Tiếng Việt | English

21/06/2015 - 16:03

Căng thẳng Nga- Mỹ sẽ không dẫn đến chiến tranh hạt nhân

Việc Nga bổ sung 40 quả tên lửa đạn đạo để đối phó với việc Mỹ đưa vũ khí sang các nước Đông Âu không có nghĩa chiến tranh hạt nhân sắp xảy ra.

Theo RT, đây là lời khẳng định được Tổng thống Nga Putin đưa ra trong cuộc gặp với lãnh đạo các cơ quan thông tấn quốc tế đêm 20/6 bên lề Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg.

Theo ông Putin, việc tăng thêm số tên lửa đạn đạo chỉ là để bảo vệ Nga và nhằm phản ứng với những mối đe dọa từ phương Tây trong bối cảnh Lầu Năm Góc được cho là sẽ đưa thêm nhiều loại vũ khí hạng nặng như xe tăng và pháo sang các nước Đông Âu sát biên giới với Nga. 

Tổng thống Nga Putin (Ảnh RIA)

Washington đã lên tiếng cho rằng động thái này là nhằm bảo vệ các đồng minh NATO trước một “nước Nga hiếu chiến”.

Để đáp lại, ông Putin khẳng định: “Nga không phải là kẻ xâm lược và không muốn làm leo thang căng thẳng nhưng Nga buộc phải phản ứng trước những hành động của phương Tây nhằm vào Nga”.

“Việc gia tăng giọng điệu gay gắt giữa Nga và Mỹ không có nghĩa là thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ đối đầu hạt nhân”, ông Putin khẳng định.

Liên quan đến Hội nghị Thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Đức vừa qua, nơi Thủ tướng Canada Stephen Harper khẳng định Nga không được chào đón tại Hội nghị, ông Putin nhấn mạnh, ông Harper chỉ nói những lời mà Washington “mớm cho”.

“Tôi không có ý xúc phạm ai, nhưng nếu Mỹ nói rằng Nga nên quay trở lại G8 thì Tổng thống Canada sẽ thay đổi giọng điệu của mình ngay”, ông Putin tuyên bố.

Tổng thống Nga cũng nhắc lại lời kêu gọi các cường quốc phương Tây cần gây sức ép buộc Ukraine phải tuân thủ thỏa thuận Minsk được cho là đã bị vi phạm liên tục trong vài tuần qua.

Ông Putin cũng cho rằng, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cần ngừng ngay việc phong tỏa kinh tế miền Đông Ukraine, thực thi cải cách Hiến pháp cũng như tiến hành bầu cử tại Lugansk và Donetsk.

Tổng thống Nga cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng Nga đang đưa quân và vũ khí đến miền Đông Ukraine. Ông Putin khẳng định, một khi Kiev dừng việc sử dụng vũ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng và quay lại tìm ra một giải pháp chính trị cho vấn đề này thì phe đối lập không cần phải cầm vũ khí để bảo vệ mình./.

Trần Khánh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết