Tiếng Việt | English

12/12/2017 - 08:45

Cấp cứu ngoại viện góp phần mang lại sự sống cho người bệnh

Yếu tố thời gian trong cấp cứu có vai trò rất quan trọng, quyết định chất lượng cấp cứu. Nếu cấp cứu trễ sẽ gây ra các biến chứng phức tạp, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.

Cấp cứu bất kể ngày đêm

Nhiều năm qua, công tác cấp cứu ngoại viện tại Long An phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần mang lại sự sống cho người bệnh. Với tầm quan trọng của sơ cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Long An (BVĐKLA) thành lập Tổ Cấp cứu ngoại viện túc trực 24/24.

Sau khi hoàn thành sơ cấp cứu ban đầu, sẽ chuyển người bệnh về bệnh viện để tiếp tục điều trị

Anh Phạm Tấn Mạnh, ngụ xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, chia sẻ: “Khi rơi vào tình trạng khẩn cấp, người dân sử dụng bất cứ phương tiện nào mà họ biết để cấp cứu tính mạng người thân. Tuy nhiên, khi một người bị tai nạn cần cấp cứu tại chỗ và cần vận chuyển, nếu sử dụng các phương tiện không bảo đảm sẽ khó tránh khỏi những chuyện đáng tiếc xảy ra. Vì vậy, gọi tổng đài 115 cấp cứu thì an tâm hơn vì có bác sĩ, y tá, có trang thiết bị sơ cấp cứu kịp thời trước khi chuyển đến BV để tiếp tục điều trị”.

Nhận điện thoại, không quản ngại ngày hay đêm, bất cứ khi nào người bệnh gặp nguy hiểm cần giúp đỡ là các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Cấp cứu BVĐKLA sẵn sàng mang trang thiết bị y tế lên đường cứu người bệnh. Từ đầu năm 2017 đến nay, Khoa Cấp cứu BVĐKLA thực hiện cấp cứu ngoại viện 93 ca.

Bác sĩ Hồ Thị Cẩm Giang - Khoa Cấp cứu BVĐKLA, chia sẻ: “Thuận lợi đầu tiên là nhân lực cấp cứu sẵn có tại khoa, xe cấp cứu của BV luôn túc trực 24/24, chỉ ngoại trừ những trường hợp chuyển viện đông quá thì thiếu xe nên thời gian đợi khá lâu. Chúng tôi sẵn sàng lên đường khi nhận được tin báo cấp cứu!”.

Chỉ gọi 115 khi thật cần thiết

Tổ Cấp cứu ngoại viện của BVĐKLA thành lập từ năm 2008. Một ê kíp cấp cứu tại hiện trường gồm 3 thành viên (bác sĩ, điều dưỡng và tài xế) cùng các trang thiết bị y tế cần thiết. Bác sĩ, điều dưỡng, tài xế của tổ là ê kíp trực tại Khoa Cấp cứu của BV. Khi thực hiện cấp cứu ngoại viện, do áp lực về thời gian nên đòi hỏi các bác sĩ phải nhanh chóng nắm bắt, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh nhân và có biện pháp xử lý kịp thời. Sau khi hoàn thành sơ cấp cứu ban đầu, sẽ chuyển người bệnh về BV để tiếp tục tiến hành công tác cứu chữa tiếp theo.

Địa bàn hoạt động của tổ cấp cứu trên địa bàn TP.Tân An được phân vùng cụ thể, giúp người dân thuận lợi khi gọi cấp cứu. Đó là: Quốc lộ 1 (từ cầu Ván đến cầu Tân Hương); đầu Quốc lộ 62 đến cầu Rạch Chanh, huyện Thủ Thừa; Đường tỉnh 833 về Tân Trụ đến ngã tư Lạc Tấn, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ; Đường tỉnh 827 về Châu Thành đến chợ Hòa Phú; Đường Nguyễn Thông, phường 3, TP.Tân An kéo dài đến chợ Kỳ Son, huyện Châu Thành; đường Châu Thị Kim, phường 3, TP.Tân An đến ranh giới tỉnh Tiền Giang.

Phó Giám đốc BVĐKLA - Nguyễn Quốc Doanh nhận định: Cấp cứu ngoại viện là công tác cần thiết, thậm chí tránh được các trường hợp tử vong. Vì vậy, khi cần cấp cứu, người dân gọi điện thoại 115 thì Tổ Cấp cứu ngoại viện sẽ hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, BV tiếp nhận không ít trường hợp người dân sử dụng những sim số khó truy cập báo cấp cứu giả. Khi đội ngũ y, bác sĩ và tài xế đến hiện trường thì hoàn toàn vắng lặng, không có ai, làm mất thời gian và một số chi phí, chúng tôi không biết tính vào đâu”.

Cấp cứu ngoại viện góp phần mang lại sự sống cho người bệnh, hỗ trợ người bệnh vượt qua nguy hiểm trong tình huống khẩn cấp. Để công tác cấp cứu ngoại viện đạt hiệu quả, ngành Y tế mong người dân nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trước mỗi cuộc gọi cấp cứu./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết