Tiếng Việt | English

17/10/2017 - 16:36

Chanh rớt giá, nông dân lãi ít

Rớt giá, nhiều hộ trồng chanh lãi ít. Một số hộ không dám thuê nhân công mà tận dụng công nhà để thu hoạch vì sợ lỗ vốn,...

Lãi không bao nhiêu

Thay vì thuê nhân công để hái chanh khi vào đợt thu hoạch, mấy ngày nay, ông Huỳnh Hữu Hạnh, ngụ ấp 1, xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An tận dụng công nhà. “Thuê nhân công với giá 20.000 đồng/giờ/người, trong khi giá chanh thấp quá, thuê người làm thì sẽ không có lãi” - ông cho biết.

Theo lời ông Hạnh, cách đây nửa tháng, giá chanh “tuột dốc” còn 3.000 đồng/kg, hiện nay “nhích” lên 5.000 đồng/kg chanh có hạt và 4.500 đồng/kg chanh không hạt. Hiện tại, vườn chanh của ông Hạnh có 250 gốc, trong đó có 120 gốc đang thu hoạch. Trung bình, mỗi tháng, ông bán hơn 200kg chanh. Với giá hiện tại, trừ chi phí vật tư, ông huề vốn.

Chanh rớt giá, nông dân không có lời nhiều như những vụ trướcNgoài Bến Lức, nông dân xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa trồng chanh cũng không lãi nhiều trong vụ này. Năm 2011, trồng 750 gốc chanh và thu hoạch nhiều vụ nên ông Phạm Minh Thành, ngụ ấp Hóc Thơm 2, xã Hòa Khánh Tây lấy lại được vốn. Cách đây 2 năm, ông trồng thêm 450 gốc, số chanh này đang cho trái. “Chỉ tính riêng 450 gốc chanh trồng sau, tôi đầu tư hơn 150 triệu đồng và chưa lấy lại vốn. Vào tháng 3, chanh có giá 15.000 đồng/kg, người trồng lãi nhiều, còn bây giờ lãi không bao nhiêu” - ông Thành bộc bạch. Với 1.200 gốc chanh, mỗi kỳ thu hoạch (20 ngày) gần 4 tấn, ông bán được gần 15 triệu đồng. Ông Thành nói: “Nếu trừ chi phí thuê công hái chanh và tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu, tôi còn lãi hơn 4 triệu đồng”.

Cần liên kết sản xuất

Tình trạng chanh rớt giá trở thành “điệp khúc”. Theo ông Huỳnh Hữu Hạnh, chanh chỉ có giá vào mùa nắng; còn từ tháng 7 trở đi, năm nào, giá chanh cũng thấp. Nông dân dù biết trước tình trạng này nhưng cũng không thể nào “tránh” được, từ khi thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất, có hợp đồng thu mua thì giá bán ổn định được.

Tuy nhiên, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 1, xã Lương Bình, huyện Bến Lức - Trần Văn Chà chia sẻ: “Khi vận động vào tổ hợp tác, nhiều nông dân lại không đồng ý vì quen tập quán sản xuất cũ, sợ tham gia tổ hợp tác phải làm theo quy trình, ghi chép sổ theo dõi,...”.

Ở xã Hòa Khánh Tây, năm 2016, Tập đoàn Vingroup từng đến khảo sát vùng trồng chanh và dự định ký kết thu mua, bao tiêu sản phẩm nhưng không thành công. Ông Phạm Minh Thành vừa là nông dân trồng chanh, vừa là Tổ trưởng Tổ Nghề nghiệp xã Hòa Khánh Tây, cho biết nguyên nhân: “Khi công ty yêu cầu sản xuất theo đúng quy trình thì nông dân không đồng ý. Vì vậy, việc ký kết không thành. Tôi nhiều lần đến từng hộ trồng chanh vận động nhưng không ai đồng ý. Vì vậy, “điệp khúc” chanh rớt giá do không có hợp đồng tiêu thụ”.

Cũng theo ông Thành, ngoài việc thành lập tổ hợp tác, địa phương nên mở nhiều lớp tập huấn giúp nông dân nắm bắt khoa học - kỹ thuật, biết được tình hình biến đổi khí hậu và chủ động ứng phó với dịch bệnh. Từ đó, hạn chế tình trạng chanh bị nhiễm bệnh, góp phần tăng năng suất, hiệu quả kinh tế./.

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết