Tiếng Việt | English

14/05/2018 - 14:27

Cặp đôi “hoàn hảo”

Ngày cưới của Nguyễn Quốc Vũ và Lê Thị Huệ

Ngày cưới của Nguyễn Quốc Vũ và Lê Thị Huệ

Bóng chuyền, cả nam lẫn nữ, luôn là môn thể thao chủ lực của tỉnh Long An. Hai đội tuyển nam và nữ và các đội trẻ của Long An luôn trong nhóm các đội mạnh nhất nước, không ít lần đoạt danh hiệu vô địch các giải lớn. Hai vận động viên (VĐV) đóng góp công sức nhiều nhất vào thành quả ấy đều sinh năm 1975. Mỗi người đều có 14 năm “tung hoành” trên lưới bóng chuyền từ Nam chí Bắc. Giã từ sàn đấu, họ cùng vào Đại học Thể dục Thể thao (TDTT) và đều trở thành huấn luyện viên (HLV) tài năng, tiếp tục đóng góp cho bóng chuyền Long An từ băng ghế chỉ đạo. Họ là cặp vợ chồng ăn ý, cặp đôi “hoàn hảo”.

Nguyễn Quốc Vũ sinh ra tại vùng quê nghèo ở huyện Tân Trụ. Nếu không có phong trào thể thao dưới mái trường cách mạng, không có chính sách “đãi cát tìm vàng” của ngành TDTT thì có lẽ, cuộc đời Vũ cũng gắn bó với đồng ruộng như nhiều thanh niên khác trong vùng. Năm 1990, nhờ có chiều cao tốt (Vũ cao 1,83m), sức bật khá, phản xạ nhanh với quả bóng..., Vũ “lọt” vào mắt của Hội đồng tuyển chọn VĐV thuộc Sở TDTT Long An. Về Trường Năng khiếu TDTT Long An thời gian ngắn, anh được chọn vào đội trẻ, rồi đội tuyển Long An. Người hâm mộ bóng chuyền cả nước hẳn chưa quên VĐV chủ công số 6 của Đội tuyển Bóng chuyền nam Long An với cú đánh biên hiệu quả. Đó là Quốc Vũ.

Giã từ sàn đấu năm 2004 sau khi tủ huy chương gần đầy, Vũ vừa làm công tác huấn luyện, vừa theo học chương trình đại học. Ra trường, anh về làm HLV phó, rồi HLV trưởng Đội Bóng chuyền nữ VTV Bình Điền Long An. Trong các giải bóng chuyền đội mạnh quốc gia mấy năm qua, với vai trò HLV trưởng, anh góp phần làm cho Đội Bóng chuyền nữ VTV Bình Điền Long An trở thành đối thủ khó chịu với bất cứ đội bóng nào khác.

Cùng sinh năm 1975, ở huyện Thủ Thừa, Lê Thị Huệ cũng giống như chồng mình, nhờ chút tình cờ mà gắn với nghiệp bóng chuyền đỉnh cao. Năm 1990, Hội đồng tuyển chọn VĐV Long An về Thủ Thừa tìm kiếm tài năng và thấy cô nữ sinh lớp 9 có chiều cao tốt (Huệ cao 1,69m), mạnh dạn rước về, dù cô gái chưa biết quả bóng “cứng hay mềm”. Về tập hơn 1 năm, Huệ cùng đồng đội đoạt chức vô địch Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Sau đó, dưới màu áo đội tuyển Long An, các chức vô địch, á quân,... cứ liên tục trải dài trong sự nghiệp thi đấu của cô. Huệ nhanh chóng hoàn thành chương trình đại học sau khi nghỉ thi đấu. Cô từng huấn luyện đội bóng chuyền trẻ nam và nữ, Đội Bóng chuyền bãi biển Long An, trước khi về làm cán bộ chuyên môn của Trường Nghiệp vụ TDTT Long An.

Huệ bên con trai lúc 4 tuổi

Huệ bên con trai lúc 4 tuổi

Hai VĐV tài năng ấy của bóng chuyền Long An dù học tập và thi đấu dưới cùng màu áo Long An suốt 7-8 năm trời, nhưng mãi đến cuối năm 1998 mới quen nhau trong bữa tiệc mừng công khi cả 2 đội bóng chuyền nam và nữ Long An đều đạt thành tích cao mùa giải 1998. Sau đó 2 năm, họ làm lễ cưới. Nếu như Vũ và Huệ đều “chọn” năm 1975 lịch sử để ra đời thì đứa con trai đầu lòng của họ lại “chọn” đúng ngày Quốc khánh 2-9 để lọt lòng mẹ. Đứa bé sinh ra đã có sẵn cái tên (Quốc Khánh). 12 tuổi, Quốc Khánh chơi được nhiều môn thể thao nhưng “nét” nhất vẫn là bóng chuyền. Đứa con sau của cặp “vàng” bóng chuyền - bé Nguyễn Lê Khánh Ngọc tuy mới 5 tuổi nhưng ra dáng “chân dài”.

Cùng sinh năm 1975, vào năm 2010, trong đợt phát triển Đảng nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả Huệ và Vũ vinh dự được đứng chân vào hàng ngũ của Đảng. Đối với vợ chồng Vũ - Huệ, năm 1975 không chỉ là năm ra đời mà còn là thời khắc đáng nhớ làm họ thăng hoa tài năng, sự nghiệp, tạo dựng hạnh phúc và tương lai!

N.P.Đấu

Chia sẻ bài viết