Tiếng Việt | English

15/01/2019 - 10:36

Cao cả những tấm lòng

Trung úy Trần Văn Cảnh trong giờ lên lớp

Trung úy Trần Văn Cảnh (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) trong giờ lên lớp

Bông hoa nhỏ trên bàn làm việc

Lớp học tình thương dành cho con công nhân trên địa bàn thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An tồn tại đã lâu. Lớp là căn phòng nhỏ trong dãy phòng trọ của một người dân thị trấn. Lớp có khoảng 20 học sinh theo học cả 5 khối lớp. Ngoài 1 giáo viên về hưu phụ trách chính, lớp còn có 2 thầy giáo trẻ mang quân hàm xanh.

Chưa một lần học qua trường lớp nào về sư phạm nhưng Trung úy Trần Văn Cảnh (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Bến Lức) đã có 2 năm kinh nghiệm làm thầy giáo. Ngày ngày, chú bộ đội biên phòng trở thành thầy giáo dạy đánh vần, tập viết, dạy toán cộng, trừ cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhiệm vụ dạy các em đọc, viết và làm tính có vẻ nhẹ nhàng, nhưng thực tế không phải vậy! Chỉ khoảng 20 học sinh nhưng có tới 5 lớp. Mỗi lớp một vài em, học cùng giờ, chung phòng học nên thầy gần như phải kềm cặp từng em. Trong lớp học đặc biệt ấy, thầy giáo phải thật “đa năng” và có “tinh thần thép”, bởi học trò nhiều khi nghịch ngợm nhưng lại vô cùng nhạy cảm.

Trung úy Cảnh cho biết, khó khăn khi đứng lớp không hề ít, nhưng anh không sợ. Điều anh sợ nhất là… nước mắt của học trò! Nếu học sinh nghịch ngợm, không chú ý, thầy có cách khuyên răn, nhắc nhở nhưng học trò òa khóc thì thầy không biết dỗ làm sao. Và “bí quyết” của thầy giáo trung úy chính là: “Gì thì gì cũng chỉ khuyên bảo nhẹ nhàng, nghiêm khắc nhưng phải vui vẻ. Vậy thì mấy em mới nghe lời mình, chăm chỉ học hành, lễ phép và cư xử đúng mực. Ở lớp học này, chúng tôi không chỉ dạy các em kiến thức mà còn răn dạy cách sống, chuẩn mực đạo đức để các em làm hành trang vào đời”.

Trăn trở, ước mong của người thầy là vậy nên dù nắng hay mưa, dù học trò đông hay ít thì thầy giáo cũng không dám vắng buổi dạy nào và mỗi tiết dạy đều phải được chuẩn bị kỹ. Không học qua trường sư phạm, thầy Cảnh học qua Internet, đọc trước sách giáo khoa, sách hướng dẫn, học kinh nghiệm từ thầy, cô giáo khác và thỉnh thoảng “cầu cứu” bà xã trong những tình huống cấp bách.

Kể về điều đó, Trung úy Cảnh cười: “Vợ tôi là giáo viên nên nhiều khi đang dạy gặp câu hỏi khó của học sinh hay gặp tình huống khó xử trong lớp học, tôi phải ra ngoài gọi điện thoại cho vợ để nhờ giúp đỡ”.

Khó khăn chắc chắn là nhiều nhưng niềm vui cũng không hề ít. Những “vòi vĩnh” đáng yêu của học trò, những đóa hoa tự làm tặng thầy nhân ngày 20-11,... là kỷ niệm khó quên với người thầy giáo có ngôi sao vàng trên mũ. Và trên bàn làm việc của Trung úy Cảnh lúc nào cũng cắm những đóa hồng do học trò làm tặng nhân ngày nhà giáo.

Xin phép tham gia một buổi học do thầy Cảnh đứng lớp, chúng tôi mới cảm nhận rõ sự gắn bó giữa thầy giáo biên phòng và học sinh của lớp. Nghiêm khắc nhưng luôn hòa đồng, học sinh lễ phép, lanh lợi, gắn bó và gần gũi với thầy. Cách mà thầy Cảnh đối xử với học trò như cách một người anh đối với những đứa em nhỏ của mình. Họ như một gia đình hơn là lớp học tình thương!

“Chiến trường còn không sợ, lẽ nào sợ bọn cướp!”

Đó là lời khẳng định của cựu chiến binh Võ Văn Ba, ngụ xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức. Khi còn trẻ, chú Ba phục vụ trong quân ngũ, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia những năm 1979. Từ khi xuất ngũ, chú Ba vẫn xem thời gian được chiến đấu bên đồng đội là những tháng ngày đẹp nhất. Trong căn nhà nhỏ của người cựu chiến binh, có một góc “cất giữ ký ức”. Nơi ấy có bức ảnh Bác, chiếc nón keppi cùng bộ quân hàm được giữ gìn cẩn thận trong túi nylon để tránh bụi.

Dù đã xuất ngũ trở về cuộc sống đời thường, chú Ba vẫn giữ cho mình sự dũng cảm của người lính cùng tấm lòng hết mình vì người khác. Chú tham gia đội dân phòng ở địa phương, không ít lần phối hợp công an, dân phòng bắt cướp.

Chú kể: “Mới cách đây hơn 1 tháng, có một tên cướp xe của dân khu này, nghe điện thoại là tui với anh em đi liền. Rượt một hồi cũng bắt được. Trong túi nó còn có cây kim tiêm”. Khi chúng tôi hỏi, chú không sợ bất trắc trong những lần như vậy hay sao, chú chỉ cười: “Chiến trường còn không sợ, lẽ nào sợ bọn cướp! Mình mà để nó chạy thoát, nó lại đi cướp của người khác”.

Chú mang suy nghĩ luôn vì người khác vào từng hành động trong cuộc sống đời thường. Nhà ngay cạnh đường giao thông chính của địa phương, không ít lần chú thấy người qua đường gặp tai nạn. Không cần ai bảo, chú tận tình cùng người dân xung quanh giúp đỡ đưa nạn nhân đi bệnh viện. Chú cũng nhiều lần cùng người dân bảo vệ hiện trường, giúp cơ quan chức năng dễ dàng hơn trong việc điều tra.

Đường sử dụng lâu năm nên có ổ voi, ổ gà, mưa đến là ngập khiến người đi đường qua lại khó khăn. Thấy vậy, chú Ba lầm lũi lấy cát, đá, xi măng đi lấp ổ gà trên đường. Một cái, hai cái, ba cái,... cứ vậy, đoạn đường chạy ngang nhà chú hư chỗ nào, chú vá chỗ đó. Khi thì xin nửa bao xi măng, lúc lại vận động một thau hồ đổ ra ổ gà, dần dà, người dân gần đó ai cũng biết chú Ba, nghe chú lên tiếng xin là vui vẻ ủng hộ. Nhờ vậy, ổ gà, ổ voi được lấp kín, đoạn đường liền lạc, dễ đi, xe cộ qua đường bon bon chạy.

Trong căn nhà nhỏ của người cựu chiến binh, có một góc “cất giữ ký ức”

Trong căn nhà nhỏ của người cựu chiến binh, có một góc “cất giữ ký ức”

Nói về việc làm của mình, chú Ba từ tốn: “Đường này trước đây lầy lội khó đi lắm. Nhà nước và nhân dân đồng lòng, chung sức mới được con đường rộng, đẹp thế này thì mình phải ráng giữ gìn. Để đường ổ gà, mùa mưa người ta đi ngang hay vấp té lắm. Chú làm rồi bà con thấy cũng thương, ủng hộ mỗi người một chút, đường hư chỗ nào mình vá chỗ đó”.

Lý luận của chú Ba thật dễ hiểu, nhưng phải là người rộng lòng, biết nghĩ cho người khác thì mới có thể làm được một cách nhẹ nhàng như chú! Và người cựu chiến binh ấy được tuổi trẻ Mỹ Yên xem là tấm gương sáng để noi theo.

Trên bản tin Người tốt, việc tốt của Đoàn Thanh niên xã, hình ảnh và thông tin của chú được trưng bày như một cách nhắc nhở đoàn viên, thanh niên hãy nỗ lực rèn luyện bản thân.

Anh Cảnh và chú Ba, 2 người thuộc 2 thế hệ với vị trí khác nhau trong cuộc sống nhưng họ có một điểm chung đều là người lính Cụ Hồ và luôn sống hết mình vì người khác! Niềm vui của họ mỗi ngày chính là mang lại niềm vui cho những người xung quanh bằng những việc làm thiết thực, dù là nhỏ nhất./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết