Tiếng Việt | English

23/10/2019 - 07:25

Chặn vòi 'Tín dụng đen' - bài 2: Hoạt động tín dụng đen vẫn phức tạp

"Tín dụng đen", cho vay nặng lãi gây ra nhiều hệ lụy nhưng có nhiều người vẫn bất chấp để vay. Để đấu tranh, ngăn ngừa tín dụng đen, ngành chức năng đã rà soát, nắm bắt các cá nhân, nhóm liên quan đến "tín dụng đen", cho vay, đòi nợ nhằm giám sát, ngăn chặn và xử lý vi phạm.

Công an tạm giữ những sổ hộ khẩu thế chấp vay

Công an tạm giữ những sổ hộ khẩu thế chấp vay "tín dụng đen" (Ảnh: T.P)

Rà soát cá nhân, nhóm cho vay, đòi nợ

Theo nhận định của ngành chức năng, thời gian qua, hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi có chiều hướng gia tăng. Nổi lên nhiều là các địa bàn phát triển công nghiệp có nhiều công nhân như Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức, TP.Tân An (tỉnh Long An). Hiện các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" chú trọng đến đối tượng cho vay là công nhân ở các khu, cụm công nghiệp. Có những trường hợp người vay đưa thẻ ATM để các đối tượng cho vay giữ. 

Theo Đại tá Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Công an tỉnh, hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, tâm lý lo lắng trong nhân dân. Thời gian qua, lực lượng công an tiến hành rà soát, lên danh sách các cá nhân, nhóm hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê nhằm quản lý, đấu tranh, phòng chống.

Tại một hội nghị chuyên đề tổ chức trong tháng 8-2019, ngành chức năng đã đưa ra con số thống kê, trên địa bàn tỉnh có 535 cá nhân, 34 nhóm cho vay, có biểu hiện cho vay và đòi nợ. Đơn cử như Cần Giuộc có 4 nhóm với 84 người, Thạnh Hóa 4 nhóm với 29 người, Bến Lức 12 nhóm với 169 người, Tân An 6 nhóm với 39 người, Châu Thành 6 nhóm với 48 người, Đức Hòa 5 nhóm với 15 người,...

Các đối tượng cho vay đa số là người từ địa phương khác đến. Hình thức cho vay không có hợp đồng, không cần thế chấp, chỉ viết giấy nợ với tổng số tiền vay cộng với lãi suất (không thể hiện lãi suất), vay trả góp hàng ngày thì thỏa thuận miệng, vay có thế chấp tài sản thì lập hợp đồng giả cách mua bán tài sản thế chấp. Thượng tá Huỳnh Văn Trinh - Phó Trưởng Công an huyện Cần Giuộc, cho biết thêm: “Nhiều đối tượng cho vay nặng lãi có tiền án, tiền sự, lưu manh, côn đồ”. 

Theo thống kê của ngành chức năng, đến tháng 8-2019, trên địa bàn tỉnh có gần 300 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự liên quan đến hoạt động cho vay như kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh vàng, điện thoại kết hợp với dịch vụ cầm đồ. Tài sản thế chấp chủ yếu là vàng bạc, xe máy, nhà đất. Lãi suất thể hiện trên hợp đồng đúng theo quy định của Bộ luật Dân sự (không quá 20%/năm) nhưng thực tế, người đi cầm tài sản phải trả lãi từ 6-10%/tháng, có nơi lên đến 20%/tháng.

"Tín dụng đen" núp bóng công ty, văn phòng tài chính 

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Long An - Nguyễn Thành Vững cho biết: “Qua tổng hợp thông tin từ các ngành chức năng cho thấy, thời gian qua đã phát hiện hoạt động "tín dụng đen" núp bóng dưới hình thức các công ty, văn phòng tài chính”. 

 Thực tế đã phát hiện có một số công ty đăng ký hoạt động cho thuê xe dịch vụ, mua bán xe nhưng bản chất bên trong là hoạt động cho vay tín chấp hoặc thế chấp tài sản với lãi suất cao. Tuy nhiên, hình thức này được ngụy trang bằng hợp đồng cho thuê xe hoặc mua bán xe với thủ đoạn làm hợp đồng mua, bán xe bằng với số tiền cho vay. Từ đó, tiếp tục làm hợp đồng cho khách hàng thuê lại xe của mình hoặc khi người dân đến vay tiền thì công ty định giá xe thấp hơn giá trị làm căn cứ tính số tiền cho vay, sau đó yêu cầu người vay ký hợp đồng mua, bán xe và hợp đồng thuê xe tự lái với công ty. Phí thuê xe tự lái là 4.000 đồng/ngày/1 triệu đồng, nếu người vay không đóng lãi đúng thì công ty đến đòi nợ hoặc thu hồi xe.

Ngoài ra, ngành chức năng cũng phát hiện 2 công ty tài chính kết hợp với các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa tiêu dùng cho vay tiền bằng hình thức tín chấp; tư vấn tài chính, dịch vụ cầm đồ. Hay như tại địa bàn TP.Tân An đã phát hiện có 4 công ty dịch vụ tài chính nghi vấn có dấu hiệu hoạt động "tín dụng đen". Các công ty này đều do các đối tượng ở các tỉnh phía Bắc vào thuê địa điểm hoạt động chủ yếu cho vay nặng lãi với hình thức sử dụng hợp đồng giả cách để đối phó với các cơ quan chức năng. 

Vay của "tín dụng đen", người vay phải trả lãi suất rất cao nhưng tại sao vẫn có nhiều người chấp nhận? Một trong những lý do là thủ tục vay đơn giản, nhanh chóng. Ngoài ra, đối tượng vay tiền từ đối tượng hoạt động "tín dụng đen", công ty tài chính, cầm cố tài sản đều có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm, thu nhập thấp, người đang cần một số tiền để giải quyết khó khăn đang gặp hoặc để làm ăn.

Theo Thượng tá Lê Thành Trung - Trưởng Công an huyện Đức Hòa, cũng có nhiều người vay để đánh bạc hoặc sử dụng vào các hoạt động bất hợp pháp. Có trường hợp một người vay của nhiều người. Vay của người này rồi trả cho người kia một ít, số tiền còn lại thì mang đi bài bạc./.

(còn tiếp)

Bài 3: Tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo, xử lý

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích