Tiếng Việt | English

08/09/2018 - 09:51

Cây cầu mơ ước

Ở cái xóm Cầu này, có ai không biết ông Bảy Thọt, ngày nào cũng chèo đò đưa mấy đứa học trò qua sông đi học. Nghe tiếng xóm Cầu có ông Bảy Thọt thương đám trẻ quê, ngày ngày cần mẫn đưa học trò sang sông mà không lấy tiền đò, chứ có ai biết ông từ nơi nào đến đâu. Ông không phải là người xóm Cầu, chỉ biết ông sống trong cái chòi lá gần bến sông, có cây cầu ao bị gãy một nửa, dưới tán ô môi ra hoa đỏ nghẹn. Ông Bảy sống cùng thằng cháu nhỏ nghe đâu nhặt được ở bờ sông.

Minh họa: Thiện Mỹ

Minh họa: Thiện Mỹ

Mọi người gọi nó là thằng Đẹt. Không biết ngày ông Bảy lên xã làm giấy khai sinh cho Đẹt để nó đi học, ông đã đặt nó tên gì nhưng hễ thấy cái dáng người nhỏ thó, tay chân nhanh nhảu đi ngang qua thì ai cũng gọi “Đẹt ơi!”. Đẹt không phải máu mủ của ông Bảy, nhưng lạ là trời cho nó cái nết giống y hệt ông. Dễ thấy nhất là cái tính hay giúp người. Có nhà nào ở xóm này chưa được thằng Đẹt giúp mấy việc lặt vặt đâu.

Tên là xóm Cầu, mà con sông Bèo mênh mông trước xóm làm gì có cây cầu nào bắc qua. Ai muốn sang bờ bên kia phải chèo xuồng cả buổi, mồ hôi rịn chảy ướt hết lưng áo. Những hôm có chợ phiên, các bà, các mẹ phải thức dậy từ tờ mờ sáng thắp ngọn đèn dầu, lụi cụi sửa soạn để chèo xuồng ngược dòng sông Bèo, rồi men theo khúc kênh dọc mấy vườn trái cây của người xóm Bồi để lên chợ. Trước đây, khi ông Bảy chưa đưa đò, nghe thím Hai kể, mấy đứa nhỏ học hết tiểu học ở xóm, muốn lên trung học phải qua sông. Cũng bởi trường cấp hai, cấp ba đều được xây ở gần chợ trên xã, khó khăn quá, có đứa bỏ học giữa chừng theo cha mẹ đi thả câu, quăng chài quanh sông Bèo kiếm sống. Đứa ham học, cha mẹ phải bỏ việc ở nhà để thay phiên chèo xuồng đưa đón. Hồi đó, thím Hai cũng vậy. Ngày nào thím cũng ngồi trước cổng trường chờ thằng Nhạn. Nhạn giờ đã xa quê lên thị trấn, chỉ còn thím Hai sớm tối lủi thủi một mình.

Nhà gần nên thím hay qua cái chòi lá của ông Bảy chơi. Lần nào thím Hai bơi xuồng đi chợ cũng mang thứ gì đó về cho hai ông cháu. Thằng Nhạn con thím mất cha mười mấy năm rồi, thím cứ ở vậy nuôi con. Xứ này, đàn ông hễ có chút men rượu trong người là lại sinh sự chửi bới. Đàn bà cả ngày cơ cực phơi lưng ngoài ruộng, về nhà còn phải gánh thêm nỗi lo phần chồng. Hồi đó, chú Hai mất cũng bởi đi dự đám giỗ nhà bà con, say bí tỉ, chú bị té xuống con kênh cuối xóm mà không ai thấy. Nên mỗi lần đi ngang qua nhà nào có đàn ông say xỉn, bầy con nheo nhóc nước mắt, nước mũi nhòe nhoẹt, là ông Bảy lại chạnh lòng thở dài. Sao cái nghèo cứ bám riết vùng quê heo hút này? Có phải năm nào không cho xóm Cầu chìm trong mấy trận lụt là ông trời không yên? Nhìn mấy đứa học trò hàng ngày lặn lội đi học mà lòng ông xót xa. Có hôm đưa đò cập bến rồi, ông Bảy còn ghé ngang chợ mua bánh kẹo, vài cuốn tập, cây viết, coi như phần thưởng khuyến khích lũ học trò. Bởi vậy, dân xóm Cầu cứ nhắc mãi câu nói: “Làm gì có người nào tốt như ông Bảy Thọt! Mấy đứa nhỏ chịu đi học là ông Bảy mừng rồi, chứ đừng tính tới chuyện tiền đò đưa qua lại”.

***

Hôm trước, Đẹt thấy nhà hết gạo, mấy cái lọp của ông Bảy dạo này tôm cá bỏ trốn đi đâu hết. Nó lén ông rủ mấy đứa bạn men theo dọc bờ kênh bắt cua, rồi chèo xuồng đem ra chợ bán, mua gạo. Ngày hôm sau đi học, cô giáo gọi Đẹt lên dò bài, nó ngập ngừng không nhớ cô giáo đã dạy gì. Đẹt đứng lóng ngóng hồi lâu vẫn không chịu nói lý do mình không thuộc bài cũ. Gần thi chuyển cấp rồi mà nó còn lơ là. Cô bảo nó xòe tay ra để đánh đòn cho bỏ cái tật ham chơi. Đẹt xòe tay ra, không hiểu vì sao cô chỉ đứng lặng người hồi lâu mà rơm rớm nước mắt.

Đôi bàn tay của Đẹt chi chít những vết bầm do cua kẹp, mấy cái móng tay đóng phèn vàng oạch nó rửa thế nào cũng không sạch. Lòng bàn tay sạm đen lưa thưa vết rạn do cạy lớp đất bùn trước hang cua. Rồi ông Bảy cũng biết chuyện, lúc nghĩ đến những vết đau trên tay nó, chén trà ông đang uống bỗng đắng nghẹn trong cổ họng.

Thằng Đẹt đi đâu vẫn chưa về, ngó ra ngõ chỉ thấy tán ô môi trổ hoa đỏ nghẹn. Ông vừa khập khiễng bước ra sau bếp vừa thở dài: “Cái thằng! Lo chi cho khổ vậy không biết!”.

Mấy ngày này, ông Bảy thấy bứt rứt trong người, lồng ngực ông thỉnh thoảng bùng lên, đau nhói. Cái chân bị thọt lâu nay vẫn bình thường bỗng sưng tấy, ê ẩm. Ông chậc lưỡi: “Ừ thì mình cũng già rồi mà!”. Bữa nọ chèo xuồng đưa mấy đứa nhỏ đi học, ông thấy lồng ngực mình đau râm ran, cánh tay cầm mái chèo run lẩy bẩy, mà vẫn cố cầm cự cập xuồng tới bến. Mùa này gió thổi mạnh, hơi lạnh tràn về se sắt trên mấy bụi dừa nước mọc sau nhà, kéo rê cơn ho khục khặc của ông suốt cả tuần nay. Đêm về nằm cạnh thằng Đẹt trong cái chòi lá gió thổi lồng lộng, sợ mấy tiếng ho khàn đặc của mình làm thằng nhỏ không ngủ được nên ông khẽ bưng bộ ấm trà ra sau bộ ván ngồi đến khuya.

Nước trà mấy hôm nay ông Bảy pha kiểu gì cũng thấy đắng. Ông ngồi nhìn mông lung về phía ánh đèn điện lấp lánh bên kia sông. Bất chợt ông nhớ buổi chiều nhặt được thằng Đẹt ở mé sông gần cống nước. Hôm đó trời lất phất mưa, ông bơi xuồng đi thả lưới thì nghe tiếng khóc vang ra từ bờ cỏ. Nghĩ cũng là do duyên trời run rủi cho ông cháu gặp nhau. Rồi ông Bảy thở dài nhớ đến những vết bầm do cua kẹp trên tay thằng nhỏ. Lồng ngực lại bùng lên cơn đau nhói, dồn nén vào tràng ho sặc sụa. Ông giấu kỹ nên thằng Đẹt không biết. Nó còn phải lo học cho kỳ thi chuyển cấp đang cận kề. Nhìn cái áo trắng ngả màu vàng ố Đẹt mặc đi học mấy năm nay mà ông Bảy thở dài. Đôi dép tổ ong đầy bùn đất đã mòn lắm rồi, cái mền mỏng đắp hụt chân nó cũng bạc sờn, cũ mèm. Lời thím Hai nói hồi chiều làm ông day dứt mãi:

- Bữa trước tui lên thăm thằng Nhạn trên thị trấn, nghe đâu ở đó có cặp vợ chồng nhà giàu sống lương thiện, có tuổi rồi vẫn không sinh được con, hình như đang tìm đứa con nuôi cho vui nhà vui cửa! Nghĩ mà tội...

***

Hôm nay được nghỉ học, thằng Đẹt rủ mấy đứa bạn đi dạo quanh xóm kiếm ve chai. Sáng nó dậy không thấy ông Bảy đâu, chỉ có hai trái bắp luộc trên bàn. Trưa về, Đẹt nghe có tiếng người nói chuyện trong chòi, nghĩ là thím Hai qua chơi, nó vừa xách túi nylon đựng đầy lon, hũ, vỏ chai, vừa vội vã vào chòi kiếm nước uống. Chân đi tới cửa bỗng khựng lại, người đang ngồi trên phản đâu phải thím Hai, là hai vợ chồng nào đó khuôn mặt lạ hoắc. Thấy Đẹt về, họ khẽ mỉm cười. Ông Bảy vừa dứt cơn ho khục khặc, vội vã đi cà nhắc đến cửa dẫn Đẹt vào, giọng hơi ngập ngừng:

- Đi đâu từ nãy giờ để mọi người chờ vậy con... Rồi ông hướng bàn tay sần chai của mình lúc này bỗng run run, chỉ về hai người đang ngồi trên phản:

- Là... là cha má ruột của con đó!

Tự dưng bịch ve chai Đẹt đang cầm rớt xuống đất. Nó đứng lặng thinh nhìn hai người đang ngồi đối diện, đôi mắt bỗng đỏ hoe. Khuôn mặt hai vợ chồng thoáng nét bối rối, họ nhìn nhau rồi quay qua nhìn Đẹt, nói lập cập run run: “Con...”. Đẹt bất giác đưa tay lên dụi mắt, đôi chân loạng choạng bỗng bước lùi về sau. Hình như có một giọt nước mắt vừa rơi xuống, chảy tràn qua mặt nó, trượt lên đôi môi nứt nẻ, rồi hòa vào vùng mồ hôi còn chưa khô dưới cằm. Ông Bảy ngập ngừng quay sang nhìn hai vợ chồng, ánh mắt như đang cầu cứu. Hai người lưỡng lự lại quay qua nhìn nhau, rồi sau đó họ cuống cuồng chạy tới ôm Đẹt vào lòng. Thằng Đẹt lúc này đứng nấc nghẹn trong vòng tay hai vợ chồng mà đâu để ý trên khóe mắt của họ làm gì có giọt nước mắt nào rơi ra. Ông Bảy chua xót quay đầu sang nơi khác, bất chợt lồng ngực ông lại nhói lên cơn đau...

***

“Ừ thì, cũng bởi do má hồi đó trót dại, sau này gặp chấn thương sau khi sinh nên đầu má quên quên nhớ nhớ, không biết đã đặt con ở đâu mà tìm về.
Cũng may gặp được mấy người ở chợ dưới xã, họ nhắc má mới nhớ ra mà vội vã tới đây tìm. Từ giờ về ở với cha má luôn nghe con, để cha má tiện bề chăm sóc. Má cũng nói ông Bảy sắp xếp lên sống với gia đình mình, mà ông Bảy một mực từ chối vì ông đi rồi, ai chèo đò đưa mấy đứa nhỏ đi học. Hơn nữa, ông cũng muốn ở lại mảnh đất đã gắn bó mấy chục năm nay...”.

Không biết cái kịch bản ông Bảy đã dặn kỹ, bà vợ có nhớ hết mà nói trọn ý ông không. Không biết thằng Đẹt có trách ông không khi hôm đó, lúc cùng hai vợ chồng bước lên bờ, nó quay lại nhìn ông hồi lâu, mà ông thì vội vàng quay xuồng chèo lại về bến. Không biết hai tháng nay Đẹt học hành, ăn uống ở nhà mới thế nào, bàn tay nó có còn những vết bầm do cua kẹp. Ừ thì đến lúc nó trưởng thành rồi, hai ông bà ấy cho nó biết sự thật cũng chưa trễ. Nghĩ đến đây, tự dưng ông Bảy ứa nước mắt, rồi ông mếu máo khóc, trong căn chòi gió bấc thổi hiu hiu. Lần đầu tiên từ khi về với xóm Cầu, ông Bảy khóc. Từng giọt nước mắt rỉ ra từ hai hốc mắt sâu, lăn dài trên những vết nhăn xanh xao đang nén lại trong tiếng khóc khàn đặc.

Lúc này, cái chân thọt của ông lại bùng lên cơn tê buốt, rồi lan ra khắp cơ thể già nua như chiếc lá khô sắp rụng...

***

Sau khi nghe tin ông Bảy mất, dân xóm Cầu thấy thằng Đẹt trở về, cả ngày ngồi thẫn thờ bên gốc ô môi nhìn hoa tả tơi rụng. Cái kịch bản đó ông Bảy chỉ nói với mình thím Hai, chẳng biết thằng Đẹt hay chưa mà không thấy hai vợ chồng trên thị trấn về cùng. Thím Hai qua chòi thắp cho ông Bảy nén nhang, ngó Đẹt ngồi một mình trước sông mà chua xót thở dài. Đôi lúc thím sợ nhìn vào đôi mắt hoang hoải, thẳm sâu nỗi buồn ứ nghẹn đang bị che giấu bởi vẻ ngoài vô hồn của thằng nhỏ. Sao nó cứ ngồi chết lặng nhìn về phía mênh mông, sao nó không khóc lên để được nhẹ lòng?

***

Thím Hai vừa phe phẩy cái nón lá, vừa kể cho tôi nghe câu chuyện của mười mấy năm về trước. Kể rồi, thím lấy vạt áo quệt nước mắt ầng ậc trong đôi mắt đục ngầu. Thím nói, lần nào nhớ về hai ông cháu họ mà thím không khóc đâu. Cả tháng nay khi về làm công nhân cho dự án xây cầu bắc qua sông Bèo, tôi được nghe thím Hai kể bao nhiêu chuyện về xóm Cầu này. Người dân thấy có cầu bắc qua sông thì mừng rỡ vô cùng, cũng bởi đó là mong ước cả đời của họ. Cây cầu do một nhà tài trợ giấu tên lo toàn bộ chi phí, nghe đâu, người đó từng ở bến sông này...

Trần Văn Thiên

Chia sẻ bài viết