Tiếng Việt | English

27/09/2016 - 09:50

Chăm lo các bữa ăn ngon và an toàn cho học sinh

Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vì vậy, nhiều trường học trên địa tỉnh Long An xây dựng bếp ăn tập thể theo hệ thống bếp ăn một chiều, bảo đảm vệ sinh từ khâu nhận thực phẩm đến khâu ra thức ăn cho học sinh.

Bảo đảm an toàn thực phẩm từ những việc nhỏ

Đầu năm học, đặc biệt ở các trường tổ chức dạy học bán trú, nhà trường thực hiện công tác tuyên truyền về bảo đảm ATTP đến toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên, cung cấp kiến thức về ATTP cho phụ huynh và học sinh. Đội ngũ cấp dưỡng của các trường cũng thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về ATTP. Cứ 6 tháng/lần, các cấp dưỡng được khám sức khỏe định kỳ.

Trong quá trình nấu ăn, các cấp dưỡng tuân thủ theo đúng quy định về bảo đảm ATTP, các cô không chỉ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, mang tạp dề, đội nón chuyên dụng nhà bếp, đeo bao tay mà còn không mang trang sức, để móng tay dài,... nhằm bảo đảm tuyệt đối vệ sinh khi tham gia nấu ăn. Bên cạnh đó, các trường học còn chú trọng việc chọn lựa nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch và chất lượng.


Cấp dưỡng tuân thủ các quy định về trang bị khi tham gia nấu ăn

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) - Trần Thị Năm cho biết: "Mỗi ngày, trường có đội kiểm tra gồm: 1 lãnh đạo, 1 cấp dưỡng và 1 giáo viên kiểm tra, ghi vào sổ theo dõi khi tiếp nhận thực phẩm từ công ty cung cấp thực phẩm. Ngoài ra, trường thường xuyên phối hợp phụ huynh, nhân viên y tế, giáo viên kiểm tra quá trình chế biến thức ăn của cấp dưỡng tại bếp ăn nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy trình và vệ sinh”.

Chú trọng chất lượng dinh dưỡng

Ở các trường mầm non, khẩu phần ăn cho trẻ được thiết lập theo phần mềm Nutrikids. Ở cấp phổ thông, các món ăn cũng có sự thay đổi theo ngày, tuần và mùa của thực phẩm.

Trường Mầm non Long Hòa (xã Long Hòa, huyện Cần Đước) hiện có gần 400 trẻ ở độ tuổi từ 2-5. Trường có 100% trẻ học bán trú, thế nên, công tác chăm lo các bữa ăn cho trẻ rất được quan tâm. Theo đó, trường xây dựng 2 thực đơn cho trẻ, gồm thực đơn của nhóm trẻ và mẫu giáo, chú ý đến sở thích, khẩu vị của trẻ với các món ăn được trang trí đẹp, bắt mắt, giúp trẻ thích thú khi ăn.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Long Hòa - Nguyễn Thị Lâm cho biết: Khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ được trường đặc biệt quan tâm, nhất là những trẻ ở các thể suy dinh dưỡng. Giáo viên đảm trách lớp còn theo sát các bữa ăn của trẻ để động viên trẻ ăn, đổi thức ăn nếu trẻ không ăn được món đó, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi nhóm trẻ.


Học sinh trong bữa ăn trưa

Còn Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu có hơn 900 học sinh ở các khối lớp và học bán trú 100%. Với số lượng lớn học sinh, không chỉ công tác ATTP được chú trọng mà việc chăm lo bữa ăn ngon cho học sinh cũng được trường đặt lên hàng đầu. Hàng ngày, ngoài nấu thức ăn theo thực đơn được lên sẵn, trường còn nấu thêm cháo và một số món ăn khác giúp học sinh thay đổi khi có nhu cầu.

Chị Võ Thúy Liễu - bếp trưởng bếp ăn Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu cho biết: “Với số lượng lớn học sinh của trường thì không tránh khỏi một vài học sinh bị dị ứng với vài loại thức ăn nào đó hay có bệnh về tiêu hóa. Do đó, phụ trách bếp ăn chủ động nấu thêm cháo và các loại thức ăn khác cho học sinh thay đổi. Nhờ vậy, mỗi học sinh đều được ăn bữa ăn trưa đầy đủ chất dinh dưỡng và phù hợp với thể trạng, sở thích”.

Công tác bảo đảm ATTP rất quan trọng, nhằm giúp học sinh phát triển tốt về thể chất cũng như bảo đảm sức khỏe để học tập và sáng tạo trong quá trình học tập./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích