Tiếng Việt | English

17/10/2016 - 13:43

Cảng Quốc tế Long An đi vào hoạt động sẽ tăng động lực phát triển kinh tế vùng

Cảng Quốc tế Long An (QTLA) nằm bên sông Soài Rạp, thuộc xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc đang khẩn trương hoàn thành các hạng mục cuối của giai đoạn 1, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2016. Với diện tích 147ha, Cảng QTLA tự tin là một trong những cảng biển có quy mô lớn nhất tại khu vực miền Nam. Bên cạnh đó, với lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi khi nằm ở bản lề giữa Đông và Tây Nam bộ, ngoài việc sẽ giúp giảm tải tại các cụm cảng trung tâm của TP. HCM, Cảng QTLA sẽ tạo “cú hích” cho phát triển kinh tế-xã hội không chỉ riêng tỉnh Long An mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), góp phần giúp vùng đất “chín rồng” chuyển mình vươn ra thế giới.

Cán bộ, nhân viên công ty đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công dự án

Để kịp thời đưa Cảng QTLA đi vào hoạt động theo đúng tiến độ đề ra, hàng trăm kỹ sư, công nhân tại đây đã và đang ngày đêm khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các hạng mục quan trọng: Đường dẫn từ Đường tỉnh 19 vào cảng xong phần nền hạ, đang chuẩn bị thảm nhựa; 2 nhà kho có diện tích trên 25.000m2 dựng xong khung thép, đang chuẩn bị lợp mái; nhà cảng vụ, phòng kiểm hóa, khu làm thủ tục xuất nhập khẩu,... đang hoàn thiện những khâu cuối cùng.

Bên cạnh đó, cầu cảng số 1 dài 210m với cẩu trục 40 tấn của Cảng QTLA hoàn thành, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 30.000DWT. Song song đó, cầu cảng số 2 cũng đang được tiến hành xây dựng và khi hoàn thành sẽ kéo dài cầu cảng lên 420m, nâng tải trọng tàu có thể tiếp nhận lên đến 50.000DWT. Công suất khai thác của Cảng QTLA dự kiến trong giai đoạn 1 này là 2,5 triệu tấn/năm, sau đó sẽ nâng lên 9,3 triệu tấn/năm,...

Cảng QTLA với phương châm hoạt động hướng đến việc cung cấp một giải pháp trọn gói về hàng hóa xuất-nhập vào Việt Nam và ra thế giới, trong đó, cảng là một trong các mắt xích của hệ thống logistics bao gồm các dịch vụ về giao nhận, cho thuê kho bãi, vận tải đa phương thức, đại lý cước quốc tế cho đến khai quan,... Vì vậy, Cảng QTLA không chỉ cung cấp các dịch vụ cảng đơn thuần mà còn cung cấp các dịch vụ trọn gói về logistics, mang đến những giá trị gia tăng cho khách. Trở thành đối tác của cảng hệ thống logistics, khách hàng sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, hưởng nhiều ưu đãi và tối ưu hóa được lợi nhuận.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Đỗ Hữu Lâm trong lần đến thăm công trình vào đầu tháng 9-2016 cho rằng: “Cảng QTLA có diện tích 147ha, là “hạt nhân” của cụm dự án cảng quốc tế - khu công nghiệp - khu đô thị mới - khu dịch vụ công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch gần 2.000ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỉ USD. Sông Soài Rạp vừa thông ra biển, vừa gắn với những con sông lớn trong vùng, từ đó kết nối với hệ thống sông, rạch trên địa bàn tỉnh Long An và khu vực ĐBSCL. Khi hoàn thành, cảng sẽ đáp ứng nhu cầu về xuất nhập khẩu các loại hàng hóa cần thiết bằng đường biển, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH không chỉ cho tỉnh Long An, mà cả vùng ĐBSCL”.

Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Nguyễn Văn Thiệp chia sẻ về ý nghĩa, giá trị của Cảng QTLA: “Tỉnh Long An với hàng chục khu công nghiệp đang hoạt động, có lượng hàng hóa xuất khẩu rất lớn. Lượng nông, thủy sản, trái cây xuất khẩu của Long An và các tỉnh lân cận cũng rất lớn.

Cần cẩu trục tại Cảng Quốc tế Long AnDo hệ thống cảng sông, cảng biển vùng ĐBSCL chưa phát triển, vì vậy, 70-80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL phải đưa về cụm cảng TP.HCM bằng đường bộ. Điều này làm tăng áp lực giao thông đường bộ trên Quốc lộ 1 và tại TP.HCM, thường xuyên gây ra tình trạng kẹt xe. Chi phí hàng hóa từ đó tăng cao 7-10 USD/tấn (chi phí vận chuyển và lưu kho). Thời gian vận chuyển kéo dài, bất lợi đối với hàng nông sản và giảm lợi thế cạnh tranh của nông sản hàng hóa ở ĐBSCL.

Cảng QTLA đi vào hoạt động sẽ là nơi tập trung hàng hóa xuất nhập khẩu toàn vùng. Hạt gạo cũng như hàng nông, thủy, hải sản trước đây đi lên TP.HCM để đến các nước, sau này qua Cảng QTLA bằng đường bộ và đường sông đều rất thuận lợi. Cảng QTLA mang đến lợi ích đầu tiên là giảm bớt chi phí và thời gian vận chuyển, nâng cao sức mạnh cạnh tranh cho hàng hóa vùng ĐBSCL. Lợi ích thứ hai là khai thác được các tuyến đường sông của toàn vùng. Lợi ích thứ ba là giảm áp lực giao thông đường bộ về TP.HCM”. Cũng theo ông Thiệp: “Hệ thống đường kết nối với Cảng QTLA đã hoàn tất. Hiện Long An đang chuẩn bị mở rộng, nâng cấp hệ thống đường để đáp ứng giai đoạn 2 của dự án cảng”./.

Thủy Vũ

Chia sẻ bài viết