường chất lượng cao mới chỉ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng xuất khẩu; vẫn lép vế về thị phần và giá trị trên thị trường gạo thế giới. Đặc biệt, đối với các thị trường gạo khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… gạo Việt Nam vẫn đứng trong danh sách dự bị.

TS. Đào Thế Anh (Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm) cũng chỉ ra thêm thực trạng đáng buồn cho hạt gạo Việt khi mà xuất khẩu tới trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng tới nay vẫn chưa có thương hiệu gạo mang tên Việt Nam. Gạo Việt Nam chủ yếu đóng bao và mang nhãn hàng của doanh nghiệp hay quốc gia nhập khẩu. Thậm chí, ngay tại thị trường trong nước, gạo Việt Nam bị đánh giá thấp hơn gạo nhập khẩu từ Thái Lan, Camphuchia, Đài loan, Nhật Bản…

Cần làm mới hình ảnh gạo Việt

Theo phân tích của ông Đào Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), thực trạng trên xuất phát từ việc nước ta đã chọn hướng tiếp cận sản phẩm gạo theo số lượng, nông dân chủ yếu sản xuất theo hướng thụ động, cứ giống nào giá cao thì sản xuất, thường không tính trước được sản phẩm làm ra sẽ bán đi đâu. Điều này khiến ngay cả tại thị trường nội địa, gạo Việt cũng bị… chìm.

Gạo Việt xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc
Năm 2014, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 6,3 triệu tấn, với tổng trị giá 2,93 tỷ USD. Giá gạo của Việt Nam thường bán ở mức khoảng 345 USD/tấn, trong khi loại gạo tương đương của Ấn Độ là 365 USD/tấn, Myanmar là 420 USD/tấn và Campuchia là 425 USD/tấn. Trong khi gạo trắng hạt dài cấp thấp của Campuchia có giá 410 USD/tấn, giá gạo Việt Nam cùng loại dừng ở mức 340 USD/tấn. Sự chênh lệch này cho thấy sự thua kém về chất lượng và giá trị của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Khối lượng gạo xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2015 ước đạt 5,32 triệu tấn và 2,26 tỷ USD, giảm 4,6% về khối lượng và giảm 11,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng qua là 428,69 USD/tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2014.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Vì thế, theo ông Huấn, nước ta cần khẩn trương tái định vị và làm mới hình ảnh của gạo Việt Nam trong lòng người tiêu dùng. Yêu cầu cấp bách là xây dựng thương hiệu gạo quốc gia với những tiêu chuẩn cụ thể, được quản lý nghiêm ngặt gắn với chuỗi giá trị khép kín và ổn định.
Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai. Trong đó nêu rõ quan điểm xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam phải gắn với chuỗi giá trị, bảo đảm phát triển bền vững; định vị tạo dựng hình ảnh, duy trì lòng tin người tiêu dùng bằng uy tín của doanh nghiệp, sản phẩm và sự bảo đảm của Nhà nước; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tiếp cận vào phân khúc thị trường chất lượng cao, duy trì và giữ vững thị trường truyền thống. Theo đó, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ bằng chính sách và các hoạt động quảng bá, giới thiệu trong và ngoài nước; và các doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng, sử dụng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam.

Theo ông Huấn, trong bối cảnh nhiều hiệp định tự do thương mại quan trọng đã, đang và sẽ được ký kết sẽ đem đến không chỉ cơ hội mà còn có không ít thách thức cho ngành lúa gạo, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo càng cần được thực hiện quyết liệt hơn. Muốn xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt, phải thay đổi tư duy sản xuất, chế biến và thương mại. Đó là, doanh nghiệp phải được coi trọng là tác nhân nền tảng để tổ chức sản xuất, tìm kiếm và phát triển thị trường. Nhà nước hỗ trợ chính sách, tạo ra môi trường để doanh nghiệp chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, cần nhận thức và thực hành tư duy theo hướng “trong cạnh tranh, người thắng không phải là người bán được số lượng nhiều, quan trọng hơn là giá trị thu được, niềm tin của khách hàng và sự ổn định của giá trị, niềm tin đó. Nếu gạo Việt Nam có chất lượng, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm, niềm tin, giá trị sẽ theo đó dần tăng”- ông Huấn nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia đề nghị phải: định vị rõ về sản phẩm, bao gồm cả về giống, chất lượng, nguồn gốc và quy trình sản xuất; có các tiêu chuẩn cụ thể lựa chọn giống mang thương hiệu gạo Việt Nam; xây dựng và duy trì hình ảnh thương hiệu này qua các sản phẩm cụ thể.

Về lâu dài, muốn xây dựng thành công và duy trì vị thế thương hiệu gạo Việt trên thị trường, cần quan tâm đến công tác hậu cần (logistics), đặc biệt là xây dựng trung tâm kiểm định chất lượng gạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Trung tâm này sẽ là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian và tiếp cận tốt hơn các thị trường; hỗ trợ các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá khách quan, khoa học./.

Xuân Thân/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết