Tiếng Việt | English

07/06/2017 - 19:45

Cần xem xét, cân nhắc kỹ hơn trong xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

Ngày 07/6, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An đóng góp các nội dung dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung

Đại biểu thống nhất cao việc cần thiết Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD, làm cơ sở pháp lý để có cơ chế đặc thù, đủ mạnh giải cứu nợ xấu, tạo lập môi trường hoạt động minh bạch trong xử lý nợ xấu của các TCTD. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc một số vấn đề trong nội dung của dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD như sau:

* Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm (điều 7)

Đại biểu cho rằng, quy định này chỉ phù hợp và khả thi khi người thế chấp tài sản bảo đảm cho các TCTD đồng ý cho các TCTD thu giữ tài sản bảo đảm nhưng trong trường hợp họ không đồng ý thì việc các TCTD đơn phương tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm sẽ phát sinh 2 vấn đề:

- Tính hợp Hiến: Hiến pháp 2013, tại Điều 22, Điều 32, quy định về quyền sở hữu, quyền sử dụng và theo Bộ Luật Dân sự 2015 (Điều 106), quy định về đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu đối với tài sản là bất động sản, động sản và việc đăng ký tài sản này phải được thực hiện công khai, đúng pháp luật.

Như vậy, quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản thế chấp được xác lập cho bên bảo đảm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định xác lập theo quy định và khi ký kết hợp đồng thế chấp cho các TCTD thì tài sản bảo đảm lúc này dù cho các TCTD có cầm giữ tài sản, nắm giữ các giấy tờ đăng ký hay giấy chứng nhận thì các quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản làm tài sản bảo đảm này vẫn được pháp luật xác lập cho người, tổ chức thế chấp.

Do đó, khi tài sản bảo đảm bị TCTD đơn phương thu giữ trong trường hợp người bảo đảm không đồng ý là các TCTD xâm phạm các quyền về chỗ ở, quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Ở đây cần phân biệt việc các TCTD đơn phương thu giữ tài sản bảo đảm về tính chất là khác hoàn toàn với việc tịch thu phương tiện, tang vật trong xử lý vi phạm hành chính.

- Tính khả thi: Tại Điều 7, dự thảo có 5 khoản quy định về quyền và trình tự thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm của các TCTD, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua, bán xử lý nợ xấu trong trường hợp bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm.
Như vậy, quy định của dự thảo chưa chặt chẽ từ thủ tục thông báo (nơi thông báo, đối tượng gửi thông báo, cách thức gửi thông báo) đến quy định thu giữ, xử lý tài sản (cách thức thu giữ, xử lý tài sản thu giữ) phát sinh khi thực hiện thu giữ.
Đại biểu đề nghị, cần có giải pháp cụ thể hơn, đừng để tạo ra một cơ chế pháp lý đặc thù để giải cứu nợ xấu của các TCTD với những quy định chưa phù hợp, chưa chặt chẽ.
* Về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (Điều 10)

Đại biểu đề nghị, xem xét lại quy định về số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu,... Bởi vì chưa phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Hiến pháp nước CHXHCNVN, pháp luật của Nhà nước được cụ thể hóa tại Bộ Luật Dân sự, Luật Thi hành án dân sự,...

Thứ tự các nghĩa vụ đầu tiên phải ưu tiên thực hiện khi xử lý tài sản dù những nghĩa vụ này không có bảo đảm của bên ký kết thế chấp với các TCTD bao gồm: Tiền cấp dưỡng, tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần,...

Nếu ưu tiên thanh toán nợ cho các TCTD thì sẽ xảy ra trường hợp các nghĩa vụ nêu trên sẽ không được thực hiện, lúc này các quyền của người dân được Hiến pháp quy định tương ứng với các nghĩa vụ nêu trên sẽ không được đảm bảo thực hiện đúng, đủ./.

Kim Hoa 

(VP ĐĐBQH)

Chia sẻ bài viết