Tiếng Việt | English

08/11/2016 - 10:06

Giảm nghèo bền vững

Cho “cần câu” thay vì “con cá”

Giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển KT-XH. Thời gian qua, tỉnh Long An thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ những hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.


Gia đình bà Trần Thị Chiều, ngụ ấp Ông Nhan Đông, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường nhờ vay vốn được 50 triệu đồng đầu tư nuôi bò và mua máy cưa nên kinh tế gia đình ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững

Nhiều chính sách hỗ trợ hộ mới thoát nghèo

Thực hiện theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, thời gian qua, các cấp, các ngành có sự phối hợp đồng bộ để những hộ mới thoát nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay một cách nhanh chóng. 9 tháng năm 2016, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh Long An thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo có số dư nợ gần 268 tỉ đồng, với trên 9.900 hộ vay. Mức cho vay bình quân 26,9 triệu đồng, kịp thời tiếp sức cho những hộ mới thoát nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững. Trong đó, với vai trò nhận ủy thác nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh góp phần không nhỏ trong việc mang nguồn vốn đến với hộ nghèo.

Năm 2015, tỉnh có 2.805 hộ thoát nghèo nhưng lại có 982 hộ tái nghèo, tập trung nhiều ở các huyện: Vĩnh Hưng (344 hộ), Tân Thạnh (187 hộ),Tân Hưng (154 hộ).

Năm 2016, Hội Cựu chiến binh huyện Cần Giuộc có 40 hộ nghèo và 57 hộ cận nghèo trong tổng số trên 2.300 hội viên. Dự kiến cuối năm 2016, hội xóa được 22 hộ nghèo. Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Cần Giuộc - Võ Minh Luận thông tin: “Ngoài việc hỗ trợ vốn từ Ngân hàng CSXH cho những hộ nghèo và cận nghèo, hội còn quan tâm đến những hộ mới thoát nghèo để tránh tình trạng tái nghèo. Hiện nay, Hội Cựu chiến binh huyện có những chính sách đặc biệt dành cho hộ mới thoát nghèo như: Cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; vận động xây nhà, hỗ trợ vốn và kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt,... Kết quả trong năm 2016, hội không có hội viên bị tái nghèo”.

Sau khi tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, ông Hồ Tấn Minh, ngụ ấp Tân Đại, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc trở về địa phương và lập gia đình. Cha mẹ hai bên đều khó khăn nên “gia tài” lớn nhất của đôi vợ chồng trẻ chỉ có nghị lực và ý chí. Ban đầu, nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào công việc làm thuê của ông Minh. Khi 2 người con lần lượt ra đời, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn. Biết được hoàn cảnh của ông, Hội Cựu chiến binh xã xét cho ông Minh vay vốn 10 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH. Từ số vốn này, gia đình ông Minh đầu tư nuôi heo và nấu rượu. Sau thời gian cần cù làm việc, gia đình ông thoát nghèo và hoàn trả được vốn vay. Không dừng lại ở đó, gia đình ông tiếp tục được hỗ trợ bằng nguồn vốn xoay vòng của Chi hội Cựu chiến binh ấp Tân Đại và được chi hội vận động mạnh thường quân xây mới một căn nhà tình nghĩa trị giá 50 triệu đồng. Giờ đây, bên căn nhà kiên cố, 2 con khôn lớn và có thể tự lập, gia đình ông an tâm ổn định cuộc sống vì vượt qua được giai đoạn khó khăn.

Còn gia đình bà Trần Thị Chiều, ngụ ấp Ông Nhan Đông, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường cũng thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH do Đoàn Thanh niên xã nhận ủy thác. Gia đình bà không ruộng đất, chồng bị bệnh gan, không tiền chữa trị, các con sức khỏe kém và cũng không được học hành đến nơi, đến chốn. “Có lúc, tôi nghĩ có khi mình túng quẫn quá phải... xin ăn nhưng nhờ chính quyền địa phương quan tâm, tôi mới vượt qua được như ngày hôm nay. Nhận 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH năm 2015, con trai tôi mua 3 con bò và máy cưa rồi phụ chồng tôi đóng tủ, bàn, ghế,... Tôi kiếm thêm thu nhập nhờ cắt lục bình. Hiện tại, tôi trả hết nợ và còn được tham gia góp vốn xoay vòng từ Chi hội Phụ nữ ấp. Tôi tiếp tục dành dụm tiền mua máy xe nhang để thoát nghèo bền vững”.


Thời gian qua, tỉnh Long An thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ những hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững

"Nhằm bảo đảm tính hiệu quả của các chương trình giảm nghèo, đạt mục tiêu giảm được tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh xuống còn dưới 3% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần X, cần tăng cường sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành; trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhất là bản thân người nghèo."

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Hoa Thanh Niên

Tỷ lệ tái nghèo còn cao

Năm 2015, toàn tỉnh có 2.805 hộ thoát nghèo nhưng lại có 982 hộ tái nghèo, tập trung nhiều ở các huyện: Vĩnh Hưng (344 hộ), Tân Thạnh (187 hộ), Tân Hưng (154 hộ),... Ông Nguyễn Văn Hưởng, ngụ khu phố Rọc Chanh, thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng có 5 người con không được học hành đến nơi, đến chốn nên cuộc sống bấp bênh, tuy chăm lo làm ăn nhưng không có ruộng đất và vốn sản xuất. Ông luôn hy vọng được “đổi đời” qua việc tiếp cận vốn vay Ngân hàng CSXH từ Hội Nông dân xã. Tuy nhiên, do nguồn vốn phân bổ có hạn, còn rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn gia đình ông nên hội phải bình xét, lựa chọn đúng đối tượng cần hỗ trợ. Năm nay, sau khi vừa thoát nghèo, ông là một trong những hộ tái nghèo của xã theo chuẩn nghèo mới.

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tân Hưng - Nguyễn Văn Dùng thông tin: “Hội hiện có 20 hội viên thuộc hộ nghèo trong tổng số 287 hội viên. Tổng số dư nợ Hội Nông dân thị trấn đang quản lý là 1,5 tỉ đồng và dùng với nhiều chương trình: Cho vay mua nền nhà trả chậm, hỗ trợ học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm,... Trong đó, nguồn vốn giải quyết việc làm được hội cho các hộ vay để mua bò với số tiền 20 triệu đồng/hộ. Số vốn này chỉ có thể mua 1 con bò và xây chuồng trại. Năm 2016, hội có chỉ tiêu thoát nghèo 3 hộ nhưng không hoàn thành, ông Hưởng là 1 trong 3 hộ nêu trên. Mong rằng, các cấp, các ngành quan tâm, nâng cao nguồn vốn, tạo điều kiện để nhiều người dân được tiếp cận vốn vay, ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững”.

Xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ tái nghèo khá cao. Phó Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Hòa - Nguyễn Văn Chính cho biết: “Hiện nay, xã có một số trường hợp hộ mới thoát nghèo bị tái nghèo. Đa số những hộ bị tái nghèo bởi các nguyên nhân: Người già neo đơn không còn sức lao động; một số hộ có con đang tuổi đi học; gia đình có người bệnh; nguồn vốn vay hỗ trợ hộ mới thoát nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất,... Đặc biệt, trong đó có số ít trường hợp có tư tưởng muốn “được” tái nghèo để “hưởng” những chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo”.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) - Hoa Thanh Niên cho biết, nguyên nhân tỷ lệ tái nghèo còn cao chủ yếu do công tác lãnh đạo, chỉ đạo về giảm nghèo ở một số địa phương còn hạn chế; người nghèo đang thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ dẫn đến tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, công tác bình xét hộ nghèo ở các địa phương còn nhiều khó khăn, lúng túng. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nhiều địa phương còn chạy theo thành tích nên nguy cơ tái nghèo rất cao, nhất là khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Các địa phương chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa công tác cho vay với công tác khuyến nông-lâm-ngư nghiệp nên việc sử dụng nguồn vốn vay chưa hiệu quả,...

Hiện nay, toàn tỉnh có 15.704 hộ nghèo và 14.490 hộ cận nghèo. Vì vậy, nhằm bảo đảm tính hiệu quả của các chương trình giảm nghèo, đạt mục tiêu giảm được tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh xuống còn dưới 3% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần X, cần tăng cường sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành; trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhất là bản thân người nghèo. Ngoài ra, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục cùng các ngành liên quan thường xuyên tuyên truyền về những tấm gương thoát nghèo bền vững nhằm giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có sự tự giác, chủ động thực hiện giảm nghèo, có trách nhiệm hơn nữa để vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, cần tăng cường các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định cho các hộ mới thoát nghèo nhằm tạo thu nhập thường xuyên. Đặc biệt, cần giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không” đối với một số nhóm đối tượng cụ thể, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại.

Nhìn chung, các địa phương trong tỉnh có sự nỗ lực trong công tác giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, với tình trạng tái nghèo còn cao ở các địa phương, thời gian tới, ngoài những biện pháp hỗ trợ tạm thời thì các cấp, các ngành cần cho người nghèo “chiếc cần câu” thay vì cho “con cá” để tạo sự bền vững, lâu dài. Một khi có nghề nghiệp ổn định, được hỗ trợ đủ vốn để phát triển sản xuất thì người nghèo mới an tâm lao động và đóng góp cho xã hội./.

Phạm Ngân - Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết