Tiếng Việt | English

15/08/2015 - 20:53

Chế độ ăn uống của bệnh nhi ung thư trong và sau điều trị

Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng đối với bệnh nhi ung thư ngay trong thời gian điều trị, và sau điều trị giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục.

Những thức ăn đầy đủ calo, protit, các vitamin, còn đảm bảo một nhu cầu chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể trẻ em. Lựa chọn chế độ dinh dưỡng phù hợp duy trì chất lượng cuộc sống, giảm thiểu các biến chứng trong điều trị. Sự suy dinh dưỡng hay gặp ở bệnh nhân ung thư cùng xảy ra sau liệu pháp chống u, giảm cân, phối hợp với sự dung nạp hóa trị liệu, tăng tỷ lệ tử vong.

Những yếu tố nguy cơ suy dinh dưỡng ở bệnh nhi ung thư: 

- Nhóm nguy cơ cao gồm có: Bệnh tiến triển trong thời điểm điều trị tấn công ban đầu, thể không thuận lợi của khối u Wilms, giai đoạn III, IV của u nguyên bào thần kinh (đặc biệt sinh học không thuận lợi).

Sacôm cơ vân thể bào thai giai đoạn tiến triển. Sacôm Ewing giai đoạn tiến triển. Vài loại u lym phô ác tính không Hodgkin. Bạch cầu cấp thể tủy. Bạch cầu lym phô cấp tiên lượng xấu. Bạch cầu lym phô cấp giai đoạn điều trị tấn công. Bạch cầu cấp tái phát. Nguyên tủy bào và các loại độ mô học cao của u não.

- Nhóm nguy cơ thấp: Bạch cầu lym phô cấp tiên lượng tốt. Khối u đặc chưa di căn.

Bệnh sinh suy dinh dưỡng ở trẻ em ung thư:

- Liên quan với giảm ăn.

- Chuyển hóa bất thường.

- Chất điều hòa nội sinh.

- Sử dụng chất cơ sở và phát triển của u.

- Do bệnh: Vị trí khối u, dành năng lượng tiêu hao vào u.

- Do điều trị (8-32%): Cách thức điều trị (hóa trị liệu, tia xạ hay phẫu thuật), thời gian điều trị, liên tục hay ngắt quãng, đường dùng thuốc.

- Do tác dụng phụ của điều trị: Nôn, buồn nôn, chuyển hóa tại ruột, ỉa chảy và kém hấp thu, táo bón, viêm niêm mạc, chán ăn, thay đổi vị giác.

- Do bệnh tiến triển, phát triển và di căn của u nhanh.

- Yếu tố tâm lý: Trầm cảm, môi trường bệnh viện, phá vỡ cuộc sống bình thường, kiểu ăn không bình thường.

Phương pháp bổ sung dinh dưỡng

Trẻ cần hỗ trợ dinh dưỡng khi đang dùng hóa chất hoặc tia xạ. Hầu hết các thuốc hóa chất gây nôn tại trung khu nôn của hệ thần kinh trung ương, trẻ phải thường xuyên sử dụng thuốc chống nôn. Hỗ trợ những gì cơ bản nhất cần thiết cho trẻ để làm tăng hấp thu dinh dưỡng, cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng thời gian sống thêm do bệnh ác tính. Các phương pháp hỗ trợ gồm: Ăn đường miệng, ăn bằng ống thông hoặc mổ thông dạ dày, nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn hoặc kết hợp.

Ngoài đường ăn uống

Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch

Bệnh nhi có nguy cơ cao có thể nuôi dưỡng tĩnh mạch dự phòng, những trẻ ăn uống khó khăn có thể nuôi dưỡng đường tĩnh mạch. Trẻ nguy cơ thấp nên cung cấp thức ăn đường miệng. Tuy nhiên, nếu sút cân nhanh có thể nuôi dưỡng tĩnh mạch ngắn ngày.

Những trẻ có chấn thương đường tiêu hóa có thể kém hấp thu nên có chế độ ăn không có lactose, giảm chất béo, giảm chất xơ. Khi niêm mạc miệng hoặc thực quản bị tổn thương, giảm đau tại chỗ và làm sạch, mất (không phải nóng hoặc lạnh), đồ uống không có acid thường có hiệu quả trước khi ăn. Hỗ trợ dinh dưỡng kéo dài tới khi trẻ tự ăn lại đầy đủ và sau khi kết thúc xạ trị 5-7 ngày và hóa trị liệu gây độc tế bào.

Cung cấp qua ống thông mũi-dạ dày:

- Chỉ định khi tự ăn đường miệng không đủ, nhưng hệ tiêu hóa cần chức năng, nếu bệnh nhân có số lượng máu đủ và không có viêm niêm mạc, chẩn đoán bệnh có nguy cơ suy dinh dưỡng thấp, điều trị ở giai đoạn duy trì, tác dụng phụ ở mức trung bình, ỉa chảy nhẹ, buồn nôn, nôn hoặc viêm niêm mạc, ăn không ngon và không muốn ăn, mất cân nặng > 5%, còn trợ giúp tiêu hóa tại nhà. Thích hợp cho trẻ lớn đủ khả năng hợp tác, có đủ số lượng bạch cầu hạt và tiểu cầu.

- Loét miệng, thực quản, chấn thương đường tiêu hóa do tia xạ, giảm bạch cầu hạt, tiểu cầu là chống chỉ định tương đối cho phương pháp này.

- Khi cần ăn qua ống thông dài ngày, cần đặt dẫn lưu dạ dày (percutaneous endoscopic gastrostomy, PEG) như ung thư đầu cổ. Nếu trẻ không chịu đựng được bơm thức ăn nhanh, truyền nhỏ giọt dạ dày để đưa được tối đa năng lượng đưa vào. Ăn qua ống thông có thể đạt được cân nặng sau can thiệp 1 tháng và 3 tháng.

Cung cấp dinh dưỡng bằng ăn uống:

Nói chung, phương pháp nào đơn giản nhất, giá thành rẻ nhất và có hiệu quả nhất nên được sử dụng.

Trẻ tự ăn:

- Hướng dẫn trẻ cách ăn. Nên cung cấp thông tin về số lượng, chế độ ăn phù hợp lứa tuổi khỏe, sau đó là các thức ăn ngon, giàu dinh dưỡng, số lượng thức ăn, thời gian ăn cho trẻ điều trị ung thư. Trẻ thường thích ăn đậm hoặc nhiều gia vị trong thời gian điều trị tích cực nhất. Thông báo cho cha mẹ trẻ về khả năng trẻ chán ăn do điều trị, kế hoạch dinh dưỡng để giải quyết chán ăn, nôn, đau miệng.

Những yếu tố liên quan ăn uống:

Trẻ không ngon miệng:

Bữa ăn thường xuyên, nhỏ (6-8 bữa) với thức ăn giàu dinh dưỡng và năng lượng. Khuyến khích uống các loại nước giàu dinh dưỡng giữa các bữa ăn. Chọn các thức ăn giàu dinh dưỡng và trẻ thích trong giai đoạn không điều trị để tránh ác cảm với thức ăn. Chọn thức ăn nhỏ hoặc được đóng gói.

Tạo không khí thoải mái cho trẻ khi ăn. Thay đổi khẩu vị: Dùng thức ăn có mùi hấp dẫn, hải sản, có hình thức đẹp. Tránh dùng thuốc trong bữa ăn. Trong trường hợp trẻ tự ăn không đủ năng lượng cần thiết, cho ăn qua ống thông dạ dày trong đêm.

Nôn và buồn nôn:

Ăn 3-4 giờ trước điều trị gây nôn hoặc buồn nôn. Tránh các thức ăn giàu chất béo. Ăn các thức ăn dễ tiêu hóa. Không bắt buộc trẻ ăn, điều trị bằng các liệu pháp tâm lý. Cho trẻ ngồi thẳng. Chia nhỏ các bữa ăn và khuyến khích trẻ ăn chậm.

Chọn các nước uống tinh khiết giữa các bữa ăn, sử dụng ống hút trong các bình có nắp đậy có thể thuận tiện cho uống từng ngụm trong ngày. Trẻ ăn các bữa ăn chính và phụ trong phòng có thông khí tốt vì mùi thức ăn có thể tạo ra cảm giác nôn và buôn nôn, tránh thức ăn có mùi vị mạnh. Sử dụng thuốc chống nôn.

Đau miệng:

Cho trẻ ăn thức ăn nhạt nguyên chất, mềm, ẩm, chế biến thành mẩu nhỏ, lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng. Tránh thức ăn nhiều gia vị. Thêm bơ, nước thịt, nước sốt, nước trộn sa lát để làm mềm thức ăn, tăng khả năng nuốt. Sử dụng nước súc miệng, chống nấm sau ăn.

Mất vị giác hoặc giảm vị giác:

Ăn các món hầm nhừ ít gia vị. Thêm thịt nướng hoặc hun khói tạo hương vị cho rau hoặc súp.

Khô miệng:

Ăn thức ăn chua/ngọt (nước chanh, kẹo cứng/cao su), mềm, hoặc lỏng. Giữ môi ẩm, thường xuyên nhấp nước cho trẻ.

Tiêu chảy:

Tránh thức ăn thớ to (hạt, rau sống). Hạn chế thức ăn nhiều chất béo, có gas (hành, bắp cải). Bù nước điện giải. Chăm sóc vùng mông, vệ sinh, thay tã lót thường xuyên, bôi cream.

Táo bón:

Tăng cường thức ăn xơ, rau ăn cả vỏ, tăng thành phần xơ trong khẩu phần ăn. Uống nhiều nước ấm. Cảnh giác với nguy cơ nứt kẽ hậu môn gây nhiễm trùng răng sâu.

