Tiếng Việt | English

06/07/2015 - 10:04

Châu Thành: Thành tựu một chặng đường

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX, đến nay, Châu Thành đã đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.Tất cả hướng đến mục đích chung là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Niềm vui được mùa, được giá Ảnh: Phương Phương

Từ những cung đường mới...

Nhiệm kỳ qua, chương trình bêtông hóa, nhựa hóa giao thông nông thôn tại Châu Thành được nhân dân đồng tình hưởng ứng và đạt kết quả tốt. Đến cuối năm 2014, ước đạt 105,5% so với nghị quyết. Trong 5 năm, Châu Thành đã thực hiện 179 danh mục công trình, chiều dài 162,5km. Tổng kinh phí thực hiện 150,9 tỉ đồng, vốn người dân đóng góp 29,1 tỉ đồng và 92.464ha đất (quy thành tiền khoảng 20,7 tỉ đồng).

Ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành, có 100% đường giao thông nông thôn được bêtông hóa. Ông Nguyễn Văn Hồng, ấp Cầu Ông Bụi, người có nửa đời người gắn bó với quê hương, cho biết: “Hồi trước, ở đây đường khó đi lắm. Bây giờ, Nhà nước với nhân dân cùng làm đường, xe chạy tới nhà, dân bán thanh long cũng tiện”. Ông Hồng luôn là người tận tâm, nhiệt tình trong việc làm đường nông thôn. Ông không còn nhớ mình đã đóng góp bao nhiêu lần, bao nhiêu tiền cho những công trình, đi vận động được bao nhiêu hộ dân trong suốt những năm qua, chỉ biết rằng, ông là người được cả chính quyền và người dân tin tưởng.

Những con đường: Ấp Cầu Ông Bụi, liên ấp An Tập và Lộ Đá đều có một phần công sức của ông. Ông Hồng nói: “Có công trình làm đường là tui đóng góp, mình đi cũng được, không đi cũng được. Xã phát động điều đúng, lại có cán bộ đến tận dân, theo sát dân, như anh An, hầu như công trình nào cũng có mặt anh, nhiệt tình như vậy thì mình phải ủng hộ thôi. Mình ủng hộ rồi vận động bà con ủng hộ. Mỗi người một chút mới xong được”. Để hoàn tất bất kỳ công trình nào thì nguyên tắc tập trung dân chủ luôn được địa phương đặt lên hàng đầu. Công tác vận động quần chúng của Đảng bộ Châu Thành ngày càng đi vào chiều sâu, đến với các tầng lớp nhân dân. Mặt trận và các đoàn thể đã đóng góp lớn trong vận động quần chúng nhân dân. Việc triển khai thực hiện Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm gắn với các phong trào thi đua yêu nước được cụ thể hóa, đem lại hiệu quả thiết thực, tạo cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thường xuyên được chú trọng và phát huy.

Tất cả các công trình đường giao thông nông thôn ở Châu Thành đều mang dấu ấn đồng thuận của người dân(trong ảnh: Đoạn đường ở Phước Tân Hưng)

Bí thư Đảng ủy xã An Lục Long - Hà Minh Tuấn nhận xét, trước khi khởi công bất kỳ một công trình nào, xã đều triển khai xuống dân, lấy ý kiến của người dân. Chính sự đồng thuận của người dân là “gốc rễ” thành công của một công trình. “Quan trọng là người dân phải thấy được quyền lợi của mình trong các công trình. Dân sẽ tự bàn bạc, đưa ra mức đóng góp và trực tiếp thi công các công trình” - ông Tuấn chia sẻ.Mỗi địa phương có cách thức khác nhau trong việc huy động sự ủng hộ của người dân trong thực hiện các công trình, nhưng cách thức chung của huyện vẫn là lấy lòng dân làm thước đo, phải hợp lòng dân. Tất cả các công trình dù lớn, dù nhỏ đều cần có sự đồng thuận, góp ý của dân mới có thể hoàn tất được.

Bí thư Huyện ủy Châu Thành - Bùi Văn Nhắm cho biết: “Nhiệm kỳ qua, huyện đã thực hiện tốt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Chương trình xây dựng hạ tầng giao thông là 1 trong 3 chương trình trọng điểm của nhiệm kỳ 2010-2015. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, phát triển KT-XH của địa phương”

Lớp mẫu giáo khang trang ở xã Hiệp Thạnh

....Đến làn sóng nông thôn mới

Việc thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) được Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo. Với sự đồng thuận của nhân dân, huyện đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết. Chương trình đang phát huy hiệu quả một cách tích cực. Tính đến thời điểm này, Châu Thành có 5/12 xã đạt chuẩn NTM. Các xã còn lại đang trong giai đoạn xây dựng, hầu hết đều đạt từ 13-17 tiêu chí. Dự kiến đến cuối năm 2015, huyện sẽ có thêm 2 xã xây dựng thành công xã NTM. Những đổi thay dễ thấy nhất từ một xã đạt chuẩn NTM chính là đường sá khang trang, trường học, trung tâm văn hóa được nâng cấp, xây mới, đời sống người dân được nâng cao.

Chị Huỳnh Thị Thu Nga, một hộ dân đã thoát nghèo ở xã Phước Tân Hưng cho biết: “Nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện, giới thiệu việc làm, cho vay vốn, tui mới có được như vầy. Chứ không một mình nuôi 2 đứa con đi học, chắc tui nuôi không nổi quá!”. Phước Tân Hưng là xã đã hoàn tất chương trình xây dựng NTM trước kế hoạch đề ra. Từ đó, đời sống và tiện nghi của người dân được nâng lên. Em Trần Kim Bằng, ở ấp 7, xã Phước Tân Hưng phấn khởi: “Hồi trước, nhà em không có nước máy, mẹ với em hay xách nước dưới hào lên, có khi đi chở nước ở nhà hàng xóm về dùng. Mấy năm nay có nước máy rồi, nhà em chỉ cần mở van là có nước thôi. Sướng lắm!”. Theo Bí thư Đảng ủy xã Phước Tân Hưng - Nguyễn Văn Ru, hiện xã đang triển khai chương trình nước sạch cho người dân trong xã, từng bước đưa người dân từ sử dụng nước hợp vệ sinh sang sử dụng nước sạch. Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành - Nguyễn Thị Hồng Cúc cho biết, chương trình nước sạch là chương trình trọng điểm của huyện trong nhiệm kỳ tới.

Tại Hòa Phú, sau khi xây dựng thành công xã NTM, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Đây là cách gọi của địa phương nhằm hướng đến mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng, cải thiện các tiêu chí đã đạt trong xây dựng NTM: đường giao thông, vệ sinh môi trường,... Theo đó, các tuyến đường giao thông nông thôn trước kia đã được bêtông hóa 2m sẽ được nâng cấp thành 3m, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, dùng nước sạch,... Với tiêu chí công khai, minh bạch tài chính và để cho dân có quyền tự quyết, xã Hòa Phú đã thành công trong việc nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông nông thôn tại xã: Đường ấp 1, đường ấp 3,... Đến cuối năm 2014, xã Hòa Phú có 5 hộ nghèo, chiếm 0,31%.

Chương trình xây dựng NTM đã giúp bộ mặt nông thôn của Châu Thành có những thay đổi rõ rệt. Giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường học, bệnh viện được tập trung nâng cấp. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên: Nhà ở khang trang, đầy đủ tiện nghi, phương tiện đi lại, nghe nhìn,... Tỷ lệ hộ nghèo cũng từ đó giảm dần, hộ khá, hộ giàu được nâng lên. Tính đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện là 2,37%.

Các dịch vụ công: Trường học, y tế được nâng lên. Tỷ lệ phổ cập giáo dục trung học, phổ cập mầm non đều đạt 61,5%. Trong toàn huyện có 31/41 trường đạt chuẩn quốc gia. Bệnh viện Đa khoa huyện được nâng cấp, đạt quy mô 100 giường bệnh, bên cạnh đó là 5 cơ sở khám, chữa bệnh Đông y miễn phí.

Bí thư Huyện ủy - Bùi Văn Nhắm cho biết: “Nhờ có sự quan tâm hỗ trợ của Tỉnh ủy và các ban, ngành tỉnh cùng sức mạnh tổng hợp của nội bộ và sự đồng thuận của nhân dân, Châu Thành đã thực hiện đạt kết quả các chỉ tiêu nghị quyết đại hội. Đến nay, bộ mặt nông thôn trong huyện có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng sâu tiếp tục được cải thiện, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững”.

Sau 5 năm thực hiện nghị quyết đại hội, Châu Thành đã đạt những thành quả nhất định, mà nổi bật là chương trình xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống người dân. Trong nhiệm kỳ tới, Châu Thành định hướng tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện có chất lượng cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thương mại - dịch vụ và xây dựng NTM./.

Tính đến nay, huyện Châu Thành:

- Kết nạp được 522 đảng viên, vượt 122 đảng viên mới so với chỉ tiêu.

- Giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 14,7% so với chỉ tiêu 12,4%.

- Thu nhập bình quân đầu người 29 triệu đồng/người/năm.

- Xây dựng thành công 5 xã NTM, vượt 2 xã so với chỉ tiêu.

 

Phương Phương 

Chia sẻ bài viết