Tiếng Việt | English

13/11/2019 - 08:14

Chăm sóc, bảo vệ để trẻ em phát triển toàn diện

Ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho trẻ em, các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh Long An còn thực hiện nhiều mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qua đó, các em có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.

Đồng hành cùng trẻ em nghèo

Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Trần Hải Phú cho biết: “Năm 2007, Ban Chấp hành Huyện đoàn phát động mô hình Nhà tình bạn. Đối tượng được xây nhà tình bạn là đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), học sinh (vượt khó học giỏi) khó khăn về nhà ở. Từ khi phát động đến nay, Huyện đoàn xây dựng được hàng chục căn nhà tình bạn, bình quân mỗi căn trị giá 40 triệu đồng. Đây là việc làm thiết thực, vừa giáo dục tình yêu thương, sự sẻ chia cho ĐVTN, vừa giúp người nghèo có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống”.

Từ ngày có căn nhà kín đáo, Nguyễn Tấn Nghĩa và Nguyễn Tấn Nhân an tâm học tập hơn

Men theo con đường đất, chúng tôi đi cùng Bí thư Đoàn xã Phước Lâm đến căn nhà tình bạn vừa hoàn thành năm 2019. Thấy màu áo xanh tình nguyện, bà ngoại của em Nguyễn Tấn Nghĩa và Nguyễn Tấn Nhân (học sinh Trường Tiểu học Phước Lâm) vui vẻ nói: “Nhờ ĐVTN hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà tình bạn nên hai anh em Nghĩa và Nhân có được căn nhà kiên cố để che nắng, trú mưa. Căn nhà kín đáo tạo động lực rất lớn cho anh em Nghĩa và Nhân cố gắng học giỏi để không phụ lòng thầy cô, bạn bè và các ĐVTN”.

Có một mô hình gần 10 năm qua luôn đồng hành cùng trẻ em khuyết tật bằng nhiều việc làm thiết thực như trợ cấp hàng tháng, tặng quà nhân các dịp lễ, tết,… đó là mô hình Nuôi trẻ khuyết tật của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) xã Long Khê, huyện Cần Đước. Năm 2009, biết hoàn cảnh khó khăn của nhiều trẻ bị khuyết tật, Hội LHPNVN xã quyết định thực hiện mô hình này. Hội vận động mạnh thường quân nhận đỡ đầu 10 trẻ khuyết tật, mỗi trẻ 100.000 đồng/tháng. Sau thời gian hoạt động hiệu quả, mô hình tiếp tục nhận đỡ đầu thêm trẻ và mở rộng đối tượng là người cao tuổi bị bệnh nan y. Đến nay, mô hình nhận đỡ đầu 35 đối tượng, trong đó có 20 trẻ khuyết tật, 15 người cao tuổi bị bệnh nan y.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Long Khê, huyện Cần Đước thăm, tặng quà cho em Phan Kim Ngân

Em Nguyễn Phan Kim Ngân, ngụ ấp 2, xã Long Khê, bị bệnh thiểu năng trí tuệ, tất cả sinh hoạt hàng ngày đều nhờ người thân giúp đỡ. Biết được hoàn cảnh gia đình, Hội LHPNVN xã nhận đỡ đầu Kim Ngân. Theo đó, em vừa được hội hỗ trợ làm các thủ tục nhận trợ cấp của Nhà nước dành cho người khuyết tật, vừa được nhận trợ cấp hàng tháng của hội. Mẹ của Kim Ngân trải lòng: “Cuộc sống gia đình chủ yếu dựa vào số tiền làm công nhân ít ỏi của chồng tôi nên gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, chúng tôi không đơn độc trong hành trình vươn lên thoát nghèo mà luôn được chính quyền địa phương, nhất là Hội LHPNVN xã quan tâm, động viên, hỗ trợ”.

Những phần quà, ngôi nhà tình bạn được trao tặng từ sự chung tay của các cấp, các ngành, đoàn thể, mạnh thường quân và cộng đồng xã hội mang đến niềm tin, là điểm tựa cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống.

Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ

Năm 2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện mô hình Câu lạc bộ Quyền trẻ em. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chọn 1 xã làm điểm thực hiện mô hình này. Mỗi tháng, các câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt định kỳ một lần. Tại đây, trẻ em được tìm hiểu về Luật Trẻ em; kỹ năng sống, phòng, chống xâm hại tình dục,... Đỗ Lan Phương - học sinh Trường THCS-THPT Hậu Thạnh Đông (huyện Tân Thạnh), bộc bạch: “Sau khi tham gia Câu lạc bộ Quyền Trẻ em, em cảm thấy mình tự tin hơn. Hiện nay, em là một trong những thành viên nòng cốt của trường tham gia các hoạt động tuyên truyền về Luật Trẻ em”.

Huyện đoàn Cần Giuộc bàn giao nhà tình bạn

Huyện đoàn Cần Giuộc bàn giao nhà tình bạn

Những năm qua, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc là địa bàn “nóng” về việc trẻ em vi phạm pháp luật. Năm 2018, xã có gần 10 trường hợp trẻ em vi phạm pháp luật, trong đó chủ yếu là tụ tập gây mất an ninh, trật tự, trộm cắp vặt,... Từ thực trạng này, năm 2019, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thực hiện mô hình Phòng, chống trẻ em vi phạm pháp luật. Theo đó, các đoàn thể, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp, thường xuyên đến các gia đình có trẻ em vi phạm pháp luật và có nguy cơ vi phạm để tuyên truyền, nhắc nhở.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cần Giuộc - Hồ Văn Sơn nói: “Ngoài thực hiện mô hình Phòng, chống trẻ em vi phạm pháp luật, phòng còn nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Quyền Trẻ em. Đến nay, huyện xây dựng được 7 câu lạc bộ Quyền trẻ em. Thông qua việc duy trì và thực hiện mới các mô hình, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em của địa phương ngày càng tốt hơn”.

Năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Long Hòa (xã Long Hòa, huyện Cần Đước) thực hiện mô hình Thư viện thân thiện. Theo đó, thư viện trường được bố trí góc trò chơi phát triển ngôn ngữ, góc tra cứu, góc sáng tạo. Ngoài ra, trường còn được đầu tư bàn ghế, kệ sách phù hợp với độ tuổi của học sinh. Thư viện Trường Tiểu học Long Hòa có diện tích trên 120m2, hiện có trên 25.000 bản sách các loại (tham khảo, thiếu nhi, giáo khoa, nghiệp vụ, từ điển,...). Nguồn sách phong phú cùng với không gian thoải mái nên thư viện thu hút ngày càng nhiều học sinh đến đọc sách. Phạm Trần Khôi Nguyên - học sinh lớp 5/5, Trường Tiểu học Long Hòa, chia sẻ: “Sau giờ ra chơi, em thường đến thư viện đọc sách. Những quyển sách nào hay, em mượn về nhà đọc. Đọc sách giúp em có thêm nhiều kiến thức, hiểu thêm nhiều bài học về đạo đức làm người”.

Mô hình Thư viện thân thiện giúp học sinh phát triển ngôn ngữ, tạo thói quen đọc sách

Mô hình Thư viện thân thiện của Trường Tiểu học Long Hòa tác động tích cực đến tư duy học tập của học sinh, giúp các em tự học tập, nghiên cứu và tìm tòi, tiếp nhận kiến thức từ sách một cách chủ động, không theo lối mòn và tạo thói quen đọc sách cho các em.

Bằng nhiều nguồn lực, cách làm khác nhau, các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh có nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Qua đó, góp phần xây dựng cho trẻ môi trường sống an toàn và lành mạnh; đồng thời, tạo nền tảng cho trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết