Tiếng Việt | English

13/02/2018 - 09:53

Chợ quê ngày tết

Ngày nay, mặc dù siêu thị, trung tâm mua sắm mọc lên ngày càng nhiều nhưng chợ quê vẫn thu hút kẻ bán, người mua. Nếu chợ tết ở thành thị luôn tấp nập, tràn ngập sắc hoa, rực rỡ đồ trang trí,... thì chợ quê ngày tết mang nét bình dị, dân dã nhưng không kém phần nhộn nhịp.

1. Những ngày cận tết, việc mua bán tại chợ Tân Hiệp - chợ xã vùng biên của huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An trở nên tấp nập hơn. Các tiểu thương bày bán nhiều mặt hàng thiết yếu “cây nhà lá vườn” từ rau, củ, quả cho đến thịt gia súc, gia cầm,... nên giá cả phải chăng. Hầu hết người mua, bán đều là dân địa phương.

Chị Phạm Thị Bích Huyền, tiểu thương gần 10 năm bán tại chợ, cho biết: “Ngày thường, chợ đông đúc trong vài tiếng đồng hồ vào buổi sáng. Riêng những ngày giáp tết, chợ hoạt động lâu hơn. Năm nay, các tiểu thương chuẩn bị khá đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết cho người dân biên giới”.

Thịt heo là mặt hàng được bày bán nhiều trong phiên chợ tết ở quê

“Cả năm mới có một cái tết, tôi đi chợ mua sắm thức ăn cho mấy ngày tết và mua quần áo mới cho các con. Chợ tết ở đây đông vui, nhiều mặt hàng hơn ngày thường nhưng giá cả “mềm” hơn so với chợ thành thị” - chị Nguyễn Thị Diệu, người dân xã Thuận Bình, bộc bạch.

Chị Huỳnh Thanh Hồng, quê xã Tân Hiệp, chia sẻ: “Tôi định cư ở TP.HCM, năm nay, về quê ăn tết với gia đình. Hôm nay, có dịp theo mẹ đi chợ mới nhận thấy, chợ quê ấm áp, thân tình, không khí khoáng đãng khác hẳn với không khí của chợ thành phố”.

2. Cận tết, chợ Kỳ Son, xã Bình Quới, huyện Châu Thành đông hơn ngày thường 4-5 lần và có cả chợ đêm. Chợ thường họp từ sáng đến đầu giờ chiều, riêng những ngày giáp tết, chợ họp cả ngày.

Nhiều người nô nức mua bánh, trái cây, hoa để chưng tết. Những đứa bé theo người lớn ra chợ, hớn hở được mẹ mua cho những bộ quần áo mới. Tiếng nhạc xuân rộn ràng, tiếng người cười nói, chào hỏi nhau làm nên nhịp sống sôi động ở chợ Kỳ Son trong những ngày giáp tết.

Chị Lê Huỳnh Diễm Thúy, ngụ xã Phú Ngãi Trị, đang chọn những chậu hoa chưng tết, chia sẻ: “Năm nay, mẫu hoa giả nhiều và rực rỡ màu sắc, giá cả không tăng so với ngày thường, nên tôi có nhiều sự lựa chọn hơn”.

“Mặt hàng bánh kẹo năm nay phong phú hơn, sức mua của người dân tăng nhiều. Họ chuộng các loại mứt truyền thống như dừa, gừng và các loại bánh kẹo sản xuất trong nước, giá không khác so với ngày thường” - chị Nguyễn Thị Linh, bán bánh kẹo tại chợ, cho biết.

Nhiều loại nông sản bày bán ở chợ quê đều là sản vật được người dân tự sản xuất

Bà Đinh Thị Mỹ không nhớ rõ chợ Kỳ Son có từ khi nào nhưng gần 20 năm qua, bà vẫn không rời xa cái chợ quê này. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tết, bà bán những bó rau, nải chuối, trái cà, củ khoai, các loại bánh,... do chính mình trồng, làm ra để kiếm chút tiền lo cho gia đình có cái tết tươm tất, đầy đủ hơn.

3. Chợ Rạch Chanh là chợ vùng ven TP.Tân An được nhiều người biết đến với nhiều loại đặc sản đồng quê. Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, ngụ xã Lợi Bình Nhơn, một tiểu thương, cho biết: “Ngày nào cũng vậy, tôi chạy ghe xuống một số huyện Đồng Tháp Mười của tỉnh thu mua đặc sản đồng quê: Cá lóc, rô, sặt, lươn, rắn,... về bán. Mọi người mua bán rất thân thiện, cởi mở,...”.

“Ngoài việc bán hàng mưu sinh, những bạn hàng ở chợ quê còn tìm thấy niềm vui trong mỗi buổi chợ. Còn những người đi chợ quê không chỉ mua sắm mà còn gặp gỡ trò chuyện, trao đổi về công việc làm ăn” - chị Bùi Thị Lệ Hằng, người dân xã Lợi Bình Nhơn, chia sẻ.

Vào những ngày cuối năm, có đi chợ quê mới cảm nhận hết không khí xuân đang về với đầy ắp những điều bình dị, đơn sơ. Sự tấp nập, nhộn nhịp của chợ quê mỗi dịp tết đến, một nét đẹp ngày xuân không thể thiếu đối với dân tộc ta./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết