Tiếng Việt | English

03/01/2017 - 11:08

Chăm sóc sức khỏe khi thời tiết giao mùa

Khi thời tiết thay đổi dẫn đến sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, ẩm độ. Nắng khô hanh vào ban ngày và se lạnh vào chiều tối, sáng sớm làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Khi có biểu hiện bệnh cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thờiVào mùa này, ngành Y tế các địa phương tích cực triển khai các giải pháp phòng tránh dịch bệnh. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mộc Hóa tỉnh Long An - bác sĩ Phan Thanh Bình chia sẻ: “Khi thời tiết giao mùa từ mùa mưa sang mùa khô, địa phương thường xảy ra các bệnh về đường hô hấp: Sổ mũi, viêm họng, viêm thanh quản, hen phế quản, viêm mũi họng, viêm phổi và cảm cúm. Ngoài ra, các bệnh đang lưu hành như sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, quai bị, tiêu chảy cũng diễn biến phức tạp,...

Để phòng tránh dịch bệnh, ngành Y tế huyện tổ chức phun thuốc diệt lăng quăng, diệt muỗi ở các xã có nguy cơ bùng phát dịch: Bình Phong Thạnh, Bình Thạnh, Bình Hòa Tây (mỗi xã tổ chức phun 2 đợt). Mạng lưới cán bộ y tế các ấp và nhân viên chăm sóc sức khỏe cộng đồng được tăng cường, vận động người dân vệ sinh môi trường, xử lý các vật dụng chứa nước, vệ sinh nhà ở, vệ sinh cá nhân, tư vấn người dân giữ ấm cơ thể và ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng”.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh - bác sĩ CKII Huỳnh Hữu Dũng cho biết: “Khi trời lạnh, người cao tuổi thường mắc hoặc tái phát các bệnh về hô hấp, tim mạch, xương khớp. Ngoài ra, các bệnh dạ dày,
viêm đại tràng co thắt cũng ảnh hưởng đến sức khỏe người cao tuổi trong mùa lạnh.

Cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để phòng tránh bệnh tay - chân - miệngĐể phòng tránh các bệnh xảy ra trong mùa lạnh, cần ăn uống đủ bữa, đủ chất để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, cần tăng bữa và chia nhỏ bữa cho người lớn tuổi và trẻ em, đồng thời, thức ăn phải nóng, ấm và nhiều chất đạm. Đặc biệt, việc giữ ấm cơ thể là biện pháp hàng đầu để phòng bệnh mùa lạnh. Nếu thời tiết không quá lạnh thì nên tập những bài tập thể dục nhẹ và thời gian ngắn. Nếu có biểu hiện bệnh, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời”./.

Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận: 2.113 ca mắc tay - chân - miệng, giảm 22,6% so với cùng kỳ, không ghi nhận tử vong; đồng thời, ghi nhận 2.332 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 16% so với cùng kỳ, không có ca tử vong do mắc sốt xuất huyết, giảm 3 ca so với cùng kỳ; 1 ca mắc do vi-rút Zika.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết