Tiếng Việt | English

10/12/2016 - 18:09

Chàng kỹ sư trẻ và những sáng kiến hỗ trợ sản xuất thanh long

Tiếp chúng tôi tại văn phòng Công ty (Cty) TNHH TM Hiệp Phát (HIPACO) Long An vào một buổi sáng cuối năm khá bận rộn, trong không khí ồn ào bởi những tiếng máy hàn, máy cắt sắt, anh vừa pha nước mời khách, vừa nhắc nhở anh em công nhân làm... nhẹ tay để anh trò chuyện. Anh là Nguyễn Văn Cường (SN 1982), quê ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành, Giám đốc Cty.

Vốn là kỹ sư cơ khí, tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp, anh làm việc cho các Cty nước ngoài ở TP.HCM một thời gian thì về quê lập nghiệp, làm giáo viên dạy cơ khí ở Trung tâm Dạy nghề Bến Lức và mở xưởng cơ khí ở số 827, ấp Bình Nam, xã Bình Tâm, TP.Tân An.

Ban đầu, xưởng cơ khí chỉ có hơn chục công nhân (những công nhân này đều là học trò của anh ở Trung tâm Dạy nghề Bến Lức). Lực lượng tuy mỏng nhưng có thể nhận đủ loại đơn hàng, từ máy trộn thức ăn gia súc đến máy cắt lục bình, cắt rau, chuối,... Xưởng của anh không có hàng sẵn, ai đặt gì làm nấy. Khách hàng cần loại máy nào đến mô tả trực tiếp với anh, anh tính toán và làm theo yêu cầu.

Kỹ sư Nguyễn Văn Cường bên chiếc máy rửa thanh long

Anh Nguyễn Văn Cường nhớ lại: "Từ khi còn làm việc ở trung tâm dạy nghề, ngày ngày đi về qua các vườn thanh long, thấy người dân tỉa cành, hoa, vứt xuống các dòng kênh, rãnh nước làm ảnh hưởng đến môi trường, có hôm thấy nông dân hì hục băm nhỏ những cành thanh long già, cành có mầm bệnh bằng tay để xử lý, tôi nhen nhóm ý tưởng về chiếc máy băm dây thanh long. Ban đầu, tôi chỉ chế tạo 1 chiếc máy băm dây thanh long cho gia đình sử dụng".

Sau một thời gian vận hành, thấy hiệu quả của máy băm dây thanh long, nhiều nông dân đến đặt hàng. Những dây thanh long già, dây mang mầm bệnh sau khi được băm nhỏ kết hợp một số chế phẩm vi sinh để ủ thành phân hữu cơ đem bón lại cho cây, giúp tăng năng suất cây trồng, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Máy băm dây thanh long hoạt động dựa trên nguyên lý tổ hợp nhiều dao băm và quạt đẩy vụn thanh long ra ngoài. Sản phẩm được thiết kế an toàn cho người sử dụng, di chuyển dễ dàng trong vườn thanh long bằng hệ thống bánh xe đẩy được đặt ở phía dưới. Sản phẩm này được bán với giá 12,6 triệu đồng/máy cho loại động cơ chạy bằng xăng và 11,6 triệu đồng/máy động cơ điện 3 pha.

Sau đó, anh Cường nghỉ việc ở trung tâm dạy nghề để tập trung phát triển xưởng. Đến năm 2013, anh thành lập Cty TNHH TM Hiệp Phát (HIPACO) Long An. Qua quan sát thực tế, thấy nhân công làm ngày càng ít nhưng việc ở các kho thanh long thì ngày một nhiều, nhất là khâu làm sạch thanh long trước khi đóng gói, anh lại nảy ra ý tưởng chế tạo dây chuyền rửa thanh long. Anh cùng các cộng sự làm việc ròng rã trong 3 tháng để tạo ra một dây chuyền rửa thanh long.

Cơ sở thu mua thanh long xuất khẩu Linh Nga (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) là một trong những cơ sở mua và sử dụng máy rửa thanh long của anh Cường. Cơ sở này đang sở hữu máy rửa dài 9m với giá 256 triệu đồng. Máy được chia làm 3 bộ phận: Ngâm sơ bộ, hệ thống rửa bằng vòi phun sương cao áp, hệ thống quạt gió làm ráo thanh long. Máy sử dụng điện 1 hoặc 3 pha, 1 giờ chỉ tiêu tốn khoảng 5-6kWh điện, công suất 3,5-5 tấn/giờ đối với thanh long ruột đỏ và ruột trắng thì có thể đạt 6-7 tấn/giờ.

Nguyên lý hoạt động và vận hành của máy rất đơn giản, sau khi khởi động toàn hệ thống bằng công tắc, công nhân đưa các khay chứa thanh long vào bộ phận ngâm sơ bộ của máy, sau đó chuyển lên băng tải, trái được tải qua hệ thống vòi phun đảo chiều, được làm sạch và lau khô trước khi đóng gói.

Ngoài ra, Cty còn có máy rửa thanh long dài 7m với giá thành thấp hơn, cũng được nhiều cơ sở tin dùng. Chị Phạm Hồng Nga - chủ cơ sở Linh Nga cho biết: "Với chiếc máy này, tỷ lệ rửa sạch đạt hiệu quả đến 95%, tiết kiệm chi phí nhân công và thời gian so với rửa thủ công, nâng giá trị trái thanh long xuất khẩu".

Sau khoảng 4 năm thành lập, Cty Hiệp Phát Long An xuất xưởng được khoảng 40 máy băm dây thanh long và 55 máy rửa thanh long, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân ở nhiều địa phương: Long An, Tiền Giang, Bình Thuận, Vĩnh Long,...

Không chỉ nhận được những bằng khen về thành tích sáng chế do huyện, tỉnh, Trung ương trao tặng, anh Cường còn nhận được nhiều lời khen ngợi từ những ai đã và đang sử dụng các thiết bị nông nghiệp do anh chế tạo./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết