Tiếng Việt | English

22/03/2017 - 03:57

Chất lượng khám, chữa bệnh nâng lên với chi phí thấp nhờ chuyển giao kỹ thuật cao

Tại Long An, Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện (BV) tuyến trên về hỗ trợ các BV tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (gọi tắt là Đề án 1816) được triển khai vào năm 2008. Từ đề án này, người dân được hưởng lợi trực tiếp từ việc chuyển giao kỹ thuật chuyên môn đến nhiều cán bộ y tế được đào tạo, tăng cường sự gắn bó giữa y tế cơ sở với tuyến trên.

Nâng chất trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân

Nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ

Phó Giám đốc Sở Y tế - Tiến sĩ, bác sĩ Võ Thị Dễ thông tin, thời gian qua, cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh được các chuyên gia, giáo sư, bác sĩ tuyến trên hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chuyên môn theo Đề án 1816 với nhiều chuyên ngành: Kỹ thuật tán sỏi nội soi bằng xung hơi, thận nhân tạo; kỹ thuật phẫu thuật thay khớp gối; kỹ thuật cấp cứu tim mạch,...

Sau khi nhận được sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của các đơn vị, chất lượng khám, chữa bệnh tại các BV trong tỉnh được nâng lên rõ rệt, các kỹ thuật cao được cán bộ y tế tiếp nhận và thực hiện thành thạo, tạo niềm tin cho bệnh nhân và giảm số bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên điều trị.

Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh là một trong những bệnh viện thực hiện thành công Đề án 1816. Sau thời gian triển khai, BVĐK tỉnh đón nhiều lượt cán bộ từ Trường Đại học Y Dược TP.HCM, BV Chợ Rẫy, BV Nhi Đồng 1, BV Hùng Vương, BV Mắt TP.HCM, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch,... theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Các cán bộ luân phiên của tuyến trên hướng dẫn, chuyển giao nhiều kỹ thuật chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế của BVĐK tỉnh.

Giám đốc BVĐK tỉnh - bác sĩ Võ Công Luận cho biết: “Các bác sĩ BV tuyến trên hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật giúp cán bộ y tế BVĐK học tập nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Đặc biệt là ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong khám, điều trị bệnh, khám sàng lọc bệnh, hội chẩn trước khi phẫu thuật, kỹ năng phẫu thuật, cách chăm sóc bệnh nhân hậu phẫu thuật, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh,...”.

Đặc biệt, Long An đang triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành Nhi và Sản khoa, chuẩn bị hoạt động tại cơ sở mới. Với đề án này, BVĐK tỉnh được BV Nhi Đồng 1 chuyển giao nhiều gói kỹ thuật chuyên ngành Nhi theo đề án BV vệ tinh.

Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM chuyển giao cho Bệnh viện Ða khoa Long An các gói kỹ thuật chuyên ngành Nhi khoa. Ảnh: Lê Cánh

Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh) - bác sĩ CKI Vũ Văn Bến chia sẻ: “Khoa Nhi thời gian qua nhận được sự giúp đỡ của BV Nhi Đồng 1 chuyển giao nhiều kỹ thuật hiện đại trong việc chăm sóc sức khỏe, hồi sức cấp cứu bệnh nhi cả sơ sinh lẫn trẻ lớn. Tất cả các kỹ thuật mà BV Nhi Đồng 1 chuyển giao, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng của khoa thực hiện khá tốt: Kỹ thuật đặt CVP, kỹ thuật đo áp lực bàng quang, kỹ thuật đặt tĩnh mạch cảnh trong, kỹ thuật sốc điện, kỹ thuật Heimlich, kỹ thuật chọc hút màng phổi, kỹ thuật đo huyết áp động mạch xâm lấn,... Đến nay, kỹ năng của đội ngũ y, bác sĩ trong khoa về điều trị, chăm sóc bệnh nhi nặng như sốt xuất huyết, nhiễm trùng huyết, tay - chân - miệng, trẻ sơ sinh non tháng,... được nâng lên rõ rệt và thành công trong điều trị. Điều này giúp giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên và đỡ tốn kém thời gian lẫn chi phí cho gia đình bệnh nhi”.

Bác sĩ Vũ Văn Bến thông tin thêm, năm qua, nhờ được chuyển giao từ BV Nhi Đồng 1, Khoa Nhi áp dụng kỹ thuật bơm Surfactant điều trị suy hô hấp nặng cho trẻ sơ sinh cho trên 10 ca bệnh tại khoa. Ðây là kỹ thuật mới tiên tiến trong lĩnh vực hồi sức sơ sinh. Hầu hết đều thành công.

Người bệnh được tiếp cận kỹ thuật cao

Mắc bệnh suy thận mạn từ năm 2008, từ đó đến nay, ông Đỗ Tấn Trung (64 tuổi, ngụ ấp 3, xã Phước Vân, huyện Cần Đước) phải điều trị và chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.

Ông Tấn Trung kể, trước đây, ông điều trị và chạy thận nhân tạo tại BV Chợ Rẫy. Có thời gian ông chuyển qua chạy thận nhân tạo tại BV tư nhân Đức Khang vì BV Chợ Rẫy quá tải. Tháng 4/2016 đến nay, Trung tâm Y tế huyện Bến Lức có máy chạy thận nhân tạo, ông chuyển về điều trị tại đây.

Hay chị Nguyễn Thị Yến Nhi, ở phường 1, TP.Tân An bị đục thủy tinh thể ở mắt phải và được bác sĩ chỉ định điều trị bằng phẫu thuật thay thủy tinh thể. Ca phẫu thuật được Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Duy - Khoa Mắt BVĐK tỉnh thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật từ BV Mắt TP.HCM vào tháng 12/2016.


Nâng cao trình độ chuyên môn trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

Chị Yến Nhi cho biết, sau khi được điều trị bằng biện pháp phẫu thuật, đến giờ mắt phải của chị nhìn rất rõ và thuận lợi trong sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, khi được điều trị tại BVĐK tỉnh, chi phí điều trị chỉ ở mức 1,5 triệu đồng, thấp hơn 6-7 lần so với đến BV Mắt TP.HCM. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Duy cho biết, được sự hỗ trợ từ tuyến trên, đến nay, tại BVĐK tỉnh phẫu thuật thay thủy tinh thể cho gần 1.000 trường hợp mỗi năm.

Tiến sĩ, bác sĩ Võ Thị Dễ cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Long An tiếp tục nhận sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ các BV tuyến trên theo Đề án 1816 và chương trình hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa Long An và TP.HCM; đồng thời, triển khai thực hiện Đề án BV vệ tinh của BVĐK Long An với các BV hạt nhân (BV Nhi Đồng 1, BV Chợ Rẫy, BV Từ Dũ, BV Chấn thương Chỉnh hình)./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết