Tiếng Việt | English

11/06/2015 - 11:03

Châu Thành: 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh

Thực hiện cung cấp nước sạch nhằm cải thiện nước sinh hoạt cho người dân là một trong những mục tiêu phát triển KT-XH được Huyện ủy Châu Thành quan tâm đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ, nhiệm kỳ 2010-2015. theo nghị quyết đến năm 2015, 100% hộ dân sử dụng đài nước, nước giếng; trong đó, có 40% số hộ sử dụng nước qua lắng lọc. sau thời gian tập trung thực hiện, đến nay, trên địa bàn huyện đã có 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, gần 50% hộ dân sử dụng nước qua lắng lọc, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Các xã vùng hạ của huyện Châu Thành được đầu tư trạm cấp nước qua lắng lọc, hợp vệ sinh

Toàn huyện Châu Thành hiện có trên 460 giếng nước. Trung bình mỗi giếng phục vụ sinh hoạt cho từ 50-150 hộ dân. Tùy theo số hộ dân nhiều hay ít, các trạm cấp nước được nâng cấp mở rộng bảo đảm đủ nước phục vụ. Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành - Nguyễn Thị Đậm, Ban điều hành thực hiện chương trình nước sạch nông thôn của huyện đã phối hợp các cơ quan chức năng, UBND các xã, thị trấn tập trung triển khai thực hiện chương trình nâng cấp, xây dựng bồn lắng lọc, đạt kết quả khả quan, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Từ năm 2011-2014, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ngân sách huyện, vốn dân, huyện đã đầu tư xây dựng nâng cấp 14 trạm cấp nước qua lắng lọc, với kinh phí đầu tư gần 8,4 tỉ đồng, cho các xã: Thanh Phú Long, Bình Quới, Vĩnh Công, Dương Xuân Hội, An Lục Long, Hòa Phú,… Ước tính tổng kinh phí đầu tư đến năm 2015 cho lĩnh vực nước sạch trên địa bàn huyện gần 9,5 tỉ đồng.

Cùng với việc đầu tư nâng cấp các trạm cấp nước, huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các tổ giếng nước lấy mẫu phân tích theo định kỳ để kiểm tra tỷ lệ nhiễm: Hg, Pb, Ecoli, Coliform, Salmonella,… Kết quả kiểm tra trong thời gian qua, hầu hết các giếng nước đều đạt chất lượng; các chỉ tiêu phân tích đều nằm trong giới hạn cho phép sử dụng. Bên cạnh đó, hằng năm, huyện còn được Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, kiểm tra chất lượng các giếng nước; tổ chức tập huấn tất cả các ban quản lý hệ thống nước sinh hoạt nông thôn; tập huấn hướng dẫn điều tra, cập nhật bộ chỉ số đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Phấn khởi khi được Nhà nước đầu tư xây dựng trạm cấp nước đạt QCVN 02/2009-BYT, với công suất lớn, phục vụ nước sinh hoạt cho 4/4 ấp trên địa bàn,. ông Phạm Văn Láng, người dân xã Thuận Mỹ cho biết: “Là1 trong 3 xã vùng hạ của huyện (Thuận Mỹ, Thanh Vĩnh Đông, Thanh Phú Long), xã có nguồn nước ngầm kém chất lượng, hàm lượng khoáng chất nhiều và bị nhiễm phèn phải khai thác sâu và qua xử lý mới sử dụng được. Đặc biệt, hằng năm, cứ vào mùa mưa, độ nhiễm phèn của nước càng cao hơn, do nước mưa rửa lượng phèn trên đồng ruộng chảy xuống các kênh, khiến người dân gặp nhiều khó khăn do thiếu nước sạch sử dụng, phải đi đổi nước với giá cao. Thế nhưng, nhờ có chương trình đầu tư nước sạch của huyện và sự quan tâm hỗ trợ các mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài xã, hiện nay, người dân địa phương đã có nước hợp vệ sinh để sử dụng”.

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng bồn lắng lọc theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015, tuy đạt một số kết quả khả quan nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, nước qua lắng lọc tuy có cao nhưng thiếu bền vững. Trên địa bàn vẫn còn tình trạng nước chảy yếu ở một số trạm cấp nước do nhiều hộ sử dụng trên 1 trạm; một phần do hộ ở xa nguồn nước, đường ống nước bị nghẹt do sử dụng lâu năm nhưng chưa có giải pháp khắc phục.

Từ nay đến năm 2020, huyện dự kiến sẽ nâng cấp 91 giếng, giá trị mỗi giếng được nâng cấp là 250 triệu đồng; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước qua lắng lọc đạt 80% (trong đó số hộ dân sử dụng nước sạch, đáp ứng QCVN 02/2009/BYT là 10%). Theo bà Nguyễn Thị Đậm, để đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, huyện sẽ tiếp tục phối hợp Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, UBND các xã, thị trấn tập trung triển khai thực hiện. Đồng thời, thường xuyên phối hợp kiểm tra, đánh giá, xếp loại cơ sở cấp nước, công tác quản lý khai thác và vận hành công trình sau đầu tư; đánh giá hiệu quả việc phân cấp quản lý đầu tư, khai thác và vận hành công trình cấp nước; ưu tiên đầu tư nâng cấp công trình cấp nước cho các xã nông thôn mới, các xã có tỷ lệ sử dụng nước qua lắng lọc đạt thấp./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết