Tiếng Việt | English

16/07/2020 - 14:58

Chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh dịch Covid-19

Thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19, việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm bệnh có ý nghĩa quan trọng. Giữa lúc này, các cơ sở y tế vừa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, vừa nâng chất lượng khám phân luồng và điều trị bệnh. Công tác dân số - sức khỏe sinh sản (DS-SKSS) trên địa bàn tỉnh Long An cũng được chú trọng thực hiện và đạt nhiều kết quả thiết thực.

Tầm soát sớm các bệnh

Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) được triển khai 2 đợt, mỗi đợt 1,5 tháng tại 186 xã, phường, thị trấn thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đợt 1 kết thúc trước ngày 01-7-2020. Đợt 2 kết thúc trước ngày 01-10-2020. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm hỗ trợ cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho phụ nữ.

Công tác truyền thông và tư vấn phụ nữ thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản luôn được chú trọng thực hiện

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (phường 5, TP.Tân An) chia sẻ: “Các đợt chiến dịch do ngành DS phối hợp tổ chức tại trạm y tế, tôi đều tham gia đầy đủ. Khi đến trạm y tế kiểm tra sức khỏe định kỳ, siêu âm, tầm soát sớm các bệnh, nhất là bệnh ung thư cổ tử cung miễn phí, tôi còn được nhân viên y tế hướng dẫn sát khuẩn tay, cách chăm sóc SKSS trong mùa dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”.

Mộc Hóa là một trong những địa phương thực hiện tốt chiến dịch này. Ngoài ra, các đối tượng có nhu cầu về phương tiện tránh thai, hàng hóa SKSS có thể liên hệ với các cơ sở y tế trên địa bàn, nơi cung cấp dịch vụ, hiệu thuốc, cộng tác viên DS - gia đình và trẻ em (CTV DS) để được hướng dẫn và cung cấp dịch vụ đầy đủ.

Trưởng phòng DS, Trung tâm Y tế huyện Mộc Hóa - Phan Thị Duy Linh cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc SKSS cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn, nhất là việc thực hiện giãn cách xã hội đã gây tâm lý hoang mang cho người dân khi đến thăm khám tại các cơ sở y tế. Trước tình hình trên, đội ngũ làm công tác DS tập trung công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách DS và phòng, chống dịch bệnh tại gia đình. Hệ thống y tế - DS của huyện vẫn duy trì hoạt động tư vấn, chăm sóc SKSS cho chị em có nhu cầu. Huyện duy trì việc tiếp nhận, bảo quản, cung ứng các phương tiện tránh thai, hàng hóa SKSS, thuốc thiết yếu, vật tư y tế tiêu hao theo đúng quy định”.

Tiếp cận các dịch vụ

Cũng như Mộc Hóa, huyện Châu Thành duy trì thực hiện nhiều mô hình nâng cao chất lượng DS như xã, thị trấn; ấp, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Ngay từ đầu năm, Ban DS-KHHGĐ cấp huyện và cấp xã triển khai các hoạt động DS/SKSS có đánh giá tiến độ thực hiện theo từng thời điểm, từ đó đề ra giải pháp khắc phục khó khăn, nhất là việc nâng cao nhận thức về nhu cầu chăm sóc SKSS phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh đại dịch.

Quan sát trực tiếp biến đổi tế bào bề mặt cổ tử cung với Acid Acetic và phương pháp sàng lọc và tầm soát ung thư cổ tử cung cho phụ nữ

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Phú Long - Phan Thị Mộng Thường thông tin: “Chúng tôi tăng cường lãnh, chỉ đạo các ngành, đoàn thể triển khai thực hiện công tác tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác DS và phát triển. Theo đó, hoạt động truyền thông được ngành, đoàn thể xã lồng ghép thông qua các cuộc họp, sinh hoạt chi, tổ hội. CTV DS thực hiện vãng gia đến từng hộ gia đình nhằm bảo đảm phụ nữ và trẻ em gái được chăm sóc SKSS/KHHGĐ trong điều kiện dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp”.

Khi được tiếp cận thông tin, phụ nữ và trẻ em gái có nhiều cơ hội lựa chọn các biện pháp hợp lý trong chăm sóc sức khỏe. Qua đó, góp phần giảm nguy cơ tử vong và khuyết tật liên quan tới mang thai hoặc sinh con cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Chị Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, ngụ xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Trước khi kết hôn, tôi được vận động đến tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Khi mang thai, tôi được khám sức khỏe trước và sau khi sinh. Tôi còn được trạm y tế gửi thư mời đưa bé đi tiêm ngừa hàng tháng đúng lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhằm phòng ngừa các bệnh nguy hiểm”.

Đến nay, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, mọi hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, trong trường hợp sức khỏe ổn định, không có dấu hiệu bất thường, phụ nữ mang thai không cần thiết đi khám thai theo định kỳ nhằm phòng tránh việc lây nhiễm chéo dịch bệnh tại các cơ sở y tế. Trong trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì sản phụ cần đến ngay cơ sở y tế. Ngoài ra, người có nhu cầu thực hiện KHHGĐ và điều trị bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản cũng nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh - Đoàn Văn Ngà khuyến cáo: “Nhằm bảo đảm sức khỏe cho người bệnh và nhân viên y tế, mỗi khách hàng, bệnh nhân khi đến khám và điều trị cần tiếp tục tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và cơ sở y tế như sát khuẩn tay và đeo khẩu trang đúng cách. Tất cả bệnh nhân, bao gồm cả thân nhân phải điền đầy đủ thông tin vào tờ khai y tế để sàng lọc bệnh nhân có nguy cơ trước khi đăng ký khám, chữa bệnh”.

Chăm sóc SSSK được xem là một trong những nội dung đạt kết quả tích cực trong lĩnh vực DS-KHHGĐ. Phụ nữ và trẻ em gái được chăm sóc sức khỏe toàn diện không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn góp phần thực hiện bình đẳng giới, nâng cao chất lượng DS và sự phát triển KT-XH của đất nước./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết