Tiếng Việt | English

26/12/2017 - 23:30

Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý

Ngày 15/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL). Theo đó, nghị định quy định rõ:

Điều kiện khó khăn về tài chính của người được TGPL là người thuộc hộ cận nghèo hoặc người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định pháp luật.

Về chế độ, chính sách đối với trợ giúp viên pháp lý: Trợ giúp viên pháp lý có các chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định pháp luật và được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề (bằng 25% mức lương hiện hưởng) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp vượt khung (nếu có) và được cấp trang phục riêng theo tiêu chuẩn, niên hạn cụ thể.

Chế độ thù lao, bồi dưỡng và chi phí thực hiện vụ việc TGPL cho người thực hiện TGPL: Khi thực hiện vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với trung tâm được hưởng thù lao theo buổi làm việc là 0,38 mức lương cơ sở/buổi làm việc nhưng tối đa không quá 30 buổi làm việc/vụ việc hoặc theo hình thức khoán chi vụ việc với mức tối thiểu bằng 3 mức lương cơ sở/vụ việc và mức tối đa không quá 10 mức lương cơ sở/vụ việc (căn cứ vào tính chất phức tạp, yêu cầu tố tụng và nội dung của từng vụ việc cụ thể). Khi thực hiện vụ việc TGPL bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với trung tâm được hưởng thù lao theo buổi làm việc là 0,31 mức lương cơ sở/buổi làm việc nhưng tối đa không quá 20 buổi làm việc/vụ việc.

Đối với hình thức tư vấn pháp luật, luật sư và cộng tác viên TGPL ký hợp đồng thực hiện TGPL với trung tâm được hưởng thù lao từ 0,08-0,15 mức lương cơ sở/văn bản tư vấn pháp luật (tùy tính chất phức tạp và nội dung của vụ việc); trợ giúp viên pháp lý được hưởng 40% mức thù lao áp dụng đối với luật sư khi thực hiện TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng và được hưởng mức bồi dưỡng bằng 20% mức thù lao áp dụng đối với luật sư khi thực hiện TGPL bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng. Đồng thời, khi thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng cần có thời gian thu thập chứng cứ hoặc xác minh, làm rõ vụ việc, người thực hiện TGPL còn được thanh toán chi phí phát sinh thực hiện vụ việc TGPL theo quy định.

Thủ tục thanh toán vụ việc TGPL theo buổi làm việc, theo khoán chi vụ việc, theo hình thức tư vấn pháp luật và thủ tục thanh toán của tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp tỉnh, thành phố nơi ký hợp đồng.

Thẻ cộng tác viên được cấp lại trong trường hợp thẻ cộng tác viên bị mất hoặc hư hỏng, không sử dụng được.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 và thay thế các Nghị định số 07/2007/NĐ-CP, ngày 12/01/2007; Nghị định số 14/2013/NĐ-CP, ngày 05/0/-2013; Nghị định số 80/2015/NĐ-CP, ngày 17/9/2015./.

P.PBGDPL

Chia sẻ bài viết