Lưu ý:

Cho trẻ sử dụng bàn chải mềm, đánh răng với nước ấm. Giảm lượng thức ăn dính răng, đánh răng sau mỗi lần ăn, sử dụng thuốc súc miệng sau ăn. Sử dụng các thức ăn có năng lượng cao.

Các thực đơn khác nhau được sử dụng phối hợp với nhu cầu dinh dưỡng. Dùng thức ăn gồm protein, carbohydrate, chất béo trọng lượng phân tử cao, áp lực thẩm thấu thấp và chất xơ thích hợp cho bệnh nhân có chức năng tiêu hóa bình thường. Dùng thức ăn gồm amino acid hoặc peptid, oligosaccharid và monosaccharid, chất béo trọng lượng phân tử thấp hoặc triglycerid chuỗi trung bình cho bệnh nhi tiêu hóa bất thường.

Không phải tất cả các trẻ ung thư đều suy dinh dưỡng. Không hoạt động cơ thể làm tăng cân, một số trẻ vẫn tiếp tục ăn bình thường khi dùng thuốc, corticosteroid có thể làm trẻ tăng cân. Những trường hợp cân nặng đã đủ tiêu chuẩn nhất là quá cân nặng cần điều chỉnh chế độ ăn, hạn chế những cung cấp năng lượng cao.

Đánh giá

Yếu tố thuận lợi: Duy trì tốt hơn cấu trúc, chức năng toàn vẹn của đường tiêu hóa, giảm nguy cơ nhiễm trùng, dễ kiểm soát, giá rẻ, giảm stress khi điều trị tại nhà, sử dụng an toàn và dễ hơn, các chất dinh dưỡng được sử dụng sinh lý và hiệu quả hơn, giảm biến chứng gan-mật, cải thiện kết quả.

Yếu tố không thuận lợi: Chấn thương tâm lý, chảy máu, gây hội chứng hít nếu trẻ nôn, nôn, ỉa chảy, có thể gây nhiễm trùng mũi họng, miệng, và thực quản ở bệnh nhân giảm bạch cầu hạt, giảm cơ hội cung cấp dinh dưỡng qua đường ăn uống.

Teo ruột và chán ăn nếu dùng lâu, suy giảm miễn dịch và giảm tiểu cầu, thiếu vitamin và muối khoáng như thiamin dẫn đến bệnh lý thần kinh ngoại biên hoặc thiếu carnitin dẫn đến giảm sử dụng chất béo.

Nhu cầu năng lượng và khoáng chất

Nhu cầu vitamin và muối khoáng: Thiamin: 0,5 mg/1000 kcal; biotin: 100-300 mg; riboflavin: 0,6 mg/1000 kcal; pyridoxin: trẻ < 1 tuổi 3-6 mg, trẻ lớn 2 mg; folat: trẻ < 1 tuổi 5 mg/kg, trẻ lớn 8-10 mg/kg; sắt: 10-15 mg; magie: 50-70 mg; kẽm: 6 mg.

Nhu cầu năng lượng nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch hàng ngày:

- Trẻ từ 0-1 tuổi: 100-120 kcal/kg cân nặng, lượng dịch 130 ml/kg cân nặng. - Trẻ >1-8 tuổi: 75-90 kcal/kg cân nặng, lượng dịch 80-120 ml/kg cân nặng. - Trẻ từ 9-15 tuổi: 60-75 kcal/kg cân nặng, lượng dịch 50-75 ml/kg cân nặng.

- Trẻ > 15 tuổi: 30-55 kcal/kg cân nặng, lượng dịch 50 ml/kg cân nặng.

Lượng protein cần thiết (g/kg cân nặng): trẻ 0-1 tuổi từ 2-2,2. Trẻ >1-8 tuổi từ 1,2-1,8. Trẻ 9-15 tuổi từ 1,0-1,2. Trẻ >15 tuổi 0,8.

Quản lý chế độ ăn tại nhà và sau khi điều trị:

Chăm sóc dinh dưỡng vẫn luôn được đặt ra, đảm bảo cho trẻ nhanh chóng phục hồi sau điều trị, nhất là với những nhóm bệnh có nguy cơ suy dinh dưỡng. Khuyến khích ăn thức ăn giàu vitamin, năng lượng và protein cho trẻ cần dinh dưỡng đủ hoặc giữ cân nặng cho trẻ quá cân như khi điều trị steroid. Khi trẻ đã đạt cân nặng và chiều cao thích hợp, nên ăn thức ăn cho trẻ bình thường, không thêm protein và năng lượng. Bệnh nhi có thể chán ăn vì tâm lý, cần sự can thiệp tâm lý của các nhà tâm lý học đưa bệnh nhân về tình trạng ổn định.

Ăn bằng ống thông tại nhà: Trẻ suy dinh dưỡng do chán ăn, gia đình có khả năng thực hiện. Quan trọng nhất là đảm bảo sạch. Bệnh nhân cần được cân thường xuyên và theo dõi xét nghiệm để đảm bảo phát triển và dinh dưỡng đủ./.

Theo BS Trần Văn Công, Bệnh viện K trung ương/Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết