Tiếng Việt | English

22/04/2020 - 10:45

Cẩn trọng vẫn hơn!

Sau 15 ngày thực hiện cách ly xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19, cả nước ghi nhận 60 ca nhiễm mới. Trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, số ca nhiễm mỗi ngày dao động từ 9-11 ca, sau đó giảm còn 1-5 ca. Trong khi đó, số bệnh nhân được chữa khỏi liên tục tăng. Đến nay, cả nước có 214/268 trường hợp nhiễm Covid-19 được chữa khỏi và trong 5 ngày liên tiếp (từ 17 đến 21-4-2020),

Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới. Những con số này phần nào phản ánh kết quả thực hiện cách ly xã hội từ ngày 01-4 theo tinh thần Chỉ thị 16. Với dân số đông, đường biên giới dài và là một trong những nước đầu tiên xảy ra dịch Covid-19, Việt Nam được đánh giá là nước có nguy cơ bùng phát dịch nhưng đến nay, chúng ta vẫn kiểm soát được tình hình và là số ít quốc gia có trên 200 bệnh nhân mà chưa có trường hợp tử vong vì dịch bệnh.

Sau nửa tháng thực hiện Chỉ thị 16, nhiều địa phương thuộc nhóm “nguy cơ cao” tiếp tục gia hạn thời gian giãn cách thêm 1-2 tuần, tùy theo tình hình thực tế. Một số địa phương thuộc nhóm “có nguy cơ” và “có nguy cơ thấp” vẫn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Việc tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội của người dân được xem là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của công tác phòng, chống dịch bệnh. Chúng ta đã tận dụng được thời điểm “vàng” để khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nên không được chủ quan, lơ là. Phòng, chống dịch Covid-19, rất cần sự chung tay của người dân trong việc chấp hành tốt các quy định trong khai báo y tế khi trở về từ vùng dịch hay có tiếp xúc với các trường hợp nghi nhiễm bệnh. Bài học kinh nghiệm từ bệnh nhân 17 và bệnh nhân 34 cho thấy, chính việc khai báo thiếu trung thực đã khiến vi-rút SARS-CoV-2 lây lan sang một số người khác và gây khó khăn trong việc khoanh vùng, xác định các trường hợp đã từng tiếp xúc với bệnh nhân.

Tiếp tục giãn cách xã hội là điều cần thiết dẫu biết rằng sẽ có nhiều người, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là những lao động phổ thông, người buôn bán nhỏ. Nhưng trong tình hình hiện nay, chúng ta phải chấp nhận hy sinh một phần kinh tế vì sự an toàn sức khỏe của mỗi người. Đến thời điểm này, trong “cuộc chiến” với “giặc” Covid-19, Việt Nam đã chiến thắng trên chừng chặng đường. Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, hệ thống y tế chưa hiện đại nhưng chúng ta kiểm soát được tình hình và từng bước khống chế dịch bệnh. Song song với công tác phòng, chống dịch, việc chăm lo đời sống người dân được Đảng, nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong lúc ngân sách eo hẹp, phải tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống dịch, Quốc hội và Chính phủ vẫn quyết định chi hơn 62.000 tỉ đồng hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, cộng đồng cùng vào cuộc, người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít cùng hỗ trợ những lao động nghèo, người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vượt qua khó khăn.

Giãn cách xã hội không chỉ là phương pháp chống dịch hiệu quả mà còn khẳng định tinh thần đoàn kết toàn dân tộc đã được phát huy một cách mạnh mẽ trong lúc đất nước gặp khó khăn. Việc kéo dài thời gian giãn cách nhằm kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, tránh những thiệt hại nặng nề khi dịch bệnh bùng phát. Chúng ta đã chiến thắng ở từng chặng đường nên càng phải cố gắng hơn nữa, chung sức, đồng lòng trong “cuộc chiến” chống “giặc” Covid-19. Chúng ta có quyền hy vọng và cùng chung niềm tin chiến thắng vào một ngày không xa!

Anh Túc

Chia sẻ bài viết