Tiếng Việt | English

12/08/2015 - 15:19

Chi hội Văn học Long An: 5 năm vượt khó

Làm công tác hội bao giờ cũng là chuyện chẳng dễ dàng gì, huống chi đây là Chi hội Văn học - một chi hội “đỏng đảnh” nhất của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Long An. Nhưng có ở vị trí là người tập hợp đội ngũ sáng tác văn chương mới thấy suốt 5 năm qua, những nhà văn, nhà thơ tỉnh nhà đã vượt khó đến mức nào để cho ra mắt những tác phẩm của riêng mình.


Hội viên Chi hội văn học chụp ảnh lưu niệm trong chuyến đi thực tế tại Gò Công, Tiền Giang

1. Ngày cây bàng ở quán cà phê Hội Văn học nghệ thuật chưa bị “chăm sóc” một cách thô bạo, nhà thơ Cao Thoại Châu vẫn chọn một chỗ ngồi gần nó, giống như cách ông đến văn chương: Lặng lẽ và riêng biệt. Ông ngồi trầm ngâm, bao giờ cũng biết cách yêu mình bằng những tờ báo và những câu chuyện rất đời pha chút hóm hỉnh với anh em văn nghệ. Nhìn ông mở lòng hơn với mọi người, chợt thấy mừng trong dạ. 

Có thể nói, 5 năm qua, nhà thơ Cao Thoại Châu là một trong những hội viên “vượt khó” nhất của Chi hội Văn học với 3 đầu sách (không phải in từ kinh phí hỗ trợ của hội) và một giải nhất thơ đồng bằng ở cái tuổi xưa nay hiếm. Nhớ, lần ông lên nhận giải ở Sóc Trăng, giữa những tác giả trẻ xôn xao, phơi phới nói cười, ông vẫn biết cách tỏa sáng bằng chính tài năng của mình. Tất nhiên, với không ít bàn dân thiên hạ, việc một người từng đoạt giải nhất (vẫn ở cuộc thi thơ đồng bằng năm 2006) như ông nay lại đi thi và nhận luôn vị trí quán quân là chuyện đáng bàn ra tán vào.

Nhưng có quen với ông, có thân với ông, người ta mới hiểu được đấy chỉ là cách để ông “trắc nghiệm” nỗi sợ lớn nhất của một người sáng tác: Mình có còn viết được hay không. Và ở giai đoạn cuối đời cầm bút (như ông từng tâm sự), nhà thơ Cao Thoại Châu vẫn chăm chỉ “cày ải” trên cánh đồng chữ, mà trên cánh đồng đó, con chữ nào ông thu hoạch được cũng có độ lấp lánh riêng của nó.

5 năm qua, nếu không nhắc đến nhà thơ Đinh Thị Thu Vân có lẽ là một thiếu sót lớn. Bao giờ cũng vậy, dù còn giữ chức Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Long An hay đã thư thả như bây giờ, nhà thơ Đinh Thị Thu Vân vẫn có một tiếng nói quan trọng trong giới cầm bút tỉnh nhà.

Chị yêu thơ một cách mãnh liệt, trái ngược hoàn toàn với dáng vẻ rụt rè bên ngoài của mình. Nói chị vượt khó trong văn chương e chưa phải, nhưng nói chị vượt khó để đưa thơ đến với độc giả theo cách thời thượng hiện nay là không gì bàn cãi.


Hội viên Chi hội văn học đi thực tế tại Gò Công, Tiền Giang

Không ai tưởng tượng một người mang phong cách cổ điển như chị, ngại đám đông, luôn xem phát biểu trước diễn đàn là nỗi sợ lớn nhất, hiện tại là một cái tên rất nóng trên facebook. Từ những ngày “thấy ai đó comment là người cứ run rẩy”, nhà thơ Đinh Thị Thu Vân nay đã chuyên nghiệp trên mạng xã hội lắm rồi, để từ đó, chị khiến bao người “điên đảo” vì thơ mình. Thơ chị cứ tuôn chảy như tâm hồn dạt dào của chị, cho nên dẫu đôi lần chị phải thốt lên “đừng trôi nữa tình yêu mang phận cỏ” thì những vần điệu mềm mại kia vẫn tiếp tục làm nao lòng người, không dứt.

2. Và còn nữa, những hội viên thật sự yêu nghề của Chi hội Văn học đã biết tự vượt lên chính mình để cho ra đời những trang viết làm ấm lòng người. Điều đó đã thôi thúc các thành viên trong Ban chấp hành chi hội phải nỗ lực nhiều hơn, vượt qua những khó khăn để tạo ra các buổi gặp gỡ, giao lưu nhằm giúp hội viên khơi lại tình yêu văn học.

Những chuyến đi thực tế ở Vĩnh Hưng, Tân Hưng, hay xa hơn, những hành trình khám phá vùng đất Đồng Tháp, Tiền Giang đã thật sự trở thành những chuyến hành trình tìm lại chính mình. Những nhà thơ, nhà văn sắc sảo trên trang viết là vậy, nhưng mỗi khi gặp nhau là hồn nhiên nói cười đến bất ngờ. Chẳng ai quên được nụ cười tỏa nắng của nhà thơ Thanh Tuyền, vẻ vô tư của nhà thơ Ngọc Lộc, nét dí dỏm sau vẻ ngoài “hình sự” của nhà văn Mặc Tuyền, hay thói quen “luôn mang theo rượu nhà trong mỗi chuyến đi” của nhà thơ Chân Mây, tất cả đã tạo nên màu sắc và không khí sôi nổi không dễ tìm được.

Nhưng điều hạnh phúc hơn của Ban Chấp hành Chi hội Văn học là trong những năm gần đây, nhiều hội viên đã trở về với hội, đã tham gia tích cực những hoạt động của Chi hội. 2 năm nay, không có lần đi thực tế nào mà vắng mặt tác giả Quang Hảo, Lê Kim, Nguyễn Xuân Đỉnh hay Võ Thanh Phong,…

Dù ai cũng hiểu và không đòi hỏi sau những chuyến đi mọi người sẽ cho ra đời những tác phẩm có giá trị, nhưng chính những lần thâm nhập thực tế ấy sẽ nuôi giữ niềm đam mê sáng tác cho mỗi nhà văn, nhà thơ. Và 5 năm qua, gần 20 tác phẩm ra đời (chưa kể những bản thảo đang in và chờ in) đã nói lên tất cả.

Nghề viết là nghề khó nhọc. Trên con đường sáng tác ấy, không ai biết được anh sẽ đi bao xa hay dừng lại lúc nào. Nhưng nếu mỗi nhà văn, nhà thơ còn lòng đam mê chữ nghĩa, còn đau với những chuyện đời thì vẫn còn tin vào những bước đi của mình. Và mái nhà Chi hội Văn học hy vọng sẽ là nơi thắp lên niềm đam mê đó, dù chỉ là ngọn lửa nhỏ nhoi./.

Bảo Linh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích