Tiếng Việt | English

05/05/2020 - 15:05

Chất lượng điều hành kinh tế nổi bật trong báo cáo PCI 2019

Bảng xếp hạng PCI năm 2019 cho thấy Quảng Ninh dẫn đầu với 73,40 điểm, giữ vị trí quán quân 3 năm liên tiếp. Các vị trí kế tiếp là Đồng Tháp 72,10 điểm, Vĩnh Long 71,30 điểm...

Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Dựa trên cơ sở chỉ số PCI gốc, kết quả cho thấy chất lượng điều hành kinh tế tại Việt Nam có sự cải thiện liên tục theo thời gian. Riêng năm 2019, tỉnh trung vị [vị trí trung bình-pv] ghi nhận điểm số PCI gốc đạt 63,25 điểm, vượt mức kỷ lục năm 2018 để trở thành điểm số PCI gốc cao nhất trong 15 năm thực hiện PCI đến nay.

Đây là một trong những điểm nổi bật của Báo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện và công bố ngày 5/5.

Bảng xếp hạng PCI năm nay cho thấy Quảng Ninh tiếp tục giữ dẫn đầu với 73,40 điểm và là năm thứ 3 liên tiếp giành vị quán quân. Đứng thứ hai là Đồng Tháp với 72,10 điểm. Các vị trí kế tiếp là Vĩnh Long 71,30 điểm và Bắc Ninh 70,79 điểm. Ngoài ra các tỉnh, thành phố khác lần lượt nằm trong top 10, bao gồm Đà Nẵng 70,15 điểm, Quảng Nam 69,42 điểm, Bến Tre 69,34 điểm, Long An 68,82 điểm, Hà Nội 68,80 điểm và Hải Phòng 68,73 điểm.

Kết quả điều tra chỉ ra môi trường kinh doanh đã được cải thiện. Cụ thể, 54,1% doanh nghiệp cho biết thái độ của chính quyền địa phương đối với khu vực kinh tế tư nhân là tích cực, mức cao nhất kể từ năm 2006 (48,3%), (mức đáy là 35,1% của năm 2015). Bên cạnh đó, 80% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Các Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố đã linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân” và cũng là mức cao nhất trong 15 năm thực hiện điều tra PCI.

Các số chỉ tiêu liên quan tới công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp cũng cho thấy sự cải thiện rõ rệt. Có tới 74,1% doanh nghiệp cho biết các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh (năm 2017 và 2018 lần lượt là 67% và 68,5%). Đáng lưu ý, 82,5% doanh nghiệp hài lòng với phản hồi và cách giải quyết của cơ quan chính quyền đối với những vướng mắc, khó khăn mà họ đã phản ánh và cao hơn đáng kể so với mức 77,4% của năm 2018.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra một số lĩnh vực cải cách còn còn chậm, thủ tục vẫn phiền hà như 59% doanh nghiệp phàn nàn còn gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, 53% doanh nghiệp vướng mắc trong thủ tục liên quan tới lĩnh vực xây dựng và quy hoạch, 43% doanh nghiệp khó khăn khi xin quyết định chủ trương đầu tư.

Chi phí không chính thức vẫn là vấn đề nhức nhối khi trên 50% số doanh nghiệp “tiết lộ” vẫn phải chi trả khoản tài chính này trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ chỉ số PCI năm 2019 phản ánh cục diện cải cách và môi trường kinh doanh ở cấp địa phương ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tình hình mới này đã thay đổi với những lo lắng về khả năng suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, ông Lộc tin tưởng chỉ số niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào sự điều hành của các cấp chính quyền năm 2020 vẫn khả quan.

“Hiện, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh để có thể mở cửa lại thị trường, tái khởi động, phục hồi nền kinh tế. Chúng ta cũng hiểu rằng tái khởi động không phải là làm theo cách cũ bởi thế giới sau đại dịch sẽ thay đổi so với trước đây. Các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế đang đảo chiều, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại một cách tin cậy và bền vững. Theo đó, các doanh nghiệp cần kinh doanh sáng tạo và trách nhiệm hơn. Bên cạnh đó, chính quyền kiến tạo sẽ song hành với doanh nghiệp trở thành những mái chèo đưa con thuyền kinh tế Việt Nam vươn ra biển lớn” ông Lộc nhấn mạnh./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết