Tiếng Việt | English

19/05/2020 - 10:20

Cáp AAG lại đứt, người dùng Internet ở Việt Nam kêu trời

Tuyến cáp quang biển AAG lại tiếp tục gặp sự cố, nhiều người dùng tỏ ra bức xúc vì tốc độ truy cập Internet lần này giảm rõ rệt, tệ hơn hẳn những lần trước đây.

Tốc độ Internet cáp quang của một nhà mạng rớt thê thảm. - Ảnh chụp màn hình

Thông tin từ một số nhà mạng Việt Nam cho biết tuyến cáp quang biển AAG lại tiếp tục gặp sự cố làm ảnh hưởng đến tốc độ truy cập Internet các dịch vụ quốc tế. Sự cố với tuyến cáp AAG không mới, nhưng lần này nhiều người dùng phản ánh tốc độ... chậm kinh khủng.

Mail tải chậm, Facebook không gửi tin nhắn được!

"Mở Gmail rất chậm, nếu có tập tin đính kèm thì tải về càng lâu hơn nữa. Ngay cả dịch vụ nhắn tin văn bản như Facebook Messenger cũng thường xuyên không gửi đi được. Nhiều dịch vụ đặt máy chủ ở nước ngoài đều truy cập chậm rõ rệt…", anh Duy Tùng (quận Tân Phú, TP.HCM) phản ánh về tốc độ truy cập Internet tại nhà anh mấy ngày gần đây.

Tương tự, chị Hồng Uyên (quận 5, TP.HCM) cho biết: "Tốc độ truy cập Internet hiện đang chậm kinh khủng, đặc biệt khi sử dụng các dịch vụ của nước ngoài. Công ty tôi thường xuyên họp từ xa qua mạng với các đối tác trong lẫn ngoài nước nên bị ảnh hưởng rất nặng nề. Cuộc họp thông thường có thể chỉ chừng 30-60 phút, nhưng tốc độ mạng chập giựt khiến cuộc họp dài thêm gấp đôi. Ai dự cũng phải bực mình vì chất lượng đường truyền".

Theo phản ảnh của nhiều người dùng, tốc độ tải của các dịch vụ kết nối Internet đi quốc tế... đều chậm rõ rệt, ảnh hưởng rất lớn đến công việc của nhiều người, nhiều doanh nghiệp nói riêng, lẫn nhu cầu sử dụng Internet của người dùng Việt Nam nói chung.

"Công ty chúng tôi hiện vẫn đang cho mọi người làm việc ở nhà từ xa qua mạng, nhưng tốc độ Internet mấy ngày gần đây khiến nhiều cuộc họp không thể thực hiện được. Tốc độ xử lý nhiều công việc từ đó cũng bị trì trệ, rất bực mình", chị An Khang (quận 3, TP.HCM) bức xúc.

Chiều 18-5, thông qua Hệ thống đo chất lượng truy cập Internet của Trung tâm internet Việt Nam (VNNIC), chúng tôi thử kiểm tra tốc độ của một nhà mạng thì ghi nhận được chỉ số tải lên (upload) và tải xuống (download) chỉ xấp xỉ 10Mbps. Kết quả với một nhà mạng khác cũng chưa đến 20Mbps. Đây là mức rất thấp so với tốc độ trung bình mạng băng rộng cố định của Việt Nam (61,69 Mbps) do chính VNNIC công bố cuối tháng 4 vừa qua.

Mặc dù các kết quả kiểm thử nêu trên chỉ có mang tính thời điểm, không đại diện cho kết quả chung của toàn mạng, nhưng có thể thấy tốc độ truy cập Internet của người dùng Việt Nam đang bị sụt giảm nghiêm trọng.

Điệp khúc đứt cáp

Mới đây nhất, các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam cho biết tuyến cáp quang biển AAG đã gặp sự cố vào đêm 14-5 khiến đường truyền Internet đi quốc tế bị ảnh hưởng. Đại diện một nhà mạng cho biết toàn bộ lưu lượng của họ qua tuyến cáp AAG đã bị mất nên họ phải dùng các biện pháp "san tải qua các tuyến khác để giảm thiểu ảnh hưởng".

Trước đó, tuyến cáp AAG mới bị sự cố hồi đầu tháng 4-2020 và vừa được sửa xong vào ngày 21-4, tính đến nay chưa đầy một tháng sau lại tiếp tục gặp sự cố.

Nếu tính từ tháng 11-2019 đến nay, không tháng nào tuyến cáp AAG không được nhắc đến khi nói đến các vấn đề làm ảnh hưởng đến tốc độ truy cập Internet đi quốc tế của người dùng Việt Nam. Liên tiếp hai tháng cuối năm 2019, AAG gặp sự cố kéo dài đến gần Tết Nguyên đán (cuối tháng 1-2020) mới được khắc phục. Tiếp đó, tuyến cáp "mong manh dễ vỡ" này lại được sửa chữa từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3-2020.

Bên cạnh AAG, hai tuyến cáp quang biển khác có sự tham gia khai thác của các nhà mạng Việt Nam là Liên Á IA và AAE-1 cũng đã gặp sự cố kéo dài từ cuối năm 2019 đến cuối tháng 1, đầu tháng 2-2020 mới được sửa chữa xong.

Dù các nhà mạng luôn khẳng định có nhiều biện pháp san tải mỗi khi AAG gặp sự cố cũng như giảm thiểu ảnh hưởng vào tuyến cáp này, nhưng với những gì xảy ra thời gian qua, chúng ta vẫn còn phụ thuộc không nhỏ vào AAG.

Trong khi đó, với yêu cầu phát triển ngày càng mạnh của nền kinh tế số Việt Nam, một hạ tầng mạng Internet tốc độ cao và ổn định là điều kiện tuyệt đối không thể thiếu. Chuyện cáp quang biển xảy ra sự cố là điều khách quan nhưng không thể cứ để nó diễn ra như một điệp khúc. Nền kinh tế số Việt Nam không thể "bung ra như lò xo nén" với một hệ thống mạng bị phụ thuộc vào các "mạch máu mong manh, dễ vỡ"!

Dùng VPN tăng tốc độ mạng khi đứt cáp

Trên một số diễn đàn và các hội, nhóm trên mạng xã hội, nhiều thành viên chia sẻ nhau các cách để tăng tốc độ kết nối các dịch vụ quốc tế, đảm bảo sự ổn định khi sử dụng. Một trong những cách phổ biến hiện nay là sử dụng các dịch vụ, phần mềm VPN (mạng riêng ảo).

VPN cho phép người dùng tạo đường truyền riêng ảo từ thiết bị của họ đến máy chủ ở một quốc gia (không bị ảnh hưởng bởi sự cố Internet), từ đó kết nối với dịch vụ cần sử dụng. Cách này được các chuyên gia công nghệ gọi là đường tắt để truy cập vào các dịch vụ quốc tế khi đường chính (thông qua các tuyến cáp quang biển) gặp sự cố.

VPN còn giúp người dùng giảm thiểu rủi ro về bảo mật. Các ứng dụng VPN phổ biến hiện nay là HotspotShield, Turbo VPN, FPT VPN, Panda VPN...

Theo giải thích của ông Phạm Duy Phúc, Công ty viễn thông quốc tế FTI: "Đây là dịch vụ dạng ưu tiên kết nối trong môi trường Internet. Nó giúp người dùng duy trì truy cập Internet với chất lượng tốt nhất trong khi sử dụng dịch vụ như: học trực tuyến, tương tác từ xa, các nhu cầu truyền tải video qua các ứng dụng mạng xã hội phổ biến...".

Người dùng có thể tìm kiếm và tải về các dịch vụ VPN dễ dàng từ các kho ứng dụng trực tuyến. Tất nhiên có ứng dụng miễn phí (có quảng cáo) và thu phí tùy nhu cầu người dùng.

 

VNNIC Speedtest là hệ thống đo chất lượng truy cập Internet do VNNIC nghiên cứu xây dựng, đặt tại các điểm kết nối của Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX). Đây là điểm đo độc lập với mạng của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam.

Hệ thống được cung cấp tại địa chỉ https://speedtest.vnix.vn, người dùng có thể chủ động thực hiện đo chất lượng truy cập Internet của mình, so sánh với gói cước đang sử dụng và yêu cầu hỗ trợ từ các nhà mạng trong trường hợp cần thiết.

Theo Tuổi Trẻ

 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích