Tiếng Việt | English

25/01/2017 - 15:47

"Chất quê" chợ tết quê

Không quá ồn ào, đông đúc như thành thị, chợ tết ở quê chỉ “chộn rộn” từ độ 23 tháng Chạp. Những phiên chợ tết ở vùng nông thôn là nơi mua sắm, điểm dạo chơi, ngắm các mặt hàng ngày xuân. Và, đó cũng là hình ảnh thân quen, bình dị đối với nhiều người mỗi lần nhắc đến tết quê.

Phong phú các mặt hàng

Những năm gần đây, khi đời sống người dân ngày càng được nâng cao thì ở những chợ vùng nông thôn, các tiểu thương cũng nhập hàng hóa phong phú về thể loại, mẫu mã nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm tết. Từ chợ miền hạ Bình Hòa, huyện Tân Trụ ngược đến chợ Tân Lập, huyện Thủ Thừa, chợ Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa và chợ biên giới Tho Mo ở huyện Đức Huệ, những mặt hàng tết đã sẵn sàng.

Đáp ứng nhu cầu của khách ngày tết, chị Lê Thị Bền, tiểu thương chợ Tho Mo bán thêm hoa vải

Tại chợ Hiệp Hòa vào những ngày cuối tuần, nhiều bà nội trợ bắt đầu mua sắm tết. Chị Nguyễn Thị Nhung, tiểu thương chợ Hiệp Hòa cho biết: “Trước đây, người dân ở vùng này muốn mua sắm tết đều đi chợ Bàu Trai - ở thị trấn Hậu Nghĩa, vì có nhiều mặt hàng hơn so với chợ Hiệp Hòa. Nhưng những năm gần đây, nhiều người cũng đi chợ tết ở đây, nhất là công nhân”. Chợ Hiệp Hòa bây giờ có đầy đủ các mặt hàng phục vụ tết như bánh, mứt, quần áo, giày dép, các loại hoa và hàng trang trí tết.

Nhằm chủ động phục vụ thị trường tết, khoảng mùng 10 tháng Chạp, các tiểu thương ở chợ Hiệp Hòa nhập hàng về bán. Chủ tiệm tạp hóa 5 Khiêm nói rằng: “Năm nay, tôi lấy đủ các loại mứt, bánh và nhận gói giỏ quà tặng tết. Những loại bánh, mứt này, tôi lấy ở tỉnh Tiền Giang, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhất là hạn sử dụng và mẫu mã bao bì đẹp,... Tuy nhiên, số lượng nhập hàng ít vì sức mua dự đoán không nhiều như năm trước”.

Còn ở chợ Tho Mo, dù là chợ vùng biên giới nhưng cũng tấp nập người mua, kẻ bán, nhất là vào những ngày cận tết. Dạo quanh chợ, những loại bánh, mứt, áo quần, hoa và các loại nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ tết bày bán nhiều hơn ngày thường. Bà Nguyễn Thị Dạo, tiểu thương chợ Tho Mo cho biết: “Chợ tết chủ yếu phục vụ người Việt, còn người Campuchia không ăn tết Việt mà khi đi chợ, thấy bánh, mứt, họ mua vài gói về dùng thử. Nắm bắt nhu cầu ngày tết, tôi chủ yếu lấy các loại mứt truyền thống, được nhiều người dân quê ưa chuộng như mứt gừng, bí, dừa và thèo lèo để bán. Năm nay, giá các loại mứt tăng từ 2.000-5.000 đồng/kg tùy loại”.

Ngoài bánh, mứt, chợ quê sẽ buồn hơn nếu thiếu hoa tết. Tuy nhiên, ở những phiên chợ quê ngày tết, các loại hoa “cao cấp” như hoa hồng, hoa ly, hướng dương,... hầu như rất ít. Ngược lại, vạn thọ, các loại cúc dường như có mặt khá nhiều. Theo chị Lê Thị Bền, tiểu thương chợ Tho Mo, người dân vùng quê ít “chơi” hoa tết như ở thành thị. “Họ mua hoa chủ yếu để chưng bàn thờ ông bà, tổ tiên nên thường chọn vạn thọ, cúc. Bên cạnh đó, nhiều người cũng thích mua hoa vải trang trí trong nhà dịp tết. Vì vậy, khoảng 15 tháng Chạp, tôi lấy hơn 50 lọ hoa vải về bán với giá từ 20.000-50.000 đồng/lọ. Từ hôm lấy hoa về đến nay, tôi bán ngoài 20 lọ” - chị Bền nói thêm.

Thân thương “Chất quê”

Không chỉ là nơi mua sắm, chợ tết ở quê còn là điểm dạo chơi, ngắm các mặt hàng. Những đứa trẻ lẽo đẽo theo mẹ ra chợ tết mua quần áo mới, những đôi nam thanh nữ tú dạo quanh các điểm bán hoa là hình ảnh thân quen ở phiên chợ quê ngày tết. Chị Nguyễn Thị Hà Phương, ngụ ấp Nhơn Hòa 1, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa chia sẻ: “Con gái tôi rất thích đi chợ tết nên những ngày gần tết, khi đã nghỉ làm, tôi lại đưa con đi chợ. Đến chợ tết, tôi chỉ chọn những loại bánh, mứt truyền thống để cúng tổ tiên và đãi khách. Đi chợ tết ở quê cũng không lo thách giá nên rất thoải mái”.

Bây giờ, về những vùng nông thôn những ngày giáp tết, chúng ta còn được bắt gặp hình ảnh những bà nội trợ, các cụ già còn khỏe mạnh, tay xách giỏ đan đi chợ tết. Hình ảnh này chỉ có ở chợ tết quê và dường như hiếm có ở chợ thị thành. Trong chiếc giỏ bàng, giỏ nhựa cặp tay là những món hàng đơn giản mang về chuẩn bị tết. Đó là xấp lá chuối gói bánh tét, ít củ kiệu hay một chiếc rổ đan bằng tre,... mua về đựng củ quả mấy ngày tết. “Nét riêng” của chợ tết quê còn là những loại cây nhà lá vườn được mang ra bán. Trong vườn nhà có vài chùm sung; năm ba trái khóm, mãng cầu hay đu đủ cũng được người dân quê mang ra bán ở chợ tết. Người đi chợ tết mua những loại trái này về chưng mâm ngũ quả trên bàn tờ tổ tiên trong 3 ngày tết. Bà Nguyễn Thị Quang, ở ấp Chánh, xã Đức Lập Thượng cho biết: “Nhà tôi có cây sung trước ngõ, cứ gần đến tết, tôi hái mang ra chợ bán. Dù là loại cây nhà lá vườn nhưng được nhiều người mua”.

Chợ tết quê thật gần gũi! Vì thế, khi rời quê lên phố, ra chợ thị thành những ngày cuối năm, mỗi người lại nhớ “chất quê” chợ tết quê với hình ảnh bình dị nhưng rất đỗi thân thương.../.

Khánh Ly

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích