Tiếng Việt | English

27/06/2015 - 10:06

Canh khổ qua rừng

Khổ qua rừng dùng làm rau ăn hoặc nấu nước uống đều tốt cho sức khỏe con người. Theo Đông y, khổ qua rừng có tính hàn, vị đắng, không độc, là một bài thuốc dân gian trị nhiều chứng bệnh, đặc biệt là bệnh tiểu đường.

Khổ qua rừng mọc hoang dại khắp các vùng rừng núi. Lá, dây, quả khổ qua rừng thường nhỏ hơn và đắng hơn khổ qua nhà. Nhiều người sợ đắng nên thường đem lá khổ qua rừng bóp với muối và rửa sạch trước khi nấu. Có người lại thích vị đắng đậm đà nguyên chất của nó.
Khi nấu canh, nhiều người thường chọn lá khổ qua rừng hơn chọn quả. Bởi, lá khổ qua rừng khi nấu chín ăn có hương vị ngọt đắng dịu dịu. Có nhiều món ăn bổ mát được chế biến từ lá khổ qua rừng như: xào, luộc, ăn sống,… nhưng độc đáo nhất vẫn là nấu canh với thịt ba chỉ băm nhỏ.

Để có nồi canh ngọt mát, người nội trợ phải chọn hái những lá non và đọt non, khi nấu canh ăn rất thanh đậm từ nơi đầu lưỡi đến cổ họng.
Cách chế biến món này khá đơn giản. Hái lá khổ qua rừng đem về rửa sạch, dùng dao xắt nhỏ như rau nêm chờ chế biến. Thịt ba chỉ mua về rửa sạch, thái mỏng, băm nhỏ. Bắc nồi lên bếp phi dầu ăn, cho thịt đã băm vào nồi tao chín, đổ nước vào nồi thịt vừa tao sao cho vừa đủ ăn, nêm mếm gia vị. Lá khổ qua rừng chín rất nhanh.

Vì vậy, khi nồi nước sôi lên vài dạo, cho lá khổ qua vào, chờ nồi nước bắt đầu sôi lại, tắt bếp nhấc xuống là có ngay nồi canh tuyệt hảo. Đôi khi chán thịt, nhiều người cũng hay nấu nồi canh nguyên chất đậm đà, chỉ với lá khổ qua rừng, nước và bột nêm.
Ăn canh khổ qua rừng ngon nhất là lúc còn nóng, chỉ cần húp một bát canh như thế, cơ thể con người phần nào giải nhiệt, như được “mát xa” từ bên trong.

Ngô Mã Thiên/ Vĩnh Long Online

Chia sẻ bài viết
  • Bạn nào biết Ở đâu bỏ sỉ khổ qua rừng trái tươi và đọt thì chỉ giúp mình nhé. Mình muốn kinh doanh mặt hàng này.

    Nguyễn Lan - Cách đây 9 năm