Tiếng Việt | English

24/02/2017 - 11:45

Chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo

Nhà giáo, những người ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai, yêu cầu gương mẫu về đạo đức, lối sống luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, những vi phạm đạo đức của nhà giáo không những gây nhiều bức xúc trong dư luận mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội vào ngành giáo dục. Chấn chỉnh những vi phạm ấy là yêu cầu bức thiết đang được đặt ra.

Việc hiệu trưởng, hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) bị cách chức liên quan đến vụ tai nạn của một học sinh của trường tạm thời khép lại chuyện không hay của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) râm ran trong dư luận thời gian qua và làm nhói lòng những nhà giáo giàu lương tâm, trách nhiệm. Sự giả dối ngoài xã hội đã không thể chấp nhận thì trong môi trường giáo dục càng không thể chấp nhận hơn. Đằng này, tác giả của sự giả dối ấy lại là cán bộ lãnh đạo của một trường tiểu học. Rồi tình trạng bạo lực học đường vẫn còn xảy ra, không chỉ học sinh đánh nhau mà có trường hợp thầy trò ẩu đả cùng nhiều vụ việc không hay khác càng làm dư luận bức xúc.

Trước những vụ việc ấy, chúng ta nghĩ sao về đạo đức của người thầy hiện nay? Họ có xứng đáng là gương sáng cho học sinh noi theo. Dẫu biết rằng, "con sâu làm sầu nồi canh" nhưng tiếng xấu ấy làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin cũng như uy tín của ngành.

Chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn trong các cơ sở giáo dục của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - Phùng Xuân Nhạ vừa ban hành, yêu cầu phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục tăng cường bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, không những chấn chỉnh trong ngành mà còn đáp ứng sự mong mỏi của xã hội. Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc tập trung kiểm tra chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên khi để xảy ra các vụ việc liên quan đến vi phạm đạo đức nhà giáo hoặc các vụ việc ảnh hưởng đến an toàn của người học. Xử lý kịp thời, nghiêm túc theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm. Các Sở GD-ĐT cũng cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường nền nếp, kỷ cương, xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học,...

Ngoài các yêu cầu về bảo đảm an toàn cho học sinh tại các cơ sở giáo dục, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc tập trung kiểm tra chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo được dư luận đồng tình cao. Phải mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, trị những bệnh đã được chỉ ra và loại bỏ những u nhọt trong ngành, có như thế mới tạo được lòng tin đối với phụ huynh và xã hội.
Thầy mẫu mực, trò chăm ngoan, đã dấn thân với sự nghiệp trồng người xin hãy đặt lương tâm và trách nhiệm lên hàng đầu để đào tạo thế hệ tương lai của đất nước thật sự vừa hồng, vừa chuyên!

Từ Nguyên

Chia sẻ bài viết