Tiếng Việt | English

13/12/2017 - 17:05

Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em - Vì sức khỏe thế hệ tương lai

Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS ) trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong sơ sinh vẫn cao. Vì vậy, ngành Y tế phối hợp thực hiện nhiều giải pháp, tăng cường các hoạt động CSSK bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em.

Cải thiện sức khỏe, giảm tử vong

Thực hiện hiệu quả công tác CSSKSS trên địa bàn và chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường CSSK bà mẹ, trẻ sơ sinh nhằm giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, Sở Y tế phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch hành động CSSK bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Long An thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến về sản phụ khoa và nhi khoa, xây dựng các hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật. BV thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật về chăm sóc sản khoa, thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau mổ lấy thai cho những người cung cấp dịch vụ CSSKSS các cấp. Đối tượng lớp tập huấn về CSSK bà mẹ và trẻ em không chỉ là cán bộ làm công tác sản khoa tại các cơ sở y tế công lập mà còn ở BV tư nhân.

Nếu trẻ sơ sinh không được chăm sóc đúng cách thì có nguy cơ gặp biến chứng ngay từ khi chào đời

Phó Trưởng khoa Sản BVĐK Long An - Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết: “Khoa chú trọng thực hiện giảm tử vong mẹ, trẻ sơ sinh. Chúng tôi thiết lập, vận hành đường dây nóng về xử lý cấp cứu tai biến sản khoa; tăng cường phối hợp, hỗ trợ, hội chẩn liên chuyên khoa trong hệ thống sản khoa: Sản, nhi, hồi sức cấp cứu, gây mê, huyết học truyền máu, tim mạch, nội tiết,... nhằm xử lý, cấp cứu kịp thời các trường hợp tai biến xảy ra”.

Nếu trẻ sơ sinh không được chăm sóc đúng cách thì có nguy cơ gặp biến chứng khi chào đời. Vì vậy, BVĐK Long An tăng cường phối hợp giữa các chuyên khoa trong CSSK bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt trong xử lý cấp cứu, hồi sức sơ sinh. Theo đó, đơn vị hồi sức sơ sinh tại BV được củng cố, kiện toàn. Công tác truyền thông, giáo dục kiến thức về lợi ích chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm như lau khô và ủ ấm; cho trẻ tiếp xúc trực tiếp da kề da; bú sớm và bú mẹ hoàn toàn;... cũng được các cơ sở y tế phối hợp thực hiện thường xuyên. Từ đó, bà mẹ hiểu biết đầy đủ hơn về tầm quan trọng của việc CSSK trước và sau sinh.
Chị Bùi Thị Huỳnh Như, ngụ xã Long Trì, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Khi sinh con đầu lòng tại BVĐK Long An, tôi được y, bác sĩ hướng dẫn phương pháp da kề da, bú mẹ hoàn toàn nhằm kích thích hô hấp, giúp trẻ giữ ấm, đề phòng hạ thân nhiệt, gắn kết tình mẹ con và kích thích hệ miễn dịch,...”.

Nâng cao chất lượng CSSKSS

Thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Long An và Trung tâm CSSKSS Long An (trung tâm) phối hợp Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kỹ thuật cấy tránh thai Implanon NXT, kỹ thuật lấy máu gót chân.
Riêng tại trung tâm, việc CSSKSS và cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em được thực hiện hàng năm. Trung tâm phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, giám sát hỗ trợ về quản lý chương trình, chuyên môn cho tuyến dưới. Bên cạnh đó, trung tâm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng thực hành cho cán bộ y tế hệ CSSKSS về lĩnh vực chuyên môn: Cấp cứu, hồi sức sản khoa; chăm sóc, cấp cứu, hồi sức sơ sinh; chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ, tiêm chủng phòng bệnh, lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh.

Nhân viên Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản hướng dẫn thai phụ nấu ăn dinh dưỡng cho trẻ

Công tác tuyên truyền về CSSKSS thực hiện lồng ghép trong quá trình khám thai. Thứ ba và thứ năm hàng tuần, nhân viên y tế trung tâm hướng dẫn thai phụ cách cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, nấu ăn dinh dưỡng; đồng thời, khuyến khích các bà mẹ đưa trẻ đi khám sức khỏe lành mạnh hàng tháng tại các cơ sở y tế nhằm phòng, chống bệnh béo phì và suy dinh dưỡng. Trung tâm chú trọng thực hiện sàng lọc trước sinh, phát hiện sớm dị tật thai nhi. Từ đó, nhận thức của thai phụ trong việc CSSKSS được nâng lên. Chị Trịnh Thị Tuyết Nhung - công nhân Khu công nghiệp Tân Hương, tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: “Tôi chọn Trung tâm CSSKSS Long An là nơi theo dõi, khám thai định kỳ vì bác sĩ ở đây tận tình, vừa khám, vừa tư vấn cách CSSK và có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho từng thai phụ. Bởi, bà mẹ có sức khỏe tốt mới có thể sinh con khỏe mạnh”.

Thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ Long An tiếp tục phối hợp thực hiện các hoạt động nhằm bảo đảm việc cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ một cách đầy đủ và kịp thời cho từng đối tượng. Đội ngũ cộng tác viên thường xuyên tuyên truyền vãng gia, vận động thai phụ khám thai định kỳ và sàng lọc trước sinh, sơ sinh; vận động nam/nữ thanh niên khám sức khỏe tiền hôn nhân;...
Việc cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh là cần thiết, giúp giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, giảm sự khác biệt trong sử dụng và tiếp cận dịch vụ làm mẹ an toàn, chăm sóc sơ sinh giữa các vùng, miền. Qua đó, góp phần thực hiện các mục tiêu Chiến lược DS-SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các chỉ tiêu về sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong các mục tiêu phát triển bền vững./.

► Thời gian qua, tỷ số tử vong mẹ dao động từ 14,07-25,4%/100.000 trẻ đẻ sống; tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi giảm qua các năm. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong sơ sinh vẫn cao, chiếm khoảng 70% số ca tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi. Tình trạng tử vong mẹ và trẻ sơ sinh liên quan đến tai biến sản khoa vẫn xảy ra ở một số cơ sở y tế.

 ► Theo kế hoạch, phấn đấu đến năm 2020, trên hoặc bằng 99,5% phụ nữ sinh được khám thai 3 lần trở lên, trong đó, tỷ lệ phụ nữ sinh được khám thai ít nhất 4 lần, đạt 85%; 98% bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh, trong đó, tỷ lệ bà mẹ/trẻ sơ sinh được khám tuần đầu sau sinh đạt 85%; tỷ lệ thiếu máu phụ nữ mang thai 28%; 70% phụ nữ sinh được xét nghiệm HIV.

► Phấn đấu đến năm 2020, tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi/1.000 trẻ đẻ sống giảm 0,2%/năm trở lên; tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi/1.000 trẻ đẻ sống giảm 0,2%/năm trở lên; 30% trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 19%; duy trì tỷ lệ suy dinh dưỡng, nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 9%.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết